* Không đa dạng hình thức đánh giá, học sinh sẽ nhàm chán
Đánh giá trước hết phải vì sự tiến bộ của học sinh, giúp học sinh nhận ra mình đang ở đâu trên con đường đạt đến mục tiêu bài học/chuẩn kiến thức, kỹ năng… Đánh giá không làm học sinh lo sợ, bị thương tổn, mất tự tin.
Việc đổi mới quá trình kiểm tra đánh giá vô cùng quan trọng, là hạt nhân quy chiếu toàn bộ quá trình dạy học và quá trình đổi mới chương trình sách giáo khoa. PGS.TS Nguyễn Công Khanh – Giám đốc Trung tâm Đảm bảo chất lượng giáo dục và Khảo thí, Trường ĐHSP Hà Nội khẳng định.
PGS.TS Nguyễn Công Khanh nói: Muốn đổi mới căn bản toàn diện chương trình, SGK phổ thông từ năm 2015, “mắt xích” cần phải tập trung, nỗ lực nhiều nhất, đầu tư nhiều thời gian, trí tuệ, tiền bạc nhất chính là khâu đổi mới cách thức kiểm tra đánh giá. Đây sẽ là động lực thúc đẩy các quá trình khác như đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới cách thức tổ chức hoạt động dạy học, đổi mới quản lý….
PGS.TS Nguyễn Công Khanh |
Chưa xác định rõ được triết lý đánh giá
Theo PGS, kiểm tra đánh giá còn yếu ở khâu nào?
- Điểm yếu nhất là chưa xác định rõ triết lý đánh giá: Đánh giá để làm gì, tại sao phải đánh giá, đánh giá nhằm thúc đẩy, hình thành khả năng gì ở người học?... Đánh giá trước hết phải vì sự tiến bộ của học sinh, giúp học sinh nhận ra mình đang ở đâu trên con đường đạt đến mục tiêu bài học/chuẩn kiến thức, kỹ năng… Đánh giá không làm học sinh lo sợ, bị thương tổn, mất tự tin. Đánh giá phải diễn ra trong suốt quá trình dạy học, giúp các em liên tục được phản hồi để biết mình mắc lỗi, thiếu hoặc yếu ở điểm nào để cả giáo viên và học sinh cùng điều chỉnh hoạt động dạy và học. Đánh giá phải tạo ra sự phát triển, phải nâng cao năng lực của người học, tức là giúp các em hình thành khả năng tự đánh giá, đánh giá lẫn nhau… để phát triển năng lực tự học. Hiện nay rất nhiều giáo viên, các cán bộ quản lý giáo dục chưa thấu hiểu triết lý đánh giá, chủ yếu mới chỉ tập trung vào đánh giá kết quả học tập, để xếp loại học sinh…
Giáo viên cũng gặp rất nhiều khó khăn khi phải đánh giá các hoạt động giáo dục (đánh giá các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, đánh giá đạo đức, giá trị sống, kỹ năng sống… Nếu đánh giá chỉ là sự học thuộc bài, làm lại theo các kiểu, dạng bài mẫu thầy đã cho… sẽ triệt tiêu sự phát triển, sự nỗ lực vươn lên ở người học.
Đánh giá có tính khích lệ sẽ giúp học sinh tự tin trong học tập |
Lời phê trong khi chấm bài cũng là một cách đánh giá. Cách làm này đã từng được áp dụng nhưng rồi lại bỏ qua. Giờ đổi mới ta quay lại cái cũ?
- Điểm yếu nữa là đánh giá (chấm điểm) mà không có sự phản hồi cho người học. Cô chấm bài kiểm tra/thi thường chỉ cho điểm hoặc chỉ phê “sai”, “làm lại” hay đánh ký hiệu đúng chứ chưa giải thích được rõ cho học sinh biết tại sao sai, sai như thế nào. Bên cạnh đó, nếu giáo viên có phản hồi (chữa bài) lại thường đưa ra lời giải đúng theo cách tư duy của giáo viên, mà không giúp phân tích mổ xẻ những cách tư duy của học sinh dẫn đến sự sai sót.
Nhiều giáo viên còn đưa ra những nhận xét âm tính, tiêu cực, làm học sinh mất niềm tin. Đánh giá lại khuôn vào một số kiểu loại bài toán, dạng bài văn, không nhằm bộc lộ năng lực suy nghĩ, sự trải nghiệm đa dạng, phong phú của người học, tức tập trung vào một số kiểu đề thi và chỉ để đáp ứng các kỳ thi, điều này làm cho quá trình dạy học bị bó méo chỉ để phục vụ mục đích thi cử, nên mới xảy ra hiện tượng mọi học sinh muốn thi đỗ phải đến lớp luyện thi.
Hiểu được triết lý của việc đánh giá?
Theo PGS, đổi mới kiểm tra đánh giá nên bắt đầu từ đâu?
- Trước hết phải bắt đầu từ chính trong ý thức của giáo viên và CBQL; nếu người ta hiểu đó là vấn đề sống còn, vì lợi ích của học sinh, vì tương lai của nhà trường thì người ta mới nỗ lực để đổi mới kiểm tra đánh giá theo cách tiếp cận năng lực. Đây là vấn đề khó, đòi hỏi phải có thời gian. Giáo viên phải được tập huấn về đổi mới kiểm tra đánh giá theo cách tiếp cận năng lực là thế nào? Tập trung đánh giá những năng lực cốt lõi nào? Chẳng hạn các bài kiểm tra thiết kế thế nào để đánh giá được các năng lực tư duy bậc cao của học sinh (tư duy sáng tạo, năng lực giải quyết vấn đề…).
Giáo viên đang thiếu động lực để đổi mới kiểm tra đánh giá. Các nhà quản lý giáo dục phải nỗ lực bằng những chính sách, chế tài… để thúc để giáo viên đổi mới kiểm tra đánh giá. Thứ hai là bắt đầu từ học sinh, ở chỗ phải tổ chức, hướng dẫn để học sinh biết cách tự đánh giá, học sinh được đánh giá lẫn nhau, mọi sự đổi mới kiểm tra đánh giá phải làm cho học sinh tích cực hơn, nỗ lực hơn và phải dẫn đến sự biến đổi ở người học (không chỉ là làm chủ kiến thức, kỹ năng… mà thay đổi cả thái độ, niềm tin) hình thành ở học sinh khả năng tự kiểm tra, tự đánh giá.
Đánh giá phải là động lực để học sinh vui học |
Vậy, phải đổi mới kiểm tra, đánh giá như thế nào, thưa PGS?
Không đa dạng hình thức đánh giá, học sinh sẽ nhàm chán Một trong những điểm yếu nữa là hiện nay, giáo viên sử dụng hầu như rất hạn chế các hình thức đánh giá, phần lớn những đánh giá dựa vào viết luận, làm các bài tập như kiểm tra 15 phút, 1 tiết… , và thông qua một số câu hỏi trắc nghiệm hoặc tự luận mà chính giáo viên cũng không rõ mình định đánh giá kỹ năng hay năng lực gì ở học sinh. Khi giáo viên chưa đa dạng hóa các kiểu đánh giá sẽ làm cho hoạt động học tập nhàm chán, sẽ khó phát triển các năng lực bậc cao ở người học (như năng lực giải quyết vấn đề, năng lực tư duy sáng tạo…). Trong khi đó, yêu cầu của đổi mới kiểm tra đánh giá là phải áp dụng đa dạng các hình thức đánh giá: Đánh giá bằng trắc nghiệm, bằng kiểm tra viết kiểu tự luận, đánh giá thông qua sản phẩm, qua hồ sơ học sinh, qua thuyết trình/trình bày, thông qua tương tác nhóm, thông qua các sản phẩm của nhóm…, đánh giá bằng các tình huống bài tập, các hình thức tiểu luận… thì giáo viên chưa làm được vì chưa được đào tạo. |
- Khi xây dựng bài kiểm tra đánh giá, bao giờ cũng cần phải xác định mục tiêu của kiểm tra đánh giá là gì? Những kiến thức, kỹ năng hay năng lực nào cần đánh giá. Có những phương pháp, kỹ thuật nào trong kiểm tra, đánh giá? Và, sử dụng kết quả kiểm tra đó như thế nào?... Kiểm tra đánh giá là một phần không thể thiếu được của quá trình dạy học, do đó, ít nhất nó phải vì sự tiến bộ của học sinh. Có nghĩa là phải cung cấp những thông tin phản hồi để mỗi học sinh biết mình tiến bộ đến đâu? Biết mình làm chủ được kiến thức, kỹ năng này ở mức nào và phần nào còn hổng… những sai sót nào trong nhận thức học sinh thường mắc… qua đó điều chỉnh quá trình dạy và học; đánh giá phải làm sao để học sinh không sợ hãi, không bị thương tổn, từ đó thúc đẩy học sinh nỗ lực, hình thành sự tự tin…
Đánh giá phải diễn ra trong suốt quá trình dạy học; học sinh phải được giáo viên phản hồi sau mỗi lần đánh giá, được hướng dẫn cách thức tự đánh giá, đánh giá lẫn nhau. Có như vậy, học sinh mới tự phản hồi với bản thân xem kết quả học tập của mình đến đâu, tốt hay chưa tốt như thế nào. Đánh giá đó mới hình thành năng lực của học sinh, cái mà chúng ta đang rất mong muốn.
Phải làm cho giáo viên thấu hiểu được triết lý đánh giá, giáo viên phải được đào tạo để có kiến thức, kỹ năng, làm chủ được quá trình đánh giá và phải biết nhiều phương pháp, kỹ thuật đánh giá. Phương pháp, kỹ thuật đánh giá càng đa dạng, thì mức độ chính xác trong đánh giá càng cao, làm bộc lộ các khả năng khá nhau của học sinh
Để thực hiện được những điều trên, quan trọng nhất là sự thay đổi nhận thức của giáo viên, của lãnh đạo; sự hỗ trợ của các nhóm chuyên gia và dư luận xã hội ủng hộ. Chừng nào còn giữ nguyên thói quen đánh giá theo kiểu cũ, đánh giá dựa trên sự học thuộc, bài làm của học sinh viết theo khuôn mẫu thì chừng đó dạy học khó tích cực hóa người học, giáo dục theo kiểu áp đặt từ giáo viên khó mà hình thành năng lực ở người học.
Còn trước mắt, có thể chọn những vấn đề cần tập trung ngay như khâu bồi dưỡng cho giáo viên, CBQL về kiểm tra, đánh giá; bày cho giáo viên một số phương pháp kiểm tra đánh giá mà họ có thể thực hiện được, chẳng hạn giúp giáo viên biết phương pháp thiết kế các câu hỏi thi tự luận ngắn theo kiểu đề mở.
Nếu thực hiện được việc kiểm tra đánh giá hướng vào đánh giá quá trình, giúp phát triển năng lực người học, thì lúc đó quá trình dạy học trở nên tích cực hơn rất nhiều; Quá trình đó sẽ nhắm đến mục tiêu xa hơn, đó là nuôi dưỡng hứng thú học đường, tạo sự tự giác trong học tập và quan trọng hơn là gieo vào lòng học sinh sự tự tin, niềm tin “người khác làm được mình cũng sẽ làm được”… Điều này vô cùng quan trọng để tạo ra mã số thành công của mỗi học sinh trong tương lai. |
Hiếu Nguyễn (thực hiện)
TIN LIÊN QUAN |
---|