Sạt lở đèo Eo Chim khiến hơn 2.200 người ở Quảng Ngãi bị cô lập

GD&TĐ - Sạt lở ở đèo Eo Chim làm cô lập 3 thôn với hơn 2.200 nhân khẩu ở xã Hương Trà khiến việc đi lại, mưu sinh của người dân bị ngưng trệ, gặp nhiều khó khăn.

Cơ quan chức năng khẩn trương khắc phục tình trạng sạt lở đường tại huyện Trà Bồng. Ảnh: A.A.
Cơ quan chức năng khẩn trương khắc phục tình trạng sạt lở đường tại huyện Trà Bồng. Ảnh: A.A.

Mưa lớn kéo dài nhiều ngày qua khiến một số tuyến đường ở huyện miền núi Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi bị sạt lở nghiêm trọng, gây ách tắc giao thông và cô lập nhiều thôn, xã. 

Trước tình hình đó, huyện Trà Bồng và các cơ quan liên quan đã nỗ lực khắc phục tình trạng sạt lở, đến nay hầu hết các tuyến đường đã được thông xe bước 1, phục vụ việc đi lại của người dân và trong những tình huống khẩn cấp.

Tại điểm sạt lở tại đèo Eo Chim đi Trà Nham đã chia cắt, cô lập hoàn toàn 3 thôn Trà Huynh, Trà Vân, Cà Đam (xã Hương Trà, huyện Trà Bồng) với 490 hộ, 2.216 nhân khẩu. Vị trí sạt lở rộng 50m, vết nứt kéo dài hơn 200m, mái ta luy âm đổ xuống đã phá hỏng gần như toàn bộ tuyến đường.

Tuyến đường Eo Chim - Trà Nham thuộc xã Hương Trà có hai điểm sạt lở lớn. Trong đó, điểm sạt lở tại tổ 2, thôn Trà Lương gây ách tắc giao thông đã 3 ngày nay. Điểm sạt lở này nằm ngoài vị trí điểm đứt gãy đường tại Km4+700. 

Theo thông tin từ UBND xã Hương Trà cho biết, điểm sạt lở này rất lớn. Địa phương phải huy động cả dân quân, đoàn viên, cùng với xe múc của huyện dọn đường, nhằm sớm thông tuyến.

Lực lượng chức năng của xã Hương Trà đã làm rào chắn và tạo lối mòn đi qua điểm sạt lở. Tuy nhiên đây chỉ là tạm thời để người dân có thể qua lại mua lương thực, thực phẩm thiết yếu. Ảnh: TPO.
Lực lượng chức năng của xã Hương Trà đã làm rào chắn và tạo lối mòn đi qua điểm sạt lở. Tuy nhiên đây chỉ là tạm thời để người dân có thể qua lại mua lương thực, thực phẩm thiết yếu. Ảnh: TPO.

Sau gần một buổi từ hôm 26/10, điểm sạt lở đã được khai thông, xe cộ có thể qua lại. Người dân rất phấn khởi. 
 
Đối với điểm sạt lở tại Km4+700, đây là điểm được đánh giá phức tạp, nguy cơ sạt lở cả cung đường vẫn còn rất cao. Phòng Kinh tế & Hạ tầng huyện đã mời các đơn vị lên để kiểm tra thực tế, đưa ra hướng khắc phục trước mắt và lâu dài; chỉnh tuyến, cấp phối, sớm có đường phục vụ vận chuyển hàng hóa cũng như đảm bảo việc đi lại trong các trường hợp khẩn cấp như cấp cứu bệnh nhân.
 
Theo UBND huyện Trà Bồng cho biết, ở các địa phương còn lại, huyện cũng chỉ đạo các xã huy động các lực lượng khắc phục các điểm sạt lở nhỏ, với phương châm tạm thời thông tuyến để người dân đi lại dễ dàng hơn. Đối với những điểm sạt lở lớn quá thì phải có phương án, kế hoạch lâu dài để sữa chữa, đầu tư, nâng cấp. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ