(GD&TĐ) - Mới đây, tôi đọc được thông tin ở một vài tờ báo mạng: gần 1.000 cử nhân làm công nhân tại một Công ty ở Đà Nẵng. Xem ra, đây chỉ là một trong muôn vàn cứ liệu minh chứng cho nạn thất nghiệp từ việc mất cân đối giữa cung và cầu về nguồn nhân lực hiện nay. Chưa bao giờ tình trạng sinh viên ra trường không xin được việc làm lại “nóng” như hiện nay.
Học “thầy” đi làm... thợ!
Tình cờ tôi gặp Luân, một học sinh cũ làm công nhân ở một công ty sản xuất nước đóng chai, ấp úng chào và không đợi tôi hỏi, em tâm sự: “Em đã gõ cửa gần như tất cả những nơi mà tấm bằng cử nhân quản trị kinh doanh có thể sử dụng được nhưng đều không hiệu quả cô ạ. Em còn may mắn xin làm được ở đây, chứ nhiều bạn cùng trang lứa còn phải đi chạy bàn, làm phụ hồ để có tiền chờ xin việc làm tử tế đấy cô ạ. Chỉ có vài ba đứa nhà khá giả có chỗ chạy là tìm được việc làm ổn định thôi. Ngày nào em cũng lên mạng xem có cơ quan nào thông báo tuyển dụng ngành nghề thích hợp thì nộp hồ sơ cô ạ!”.
Người lao động nhọc nhằn "gõ cửa" các nhà tuyển dụng |
Tâm sự của Luân làm tôi chạnh lòng áy náy. Ngày làm hồ sơ thi ĐH, chính tôi đã tư vấn cho em chọn ngành Quản trị kinh doanh bởi tôi cho rằng, với tố chất của em cùng với sự phát triển của các cơ quan, doanh nghiệp Nhà nước (trong thời điểm đó), sẽ là cơ hội để em thành đạt với nghề mà mình lựa chọn. Tôi không thể ngờ sau khi tốt nghiệp ĐH, Luân lại phải đi làm thợ…
Tìm hiểu trong số những SV ra trường phải làm thuê ngoài ý muốn tại các công ty, doanh nghiệp, cơ sở tư nhân, chúng tôi bắt gặp nhiều hoàn cảnh khác nhau. Em Trần Viết Thanh, quê ở Bình Định, tốt nghiệp Trường Cao đẳng Lương thực Thực phẩm cách đây đã 2 năm. Gia đình làm nông, còn 2 em nhỏ, ngoài chu cấp tiền học phí, mỗi tháng bố mẹ chỉ gửi cho Tâm được 1 triệu đồng, vừa đủ tiền ăn. Để có tiền thuê chỗ trọ và chi tiêu lặt vặt, Tâm phải chạy bàn thêm vào buổi tối. Năm trước, xem trên mạng thấy một siêu thị mới mở ở Đà Nẵng đăng tuyển người đi tiếp thị, bán hàng liền nộp hồ sơ. Trong khi chờ đợi, em phải đi làm phụ hồ. Được hơn một tháng thì em bị tai nạn gẫy chân, phải vào nằm viện điều trị, đúng vào lúc siêu thị gửi giấy báo đi làm. “Thế là mất cơ hội. Số tiền chủ thầu trả cho không đủ trả tiền thuốc nhưng em không dám báo về nhà sợ cha mẹ đau buồn. Mấy người bạn cùng phòng trọ thương tình cho mượn mỗi người một ít” - Thanh kể về cái sự mất “cơ may” đi tiếp thị như vậy! Vết thương bó bột còn chưa kịp lên da non, Tâm đã đăng tin trên mạng với nội dung “làm bất cứ việc gì chỉ cần được bao ăn ở và 2 triệu đồng/tháng”. Sau một ngày đăng tin, Thanh được gọi đi phục vụ buồng phòng ở một nhà nghỉ. Minh Phương, bạn gái của Thanh tâm sự: “Em may mắn hơn anh ấy là có được chứng chỉ tiếng Anh cấp tốc, võ vẽ nói được đôi, ba tiếng nên được nhận vào chân lễ tân của một khách sạn được 3 triệu/tháng”.
Người lao động xếp hàng làm hồ sơ đăng ký dự tuyển Ảnh: Việt Thành |
Trung tâm... một thành viên
Có cầu ắt có cung! Nắm bắt được thực trạng HS, SV lên mạng tìm kiếm việc làm đông, nhiều trung tâm giới thiệu việc làm tư nhân đã mọc lên nhan nhản ở các thành phố lớn. Tại Đà Nẵng nhiều trung tâm có tên gọi Trí Long, Trí Việt, Tân Việt, Khải Trí…. Những trung tâm này hoạt động khá nhàn nhã: Chỉ cần đặt ở trước cửa một tấm bảng quảng cáo, hằng ngày cập nhật liên tục thông tin trên mạng để tìm người là có ngay địa chỉ người tìm việc, việc tìm người để giới thiệu qua, giới thiệu lại theo kiểu “tiền trao, cháo múc” mà không cần thủ tục rườm rà, phiền phức.
Tới một Trung tâm giới thiệu việc làm tại Đà Nẵng ở khu vực chợ Cẩm Lệ. Đó chỉ là một căn phòng chật chội, bề bộn - một bên là chỗ giữ xe cho khách vào chợ, một bên để bộ máy vi tính, chiếc bàn với tập hồ sơ hợp đồng lao động. “Giám đốc” đồng thời kiêm luôn nhân viên của Trung tâm này, đang di chuột trên máy tính để vào trang muaban.net, rongbay.com, rao vat.com… tìm tên tuổi, điện thoại của SV cần việc làm. Thấy tôi, cô nhân viên vội bỏ máy đon đả mời chào: “ Chị tới để tìm người làm hay là tìm việc làm ạ?”. Sau khi tôi nói ý định tới để tìm người giúp việc cho khách sạn, cô nhân viên nhanh nhảu: “Chị cần đối tượng ở tuổi bao nhiêu? Muốn đối tượng như thế nào tụi em sẵn sàng phục vụ. Ở đây, chúng em có các nam, nữ sinh viên đẹp trai, đẹp gái, có trình độ cao đẳng, đại học để cung cấp cho chị”. Tôi lại hỏi thủ tục như thế nào, nhân viên bảo: “Chị nhận nhân viên lễ tân thì nộp cho 500.000 đồng, còn nhận nhân viên quét dọn buồng phòng thì phải nộp 700.000 đồng. Nếu chị đồng ý thì ký vào hợp đồng. Chị có thể thay đổi người tùy ý trong vòng 30 ngày”.
Tôi cầm tờ hợp đồng có con dấu vuông ghi tên trung tâm lên, thấy chỉ ghi có tên, quê quán người lao động mà không có số chứng minh nhân dân làm bằng chứng pháp lý liền thắc mắc, thì cô bảo, bao giờ người ta tới nhận việc chị bảo người ta đưa CMTND cho mà ghi!
Osin cao cấp
Nhiều nhà hàng, khách sạn, quán karaoke, tiệm Net nghiễm nhiên kiếm được người phục vụ toàn những “Osin cao cấp”. Một chủ nhà hàng trên đường Nguyễn Hữu Thọ văn hóa mới hết lớp 9 luôn miệng khoe: “Nhân viên của tôi toàn tốt nghiệp đại học cả!”. Qua phản ánh của nhiều lớp SV từ nhiều tỉnh thành tới Đà Nẵng học rồi tranh thủ kiếm việc làm bên ngoài, các em đã bị các ông chủ, bà chủ lợi dụng để bóc lột sức lao động theo nhiều hình thức: Trả tiền lương không tương xứng sức lao động bỏ ra, bớt xén ngày giờ công, bớt xén tiền lương.
Em Nguyễn Việt Trung từ Quảng Bình vào học cao đẳng nghề kể: Tiền gia đình cho không đủ để ăn học, em xin làm ở tiệm Net của bà Thu Ba trên đường Hoàng Diệu với mức lương chỉ 1 triệu đồng. Ban đầu bà ta thỏa thuận làm từ 7 giờ sáng tới 5 giờ tối, vì sau giờ đó em phải đến trường học, nhưng chỉ chục ngày sau, ngày nào bà ta cũng bỏ mặc tiệm cho em trông coi, đi tới nửa đêm mới về. Em ngỏ ý nói rằng, nếu tiếp tục làm ở đây thì em phải bỏ học nên xin nghỉ làm. Bà ta bảo: Nghỉ ngang thì không có lương, thế là em đành phải ra đi, không nhận được đồng lương nào. Ít lâu sau, em ngang qua đường Lê Độ, thấy một tiệm Net có để tấm biển cần người làm, em vào xin thì giật mình nhận ra chủ tiệm chính là bà Thu Ba trên đường Hoàng Diệu trước đây. Tìm hiểu ra mới biết, bà Thu Ba chuyên lừa đảo người làm bằng cách, chỉ năm, bảy bữa là tìm cớ để bắt lỗi hoặc là chèn ép về công việc, thời gian không trả lương để các em phải tự nghỉ rồi người khác vào thế chân. Cứ như thế, bà chủ tiệm Net này quanh năm không hề mất một đồng lương nào mà vẫn có người làm.
Nguyễn Thị Thúy Hồng
Kỳ 2: Để không phải học một đằng, làm một nẻo