Kỳ 1: Đi tìm chân dung hiệu trưởng đổi mới

Kỳ 1: Đi tìm chân dung hiệu trưởng đổi mới

(GD&TĐ) - LTS: Đổi mới là yêu cầu cấp thiết để nền giáo dục Việt Nam phát triển và hội nhập nhanh với nền giáo dục tiên tiến thế giới. Nhưng ở cấp đơn vị - nhà trường phổ thông- thì đâu là yếu tố trung tâm trong đổi mới? TS Huỳnh Công Minh - Nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM khẳng định: Công tác quản lí là trung tâm và vai trò hiệu trưởng là rất lớn. Nếu hiệu trưởng không đổi mới thì nhà trường khó đổi mới. Báo GD&TĐ đã đi tìm chân dung những hiệu trưởng đổi mới để chia sẻ những bài học kinh nghiệm quý báu và hiểu được những rào cản trên bước đường đổi mới của những tư lệnh trên mặt trận giáo dục.      

Một cán bộ quản lý GD thành công phải hội đủ 7 yếu tố: Có ước mơ (ước mơ cho mình, cho đồng nghiệp và cho tương lai của GD). Tạo ảnh hưởng và thiết lập các mục tiêu GD chất lượng cao ngay tại ngôi trường mình. Sáng tạo và biết cách tổ chức. Mạnh dạn, quyết liệt, dám nghĩ - dám làm dù phải đối mặt khó khăn thách thức. Luôn làm việc vì lợi ích của GD và đồng nghiệp chứ không vì lợi ích cá nhân. Biết đánh giá và ra quyết định. Biết cách xây dựng được một đội ngũ giỏi, đoàn kết. PGS.TS Trần Ngọc Giao - Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục tổng kết.

Nhìn vào những ngôi trường chuyển mình, tạo tiếng vang mạnh mẽ trong thời gian qua, có thể thấy rõ “tư lệnh” của những ngôi trường ấy không chỉ dám làm, quyết liệt thực hiện công cuộc đổi mới, mà còn vô cùng sáng tạo.

Dân chủ và chia sẻ

Trường Tiểu học Lương Định Của (Quận 3) trong hơn chục năm gần đây đã trở thành ngôi trường đáng học, đáng mơ ước của trẻ em, phụ huynh TPHCM, là mô hình học tập của rất nhiều trường. Trường đã trở thành tâm điểm của những hoạt động đổi mới GD như xây dựng trường tiết kiệm năng lượng, xây dựng mô hình lớp học đổi mới, xã hội hóa trong hoạt động ngoại khóa của học sinh… Người tư lệnh giúp “nâng tầm” ngôi trường ấy là nhà giáo Vũ Thị Mỹ Hạnh.

Thầy Võ Đức Chỉnh - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Việt Hồng (TP Cần Thơ) cùng học trò giải bài tập. Không chỉ là một tư lệnh giỏi, ông còn là người cha tinh thần của hàng chục học trò hoàn cảnh khó khăn
Thầy Võ Đức Chỉnh - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Việt Hồng (TP Cần Thơ) cùng học trò giải bài tập. Không chỉ là một tư lệnh giỏi, ông còn là người cha tinh thần của hàng chục học trò hoàn cảnh khó khăn

Từ một ngôi trường thường thường bậc trung 16 năm trước, cô Mỹ Hạnh đã đưa  trường  lên vị trí hàng đầu với  quyết sách và chiến lược phát triển theo từng giai đoạn,  đặt vai trò của học sinh lên hàng đầu trong mọi hoạt động, coi đội ngũ GV tâm huyết, giàu kinh nghiệm và ý thức được hiệu quả của sự đổi mới là nền tảng. Cô Hạnh chia sẻ: Để đổi mới và đổi mới thành công là điều không đơn giản. Ngoài cái tâm và nhiệt huyết chung của cả tập thể thì sự ủng hộ của phụ huynh và cấp quản lý là rất quan trọng. Dân chủ và chia sẻ là cách làm của chúng tôi. Mọi đổi mới lúc đầu thường gặp không ít trở ngại, nhưng bằng sự kiên định của nhà trường,  sau một thời gian chứng minh tính ưu việt của những giải pháp đổi mới, chúng tôi đã được ủng hộ.

Bên cạnh sự đầu tư về điều kiện, cơ sở vật chất, sự chung tay của phụ huynh, muốn đổi mới quản lý GD trong nhà trường, người hiệu trưởng cần tổ chức đánh giá xếp loại thi đua một cách khách quan, dân chủ và đảm bảo tính công bằng; Xây dựng quy chế khen thưởng phù hợp với tình hình của nhà trường nhưng vẫn động viên khích lệ được cán bộ, giáo viên, nhân viên. Trong đó, phân quyền cho cấp phó, tạo cơ chế chủ động cho người GV là điều quan trọng nhất. Đổi mới thì cần phải quyết liệt, nếu cứ e dè, sợ hãi sẽ khó đổi mới thành công - Cô Mỹ Hạnh khẳng định.

 Hiệu trưởng “nâng kém” 

Nói đến Trường THPT Lê Thanh Mừng (Trà Ôn, Vĩnh Long) trước năm 2010, phụ huynh và học sinh trong vùng vẫn… còn ớn. Trước tháng 10/2010 này luôn có tên trong các tổng kết của ngành GD Vĩnh Long với tư cách là trường trung học bán công, có tỉ lệ học sinh thi đậu tốt nghiệp THPT thấp nhất tỉnh (40%). Chỉ sau ít năm, trường nổi lên như một hiện tượng đặc biệt của giáo dục trung học của tỉnh, là trường tốp đầu, với tỉ lệ đậu tốt nghiệp năm rồi đến  96,5%, mặc dù chất lượng đầu vào gần như không thay đổi.

Hiện tượng trường Lê Thanh Mừng, có thể nói, gắn liền với tài “thao lược” của hiệu trưởng Ngô Văn Degol. Về nhận nhiệm vụ từ tháng 10/2010, thầy đã âm thầm thực hiện bài toán nâng cao chất lượng, trong đó dấu ấn là chương trình nâng kém. Hai tuần lễ đầu của năm học 2010-2011, thầy cho ôn tập chương trình năm học trước, sau đó thi kiểm tra chất lượng, đề thi rải đều chương trình năm học cũ. Có kết quả thi, thầy họp từng tổ bộ môn, phân tích từng cái sai của học sinh, lập bảng thống kê lỗ hổng kiến thức. Từ thông tin ở các bảng thống kê, tìm ra cho được những lỗ hổng kiến cơ bản của từng môn và lập danh sách học sinh yếu kém từng lớp từ 15 - 20 em/lớp. Từng  tổ bộ môn thiết kế chương trình “nâng kém” theo từng chuyên đề nhỏ. Chẳng hạn môn Toán có chuyên đề: xét dấu tam thức nhị thức, khảo sát hàm số, lượng giác….

Hiệu trưởng kiểm tra lớp học hành ngày tại Trường mầm non TP Hà Giang
Hiệu trưởng kiểm tra lớp học hành ngày tại Trường mầm non TP Hà Giang

Chương trình “nâng kém” dạy ngoài giờ chính khóa. Đúng 3 tuần tổ chức thi lại, em nào đủ chuẩn kiến thức sẽ được thưởng. Chưa hết, để củng cố kiến thức giúp các em hứng thú, nhớ lâu, thầy còn  tổ chức các hoạt động ngoại khóa như đố vui có thưởng (học sinh khá riêng, kém theo kém), tổ chức các câu lạc bộ Toán Lý, Văn, Anh văn, Pháp lý… do Đoàn trường phụ trách. Chất lượng giáo dục cứ thế, từng bước được nâng lên một cách vững chắc.

 Quan tâm đến học sinh cá biệt

Khi thầy Đặng Hoàng Dũng về nhận quản lí Trường THPT Vĩnh Long,  nhiều người trong ngành khá ái ngại cho thầy. Ngôi trường nổi tiếng về tỷ lệ rớt tốt nghiệp, học trò nổi tiếng quậy phá. Vậy mà chỉ trong thời gian ngắn, thầy đã đưa trường lên hạng top đầu tỉnh. Năm học rồi, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp khá cao.

Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã nêu ra: “Đổi mới căn bản, toàn diện nền GD Việt Nam theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế. Trong đó, đổi mới cơ chế quản lý GD, phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý là khâu then chốt”. Nghị quyết TW 6 tiếp tục đặt vấn đề: “Đổi mới căn bản, toàn diện nền GD”. Hai năm gần đây Bộ GD-ĐT cũng luôn đặt chủ đề năm học là “Tiếp tục đổi mới công tác quản lý để nâng cao chất lượng GD”.

Thầy Hoàng Dũng chia sẻ, 80% học sinh đầu vào có chất lượng dưới trung bình. Thầy phân tích, gia đình, học sinh cứ thấy học yếu là đăng ký học thêm khắp nơi, tràn lan mà không hề nghĩ mình đang thiếu gì, gia đình không biết con mình hổng kiến thức chỗ nào, người dạy thêm cũng không cần biết từng học sinh hổng chỗ nào. Như vậy là rơi vào mê cung dạy thêm, học thêm, kết quả cuối cùng học sinh lãnh đủ. Thầy chủ trương: Học sinh hổng kiến thức chỗ nào nhà trường bổ túc ngoại khóa chỗ đó. Nhưng đó  mới chỉ là khởi điểm cho đổi mới giáo dục.

“Có kỹ năng sống tốt thì giảm đánh nhau! Học tốt hơn!”. Thầy Dũng nhận thấy nếu không lập lại trật tự trước cổng trường, không quan tâm “học sinh cá biệt” trong từng lớp thì mục tiêu trên rất khó thực hiện. Vì vậy thầy quyết tâm kết hợp với chính quyền địa phương, gia đình giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh. 50% học sinh của trường ở các xã vùng ven, hộ nghèo, cận nghèo được miễn giảm học phí, vận động Mạnh thường quân hỗ trợ học sinh nghèo, hỗ trợ bữa ăn trưa trong tháng ôn thi tốt nghiệp. Đẩy mạnh hoạt động ngoại khóa, hàng tuần tại tiết sinh hoạt dưới cờ trường mời các chuyên gia báo cáo về tình hình tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội, sức khỏe sinh sản…. Hàng tháng có chủ đề sinh hoạt dã ngoại. Chiến lược của người đứng đầu được công khai dân chủ, được hội đồng sư phạm ủng hộ, và cứ thế chất lượng học sinh được nâng lên,  được xã hội trân trọng.

Tâm huyết, chủ động, sáng tạo đã giúp những tư lệnh  đổi mới được nhà trường một cách ngoạn mục. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, những tư lệnh thành công  vẫn nằm về nhóm “thiểu số”, còn đa số, hành trình đổi mới vẫn đầy nhọc nhằn như  lội ngược dòng nước…

Mong mỏi lớn của giáo viên đối với người hiệu trưởng là việc đổi mới quản lý phải làm cho thu nhập của họ tăng lên. Kế đến là việc ổn định đời sống giáo viên, giảm áp lực công việc và phát triển năng lực giảng dạy của giáo viên. Đây là kết quả khảo sát của ThS Phan Tấn Chí - Trường Cán bộ quản lý giáo dục TPHCM - đối với 480 giáo viên tại TPHCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ, Kiên Giang.

Nguyễn Ngọc - Anh Tú - Hà Bình

Kỳ 2: Có hay không rào cản trong đổi mới?

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ