Những con số đáng báo động
Theo kết quả điều tra xã hội học do một số nhà nghiên cứu của Viện Văn học công bố trong Hội thảo về văn hóa đọc và Ngày đọc sách Việt Nam gần đây, ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cứ 100 thanh niên độ tuổi từ 15-30 có gần 30 người thường xuyên đọc sách văn học; 56 người thỉnh thoảng đọc; 10 người hiếm khi đọc và 10 người không bao giờ đọc.
Ở các khu vực dân cư khác nhau cũng thu được các chỉ số văn hóa đọc khác nhau. Ở địa bàn nông thôn và miền núi, tỷ lệ người thỉnh thoảng đọc, hiếm khi đọc và không bao giờ đọc sẽ ở mức cao hơn ở khu vực thành thị. Gần đây trong cuộc họp báo do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức trước ngày Hội sách 20/4 vừa qua bà Nguyễn Thị Thanh Mai - Vụ trưởng Vụ Thư viện cũng chia sẻ kết quả một cuộc thống kê của Bộ: So với các nước trong khu vực thì tỉ lệ đọc sách của người Việt Nam khá thấp. Theo anh Nguyễn Quang Thạch - người khởi xướng dự án "Sách hóa nông thôn", cho biết” trong quá trình điều tra cho thấy số lượng sách đọc của nông dân là 0. Với trẻ em, các trường vùng thuần nông, các em đọc 0,2 - 0,8 cuốn/năm (ngoài sách giáo khoa); ở thị trấn, con số này là 5 cuốn/năm.
Cần tạo hứng thú say mê đọc sách trong giới trẻ |
Như vậy nếu nhìn nhận trên cơ sở các con số thống kê thu được thì thật buồn là người Việt Nam chưa có thói quen đọc sách. Để mở cánh cửa hướng tới tương lai bằng tri thức, con người phải không ngừng học hỏi và những cuốn sách sẽ là người bạn đồng hành không thể thiếu. Tuy nhiên, hiện nay đọc sách và kỹ năng đọc sách chưa được quan tâm đúng mức. Khi khảo sát tại một số nhà sách trên địa bàn quận Thanh Xuân (Hà Nội) được biết phần lớn các sách bán chạy là sách giáo khoa vào đầu năm học và các đầu sách tham khảo. Sách văn học và tranh truyện bán với số lượng khiêm tốn. Chủ cửa hàng sách trên đường Nguyễn Trãi cho biết các loại sách liên quan đến vấn đề khoa học hầu như bán rất chậm…
Bên cạnh đó hệ thống thư viện trong các nhà trường cũng còn nhiều bất cập như đầu sách ít, mỗi trường chừng độ ba bốn ngàn cuốn gồm cả sách tham khảo. Việc huy động sách đa phần là do học sinh đóng nên nội dung chưa phong phú còn thiếu tính cập nhật. Chính vì nội dung đầu sách kém hấp dẫn nên chưa thu hút được học sinh thói quen say mê đọc. Một thủ thư phụ trách thư viện văn hóa xã tại huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam chia sẻ: Ở các huyện, các xã phần lớn hệ thống thư viện còn trống các đầu sách và thực tế rất hạn chế, hãn hữu mới có người dân đến mượn sách về vật nuôi cây trồng. Đối với các em nhỏ, mùa hè có nhiều thời gian rảnh rỗi nên các em cũng đến tìm mượn sách. Tuy nhiên do nhiều đầu sách quá cũ nên việc thu hút đông đảo các em tới đọc cũng hạn chế.
Con trẻ cũng không có thời gian đọc sách
Trong Ngày hội sách và văn hóa đọc nhiều em nhỏ khi được hỏi đã trả lời rất thẳng thắn: Em thích đọc sách nhưng không có nhiều thời gian để đọc vì còn phải đi học cả ngày ở trường. Ngày nghỉ bố mẹ còn đăng ký cho học các lớp năng khiếu còn thư viện ở trường đầu sách chưa phong phú chúng em chỉ đọc một thời gian là đã hết những cuốn chưa đọc.
Chị Dung ở Lò Đúc chia sẻ: Bên cạnh một số đông người dân chưa quan tâm tới việc đọc sách thì hiện nay ở các thành phố lớn nhiều gia đình đã biết xây dựng thói quen đọc sách cho con. Nhưng nếu để tâm tìm hiểu thị trường sách mọi người đều nhận thấy sách hay chủ yếu vẫn là sách dịch những tác phẩm kinh điển cũ còn các đầu sách mới còn rất hạn chế. Sách cho thiếu nhi khá nhiều chủng loại nhưng rất khó kiểm soát về chất lượng. Nhiều tác phẩm truyện tranh từ nội dung đến hình thức còn thiếu tính giáo dục nhưng vẫn được bày bán công khai. Nếu không có sự hướng dẫn của thầy cô và cha mẹ thì các em rất khó tìm cho mình những cuốn sách hay có chất lượng. Việc nuôi dưỡng thói quen đọc sách cho con trẻ phải được thực hiện bền bỉ nhưng nếu không có thị trường sách hay thì liệu có thể tạo hứng thú say mê đọc sách?
Có thể trong xã hội vẫn còn ít người dân quan tâm tới văn hóa đọc nhưng không phải tất cả chúng ta quay lưng với. Song để tạo được niềm say mê đọc sách trong cộng đồng phải bắt đầu từ ngay từ ngày hôm nay và bằng những hành động cụ thể.
Theo thống kê hàng năm dựa trên báo cáo của các thư viện gửi về Bộ, người Việt đọc trung bình 0,8 cuốn sách/người/năm (tức là chưa được 1 cuốn sách). Tỉ lệ sách bình quân đầu người tại các thư viện công cộng là 0,38 cuốn. |
Châu Anh
Kỳ 2: Chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng.