Kỳ 2: Đánh cắp tuổi thơ

Kỳ 2: Đánh cắp tuổi thơ

(GD&TĐ) - Cho con học chữ trước khi vào lớp 1 dường như trở thành phong trào, là “mốt” của các gia đình ở các thành phố lớn. Ngoài giờ học ở trường mẫu giáo, trẻ lại “tăng ca” ở nhà cô hay một trung tâm luyện chữ nào đó nhằm thỏa lòng mong ước của cha mẹ. Điều đáng nói ở chỗ, rất ít phụ huynh quan tâm đến việc việc trẻ có thích học hay không,  lợi- hại của việc cho trẻ học chữ trước là “đánh cắp tuổi thơ” của trẻ.

Học theo nhu cầu của cha mẹ

Năm nào cũng vậy, cứ hết học kỳ 1 là không ít học sinh lớp 1 được cha mẹ đưa đến phòng khám Tuna (Trung tâm nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng) để kiểm tra, tư vấn tâm lý. Có trẻ đến trong tình trạng lo sợ, khóc, cũng có trẻ cứ nghĩ đến việc đi học là buồn nôn.

“Tất cả những trẻ trên đều bị rối loạn ám ảnh sợ do chúng không thích nghi kịp với môi trường từ chơi là chủ yếu sang học tập. Cũng có trẻ không theo kịp các bạn ở lớp nên sợ đi học” - TS. BS  Lã Thị Bưởi, Trưởng Phòng khám Tuna cho biết. Cũng theo TS Bưởi, những trẻ trên khi được hỏi đều có mong ước… không phải đi học, được ở nhà. Một trong những nguyên nhân khiến trẻ sợ học đến mức ám ảnh là do trẻ phải chịu quá nhiều sức ép về điểm số, học thêm… do cha mẹ nào cũng muốn con mình học giỏi nhất lớp, nếu không cũng thuộc loại tiếp thu nhanh nên đã cho con học trước chương trình.

Giáo viên tiểu học mới là người gánh trọng trách dạy trẻ những nét chữ đầu đời. Ả nh: H. Thu
 Giáo viên tiểu học mới là người gánh trọng trách dạy trẻ những nét chữ đầu đời.   Ả nh: H. Thu

Các nhà tâm lý học của các nước phát triển đều chứng minh trẻ sau 6 tuổi mới có đủ thể lực, tâm lực cho việc học chữ và học toán. Do vậy, từ những năm 1987, Bộ GD&ĐT đã có chỉ thị yêu cầu các trường mầm non, tiểu học không dạy chữ, toán cho trẻ 5-6 tuổi. Từ đó, việc dạy chữ cho trẻ trước khi vào lớp 1 không còn được nhắc đến. Tuy nhiên, những năm gần đây, tình trạng trên lại nổi lên và trở thành vấn đề “nóng” của xã hội mỗi khi năm học mới sắp bắt đầu. Theo  GSTS Phạm Minh Hạc - Nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, việc cho trẻ đi học trước khi vào lớp 1 chủ yếu do tâm lý của phụ huynh. “Bố mẹ nào cũng mong muốn con mình đi trước, hơn người khác một ít” nên đã tìm thầy, tìm lớp cho con học. Việc cho trẻ học trước ban đầu chỉ xuất hiện ở những gia đình có điều kiện. Sau, việc cho trẻ học trước lây lan thành phong trào” - GS Hạc nhận định. Bên cạnh đó, cũng có gia đình cho con đi học trước do quá kỳ vọng vào con hoặc cũng có gia đình vì có quá nhiều công việc đành gửi con đến nhà cô để trẻ vừa được  cô nuôi lẫn dạy học.

Lợi ít - Hại nhiều

Phải thừa nhận những trẻ được học chữ, toán trước khi vào lớp 1 đều tự tin, nhanh nhẹn hơn trẻ kiến thức như “tờ giấy trắng”. Tuy nhiên, sự chênh lệch chỉ tồn tại trong một thời gian nhất định bởi trẻ biết trước thường có tâm lý chủ quan nên giảm ham muốn học tập. Do vậy, ban đầu trẻ có thể học tốt nhưng sau một học kỳ sẽ chững lại, thậm chí học kém hơn trẻ khác, GS Hạc khẳng định.

Trẻ mầm non chỉ nên làm quen chữ và số thông qua trò chơi, tập tô, tập vẽ. Ảnh: V. Văn

Trẻ mầm non chỉ nên làm quen chữ và số thông qua trò chơi, tập tô, tập vẽ. Ảnh: V. Văn

Nghiên cứu của các nhà khoa học cũng cho thấy việc học sớm có thể phù hợp với một số trẻ có tố chất đặc biệt nhưng không phù hợp với số đông.  Đây là lý do tại sao các nước tiên tiến đều chọn lứa tuổi trẻ bắt đầu vào lớp 1 là 6 tuổi. Ngay như nước Nga nhiều năm trước đều quy định trẻ 7 tuổi vào lớp 1 nhưng từ những năm 1980 cũng thay đổi theo chiều hướng trẻ 6 tuổi sẽ bắt đầu học tiểu học.  Ở Việt Nam, trước kia trẻ 7 tuổi mới vào lớp 1 nhưng trước đó có thời gian theo học lớp vỡ lòng để tập đánh vần và làm quen với số. Tuy nhiên, khi hệ thống trường mầm non phát triển, đảm bảo được yêu cầu nuôi - dạy những kỹ năng cơ bản cho trẻ (tâm lý, thể lực), cộng với theo xu thế chung của các nước, từ năm 1981 cả nước thực hiện đồng loạt quy định trẻ 6 tuổi vào lớp 1.

Kỳ 2: Đánh cắp tuổi thơ ảnh 3
 Hãy để trẻ phát triển tư duy “con chữ” theo đúng độ tuổi.    Ảnh: Minh Thành

Theo TS Bưởi,  khoa học đã chứng minh trẻ dưới 6 tuổi nên chơi nhiều hơn học, việc dạy các kỹ năng cho trẻ ở độ tuổi này cũng phải  thông qua các trò chơi là chủ yếu. Do vậy, trào lưu cho con đi học trước khi vào lớp 1 là “đánh cắp tuổi thơ” của trẻ, tạo cho trẻ những căng thẳng không đáng có, bởi thay vì được chơi sau khi học ở trường mẫu giáo chúng lại phải học “tăng ca” ở nơi khác.

Trào lưu cho con học trước khi vào lớp 1 không chỉ khiến trẻ bị stress mà còn gây áp lực cho giáo viên đứng lớp. Theo TS Bưởi, khi giáo viên phải dạy 2 trình độ trong một lớp sẽ dẫn đến tình trạng theo số đông. Như vậy, nếu trong lớp đa phần trẻ chưa biết gì thì giáo viên sẽ tập trung vào số học sinh này, ít quan tâm đến học sinh đã học trước khiến các em không có động lực tiếp tục phấn đấu. Ngược lại, nếu giáo viên dạy theo những học sinh đã biết đọc, biết viết thì những trẻ còn lại có cảm giác bị bỏ rơi khiến các em phải nỗ lực nhiều hơn. Khi các em kém hơn các bạn sẽ luôn mang mặc cảm mình kém hơn các bạn, từ đó cũng dẫn đến tình trạng sợ học.

Bao giờ hết “quả non, chín ép”?

Với quan điểm trẻ đến tuổi thì phải đi học, nhưng không nên học quá sớm hay quá muộn, TS Bưởi cho rằng, chỉ nên dạy kiến thức cho trẻ sau 6 tuổi. Với lớp 1, đặc biệt là học kỳ 1 nên là thời gian để trẻ làm quen khi chuyển từ môi trường chơi là chủ yếu sang học là chủ yếu.

“Lớp 1 là nền tảng. Nếu nền tảng trên được xây dựng vững chắc giúp trẻ phấn khởi, vững vàng thì sẽ là điều kiện tốt để trẻ phát triển tâm lý, kỹ năng học tập, là môi trường tốt để trẻ phát triển toàn diện. Tuy nhiên, việc ép trẻ vì yêu cầu, mong ước của cha mẹ sẽ tạo áp lực cho trẻ, khiến trẻ phải nói dối. Bằng chứng là rất nhiều trẻ (lớn có, bé có) khi được gia đình đưa đến trung tâm đều xin bác sĩ chứng nhận bị bệnh nào đó để không phải đi học”, TS Bưởi khuyến cáo.

Việc cho trẻ học trước khi vào lớp 1, học trước chương trình là phong trào tự phát, trái với quy định của ngành Giáo dục. Nếu phụ huynh được trang bị đầy đủ kiến thức về khoa học giáo dục, đặc biệt là tâm lý lứa tuổi thì trẻ mẫu giáo, đặc biệt là trẻ 5 - 6  tuổi sẽ không phải chịu cảnh “quả non bị  ép chín” như hiện nay.

La Giang

Kỳ 3: Cần một giải pháp đồng bộ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ