Kỳ 1. Quả bom nguyên tử đầu tiên

Kỳ 1. Quả bom nguyên tử đầu tiên

(GD&TĐ) - Emil Julius Klaus Fuchs là nhà vật lý lý thuyết người Đức, đồng thời cũng là điệp viên nổi tiếng, người đã cung cấp các thông tin từ dự án tuyệt mật Manhattan do ba nước Mỹ, Anh và Canada chủ trì cho Liên Xô trong Đại chiến Thế giới II.

Vụ thử bom nguyên tử ở Trinity
Vụ thử bom nguyên tử ở Trinity 

Đó là một ngày chủ nhật rực nắng ở New Mexico, với kiểu thời tiết điển hình khô, nóng của Nam Mỹ. Ánh mặt trời chói chang phản chiếu qua những bức tường của các tòa nhà làm lóa mắt những ai không đeo kính. Trên chiếc cầu nhỏ ở trung tâm thành phố Santa Fe, hai người đàn ông đang gặp gỡ. Một người dong dỏng cao trong chiếc áo cộc tay, quần kaki, với cặp kính gọng kim loại. Người kia thấp đậm, đội mũ phớt và khoác một chiếc áo mưa. Cách ăn mặc của người thứ hai khá kỳ quặc đối với cái nắng nóng vùng sa mạc. Chẳng ai để ý đến hai người đàn ông lạ giữa rất nhiều người lạ xuất hiện ở Santa Fe trong những năm chiến trận. Dù sao đi nữa, trong cái ngày tháng 6/1945 đó, cuộc gặp gỡ tưởng như vô thưởng vô phạt này đã đi vào lịch sử, khi người đàn ông dong dỏng cao hơn chuyển một chiếc phong bì cho người thấp đậm. Trong phong bì là dữ liệu về các nguyên tố cơ bản cho việc thiết kế bom nguyên tử.

Đây không phải cuộc gặp đầu tiên của họ. Trong 5 hoặc 6 cuộc gặp gỡ ngắn ngủi trước đó ở New York, người thanh niên dong dỏng cao đã chuyển những phong bì khác chứa các văn bản khoa học. Người đàn ông thấp đậm là một người đưa tin, có biệt danh là “Raymond”. 4 ngày sau khi gặp nhau ở Santa Fe, giống như những lần trước, người đưa tin chuyển chiếc phong bì cho một đầu mối Nga ở New York.

Một tháng sau cuộc gặp ở Santa Fe, tháng 7/1945, cuộc thử nghiệm bom nguyên tử đầu tiên mang tên Trinity diễn ra ở sa mạc New Mexico. Từ chiếc cầu cách điểm nổ 5 dặm, người thanh niên dong dỏng cao đứng lặng dõi theo cột lửa màu da cam bùng lên và dần chuyển thành một mảng khói trắng hình cây nấm khổng lồ. Sau tất cả, anh chính là người gắn bó mật thiết với vụ nổ có một không hai, là người trực tiếp tham gia chế tạo thứ vũ khí khủng khiếp này. Một tháng sau, tháng 8/1945, thành phố Hiroshima hứng chịu trái bom nguyên tử của Mỹ. Kỷ nguyên nguyên tử chính thức bắt đầu.

Ngày 23/9/1949, bốn năm sau vụ nổ Hiroshima, tổng thống Mỹ Truman tuyên bố Liên Xô cũng kích hoạt trái bom nguyên tử đầu tiên. Thứ bom hủy diệt hàng loạt này không còn là vũ khí độc quyền của Mỹ nữa. Chuyện gì đã xảy ra? Các nhà khoa học Mỹ đã đảm bảo với tổng thống Truman và các cố vấn của ông rằng người Nga còn lâu mới đuổi kịp Mỹ trong công nghệ nguyên tử, ít nhất là sau 5 năm nữa. Liệu có phải bằng cách nào đó, người Nga đã có trong tay những bí mật của Mỹ?

Vài tháng sau khi Liên Xô thử bom nguyên tử, một nhà vật lý Anh từng làm việc trong Dự án Manhattan của Mỹ ở Los Alamos, New Mexico, khi đó đang là trợ lý giám đốc của Dự án bom nguyên tử của Anh ở Harwell ở Anh, đã thú nhận mình chính là người đã chuyển những thông tin tuyệt mật cho Liên Xô. Đó chính là Klaus Fuchs - người cao lớn trong hai người đàn ông gặp gỡ trên chiếc cầu ở Santa Fe.

(Còn tiếp)

Kiều Phong

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ