TPHCM: Nhà đầu tư dịch vụ nghỉ dưỡng “tháo chạy”

GD&TĐ - Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều khách sạn tại trung tâm đang rao bán, trả mặt bằng hoặc nhượng lại vì thiếu khách, đặc biệt là người nước ngoài.

Một khách sạn 3 sao trên đường Lý Tự Trọng đóng cửa, cho thuê mặt bằng kinh doanh.
Một khách sạn 3 sao trên đường Lý Tự Trọng đóng cửa, cho thuê mặt bằng kinh doanh.

Đìu hiu tứ giác phồn hoa

Được mệnh danh là tứ giác “phồn hoa”, bốn trục đường (Phạm Hồng Thái, Nguyễn Trãi, Lý Tự Trọng, Phạm Thái Học, Quận 1) hội đủ mọi yếu tố thiên thời - địa lợi - nhân hòa để phát triển và khai thác du lịch. Đây là điểm đến yêu thích của du khách nước ngoài.

Nơi đây ngập tràn các khách sạn từ 3 - 5 sao, được các nhà đầu tư dốc tiền đổ vào xây dựng. Tuy nhiên, từ khi đại dịch bùng phát, sự phồn hoa nhộn nhịp của khu này gần như biến mất.

Nhiều chủ đầu tư đã trả mặt bằng, sang nhượng lại hoặc chuyển đổi mô hình kinh doanh. Một số ý kiến cho rằng, họ không thể cầm cự lâu hơn trong bối cảnh chưa biết đến bao giờ du khách nước ngoài mới quay trở lại.

Anh Trần Ngọc Lai chuyên giới thiệu mặt bằng tại Quận 1. Anh cho biết, trong quý III có không dưới 40 khách sạn gửi nhờ môi giới chuyển nhượng, sang lại và cho thuê. Riêng khu vực tứ giác “phồn hoa” khách sạn 2 - 3 sao chào bán, sang nhượng lại lên tới 25 cái. Tùy theo quy mô khách sạn và số phòng mà có giá  bán từ vài chục đến hàng trăm tỷ đồng.

Tương tự, hàng loạt khách sạn tiêu chuẩn 2, 3 sao trên các trục đường Phạm Hồng Thái, Nguyễn Trãi, Phạm Thái Học đã phải trả mặt bằng. Chuyển đổi mô hình từ khách sạn sang kinh doanh phòng cho thuê theo tháng, bán hàng ăn. Thậm chí là mở quán cafe nhằm duy trì nguồn thu để bù đắp cho khoản chi phí hàng tháng.

Bà Nguyễn Phương Hằng - chủ một khách sạn ngay vòng xoay tượng Trần Hưng Đạo, Quận 1 cho biết, dù gia đình cũng thuộc dạng có tiềm lực tài chính, nhưng bản thân bà cũng không thể ngờ rằng hậu quả của dịch lại nặng nề và dai dẳng vậy.

“Trước khi có dịch, doanh thu hàng tháng của khách sạn là 4 - 6 tỷ đồng mỗi tháng. Từ khi dịch đến nay, doanh thu thuần gần như chỉ loanh quanh ngưỡng 800 triệu đến 1 tỷ đồng nhờ việc tôi chủ động chuyển đổi, tương thích các dịch vụ khách đi kèm. Tuy nhiên, hơn nửa năm nay vẫn không thể chịu đựng nổi các khoản chi phí bù lỗ phải đắp vào.

Nhiều chủ đầu tư như tôi ở khu vực này đã phải “tháo chạy” vì không cầm cự nổi. Cả gia đình tôi sống nhờ vào nguồn thu chính là khách sạn nên vừa rồi quyết định chuyển đổi. Không kinh doanh dịch vụ lưu trú mà chuyển sang hợp tác cùng một tập đoàn để kinh doanh cafe và dịch vụ ăn uống”, bà Hằng cho biết.  

Doanh nghiệp không tiếp cận được gói hỗ trợ

Tọa đàm “Khôi phục và phát triển kinh tế TPHCM trong bối cảnh diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 hiện nay” do UBND TP tổ chức vừa diễn ra. Nó cho thấy bức tranh ảm đạm của khu vực kinh doanh dịch vụ và khách sạn lưu trú lớn đến mức nào.

Theo thống kê của Hiệp hội Doanh nhân TPHCM, tính đến tháng 10, số lượng doanh nghiệp trở lại trạng thái bình thường chiếm khoảng 5%. Số doanh nghiệp vượt qua những khó khăn bước đầu chiếm 9%, khó khăn còn nghiêm trọng là 40%. Đặc biệt, số doanh nghiệp khó khăn và rất khó khăn chiếm 84%.

Về nguyên nhân khó khăn, 40% doanh nghiệp được hỏi trả lời là do thiếu vốn. 14% khó khăn là do đứt gãy các chuỗi cung ứng. 88% doanh nghiệp bị thu hẹp thị trường. Ngoài ra, có 52% doanh nghiệp được hỏi cho biết đã cắt giảm lao động vì khó khăn.

Ông Chu Tiến Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân TPHCM cho biết, bức tranh chung của doanh nghiệp TPHCM hiện có 4 nhóm. Những doanh nghiệp hoạt động và hoạt động có hiệu quả, có lãi, chủ yếu nằm ở tài chính, ngân hàng, lương thực thực phẩm, chế biến, thiết bị máy móc, phòng chống dịch, đồ gỗ, CNTT, hạ tầng kỹ thuật... Số doanh nghiệp thuộc nhóm này chiếm khoảng 10 - 15%.

Những doanh nghiệp đang duy trì hoạt động, chờ cơ hội phục hồi chiếm chừng 20%. Nhóm doanh nghiệp năng lực sản xuất cạn kiệt, suy yếu về tài chính, nhân lực, thị trường bị thu hẹp quy mô, cung ứng đứt gãy... Những doanh nghiệp đang thua lỗ, ngừng hoạt động chủ yếu nằm trong ngành du lịch, dịch vụ, vui chơi giải trí, bất động sản... chiếm tới 40 - 50%. Nhóm doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ không đủ năng lực phải ngừng sản xuất, chấm dứt hoạt động chiếm 20%.

Theo ông Dũng, hiện có tới 76% doanh nghiệp được hỏi chưa tiếp cận được các gói hỗ trợ này của Nhà nước. Chỉ có 10% doanh nghiệp đã tiếp cận ngân hàng cơ cấu lại nợ, giãn nợ, hạ lãi suất cho vay... 5% doanh nghiệp tiếp cận tạm ngừng đóng hưu trí. Chưa có doanh nghiệp nào nhận được gói vay lãi suất 0%. Thực trạng này khiến cho việc duy trì hoạt động kinh doanh, sản xuất gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí phá sản.

Cần tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nhất là các doanh nghiệp trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, lưu trú và du lịch. Để làm được, ông Nguyễn Cao Trí - chuyên gia phát triển kinh tế cho rằng cần nhanh chóng tháo gỡ những ách tắc giải ngân dòng vốn của các gói hỗ trợ mà Chính phủ dành cho doanh nghiệp càng sớm càng tốt. Tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp tiếp cận gói hỗ trợ. Có vậy dòng vốn mới chảy vào thị trường, tạo lực đẩy giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Quảng bá di sản

GD&TĐ - Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, đã được hơn 10 năm (6/12/2012).