Vùng biên xứ Thanh “thoát nghèo” nhờ mô hình “3+1”

GD&TĐ - Để các Nghị quyết đi vào thực tiễn, tác động thực sự đến cuộc sống của từng hộ dân, Huyện ủy Quan Sơn đã triển khai mô hình cán bộ, công chức từ huyện đến xã “cắm cơ sở”, gọi tắt là mô hình “3+1”.

Nghề khai thác nan thanh từ nứa, vầu đã đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân ở xã Trung Hạ, huyện Quan Sơn.
Nghề khai thác nan thanh từ nứa, vầu đã đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân ở xã Trung Hạ, huyện Quan Sơn.

Tìm lối thoát nghèo cho dân

Năm 1997, huyện Quan Sơn được tách ra từ huyện Quan Hóa. Ngày ấy, vùng đất này nằm trong “vùng trũng” về đói nghèo của xứ Thanh. Sau hơn 20 năm thành lập huyện, Quan Sơn đã có những cách làm riêng để câu chuyện giảm nghèo lan tỏa đến từng người dân.

Dấu mốc cho bước chuyển mình trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo ở vùng đất này thực sự bắt đầu vào thời điểm tròn 20 năm kể từ khi thành lập huyện. Huyện ủy Quan Sơn đã triển khai xây dựng mô hình cán bộ, công chức từ huyện đến xã “cắm cơ sở”, gọi tắt là mô hình “3+1”.

Mỗi tháng, cán bộ, công chức trong huyện dành 3 tuần làm việc tại cơ quan, đơn vị, còn 1 tuần dành để xuống các thôn, bản nắm tình hình, hướng dẫn các cấp ủy đảng cơ sở triển khai các nghị quyết.

Cán bộ cùng nhân dân tổ chức thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, giữ vững an ninh, xây dựng hệ thống chính trị...Tại mỗi chi bộ thôn, bản thành lập các tổ đảng viên để phụ trách hộ nghèo.

Những lá đơn xin thoát nghèo của người dân xã Sơn Hà, huyện Quan Sơn (Thanh Hóa).
Những lá đơn xin thoát nghèo của người dân xã Sơn Hà, huyện Quan Sơn (Thanh Hóa).

Theo đó, hộ nghèo cần gì, các đảng viên bàn bạc với cấp ủy để có phương cách tác động phù hợp, theo phương châm cần gì giúp đấy. Nếu hộ nghèo do không có đất sản xuất, thì đề nghị chính quyền địa phương hỗ trợ đất; thiếu vốn làm ăn thì kết nối với các chi hội khối đoàn thể  hướng dẫn thủ tục để người dân được vay vốn ưu đãi từ ngân hàng chính sách...

Bà Phạm Thị Hoan – Bí thư Đảng ủy xã Sơn Hà (Quan Sơn), cho biết: Đến nay, xã Sơn Hà có 52 hộ dân tự viết đơn xin thoát nghèo, trong đó, nhiều đơn nhất là 14 hộ dân ở bản Lầu.

Những lá đơn tự tay người nông dân viết ra, tuy mỗi người có một cách viết khác nhau nhưng tựu chung đều thể hiện sự tự trọng từ đáy lòng, không tranh giành, không dựa dẫm hay ỷ lại, mà với mong muốn nhường “phần nghèo” ấy cho người khác.

Nông dân viết đơn xin thoát nghèo

Đó là câu khẳng định của “lão nông tri điền” Hà Văn Hợi ở bản Hạ, xã Sơn Hà khi nghe đề cập chuyện gia đình làm đơn xin “thoát nghèo”. Năm nay, ông Hợi đã bước qua cái tuổi “thất thập”, đồng nghĩa với việc từng nếm trải, thấu hiểu tận tâm can cái đói, cái nghèo bủa vây gia đình, dòng tộc mình.

Thế nhưng, đến năm 2017, người con trai của ông Hợi là Hà Văn Khương, tốt nghiệp đại học, thì cũng là thời điểm “lão nông” này quyết định tự tay viết đơn xin “thoát nghèo”.

Khi nghe tôi hỏi vì sao ông lại xin thoát nghèo, sao không để gia đình nằm trong diện nghèo để hưởng các chế độ, chính sách của Nhà nước, ông Hợi nhìn chúng tôi một lượt rồi khảng khái:

“Ngày trước, thằng Khương còn đi học không có người vào rừng, làm ruộng, kinh tế gia đình già túng lắm! Nhưng khi thằng Khương ra trường, không xin được việc làm, nên nó ở nhà tham gia sản xuất cùng gia đình.

Bây giờ, gia đình già có rừng Nhà nước giao khoán, có ruộng, lại có người, thêm sức lao động, có thu nhập ổn định... thì mình phải xin thoát nghèo thôi! Xin thoát nghèo để mà phấn đấu làm giàu.

Xin thoát nghèo, để nhường cho người khác còn khó khăn hơn mình, chứ không phải xin thoát nghèo vì bệnh sĩ nghèo đâu”.

Bí thư Hoan cho hay: Từ khi gia đình ông Hợi nộp đơn xin thoát nghèo, ông đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng đầu tư chăn nuôi bò, dê sinh sản, đào ao thả cá tạo nguồn sinh kế lâu dài.

Bên cạnh đó, con trai ông học xong đại học, có thêm kiến thức nên áp dụng vào việc sản xuất, trồng lúa nước, khai thác nứa, vầu từ nguồn đất rừng giao khoán của gia đình.

Anh Lò Văn Panh (người ngồi) ở bản Hẹ, thị trấn Sơn Lư (Quan Sơn) đã viết đơn xin dành “phần nghèo” cho người khác.
Anh Lò Văn Panh (người ngồi) ở bản Hẹ, thị trấn Sơn Lư (Quan Sơn) đã viết đơn xin dành “phần nghèo” cho người khác.

Còn gia đình anh Lò Văn Panh, ở bản Hẹ, thị trấn Sơn Lư lại có cách suy nghĩ khác về xin thoát nghèo. Anh Panh kể rằng: Cách đây 3 năm, gia đình anh được dân bản bình xét vào diện hộ nghèo.

Gia đình anh có ruộng và được giao hơn 5 ha rừng, nhưng giao thông đi lại khó khăn, cây nứa, vầu khai thác ra không đủ trang trải cho cuộc sống. Nhà bốn người, vợ chồng anh Panh phải chạy ăn từng bữa. Những năm qua, huyện đã thu hút, kêu gọi được các doanh nghiệp vào đầu tư mở cơ sở sản xuất chế biến lâm sản ngay tại bản nên cây vầu, cây nứa cũng giá trị hơn.

Vì thế, nguồn thu nhập của gia đình anh Panh cũng dần ổn định hơn. Vợ chồng anh còn trẻ, có sức khỏe, hàng ngày đi khai thác nứa, vầu mỗi người cũng có thu nhập từ 200.000 đến 250.000 đồng.

Công cuộc xóa đói giảm nghèo đòi hỏi sự nỗ lực từ nhiều phía, trong đó, điểm mấu chốt là người nghèo phải có quyết tâm, bản thân thực sự muốn thoát nghèo.

Hơn 130 lá đơn đầu tiên xin ra khỏi hộ nghèo của người dân ở huyện vùng biên Quan Sơn có thể xem như “kỳ tích” và “luồng gió mát” từ thượng nguồn sông Lò thổi vào công cuộc giảm nghèo ở tỉnh Thanh.

Với cách làm như đã nêu, huyện Quan Sơn đặt ra mục tiêu cho giai đoạn 2020-2025, như sau:Tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân hàng năm, đạt 12,5%.  Nông, lâm, thủy sản đạt 7,4%. Ngành công nghiệp - xây dựng đạt 16,5% và ngành dịch vụ đạt 14,7%. Thu nhập bình quân đầu người/năm đến năm 2025 đạt 55 triệu đồng.

Tổng sản lượng lương thực có hạt bình quân hàng năm giữ ở mức 16,5 nghìn tấn. Diện tích đất nông nghiệp được tích tụ, tập trung để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao năm 2025 đạ 955 ha...

Tổng huy động vốn đầu tư phát triển đạt 4.000 tỷ đồng. Tỷ lệ tăng thu ngân sách hàng năm đạt 10 %, số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao đạt 18,2%.

Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia năm 2025 khoảng 70,7%. Hộ nghèo giảm bình quân hàng năm khoảng 2,8%, độ che phủ rừng vào năm 2025 duy trì trên mức 88%...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ