Ninh Thuận: Xuất lô tôm nước lợ đầu tiên qua EU với ưu đãi thuế suất 0%

GD&TĐ -  Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức lễ xuất khẩu lô tôm nước lợ vào thị trường Châu Âu theo hiệp định EVFTA.

Những lô tôm đầu tiên được xuất khẩu sang châu Âu theo EVFTA.
Những lô tôm đầu tiên được xuất khẩu sang châu Âu theo EVFTA.

Buổi lễ được diễn ra vào ngày 11/9, tại huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận. Tại đây, những xe container đầu tiên chuyên chở sản phẩm tôm nước lợ của Công ty TNHH Thông Thuận hưởng thuế suất 0% đã chính thức rời khu kho xưởng để qua thị trường EU.

Ông Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết: "Trong năm 2019 sản xuất tôm thương phẩm có quy mô trên 1.000ha, với sản lượng khoảng 10.000 tấn. Sản xuất tôm giống với sản lượng trên 34 tỷ con và ước trên 36 tỷ con post vào năm 2020".

Chế biến tôm đông lạnh là mặt hàng xuất khẩu chủ lực thứ 2 của tỉnh Ninh Thuận, chiếm 43,5% trong tổng cơ cấu của tỉnh. Trong đó, chủ yếu đóng góp của Công ty TNHH Thông Thuận chi nhánh Ninh Thuận, chiếm 95% trị giá kim ngạch xuất khẩu tôm của tỉnh.

Công ty Thông Thuận đã chinh phục các khách hàng khó tính như: Mỹ, EU, bên cạnh thị trường truyền thống Nhật Bản với kim ngạch xuất khẩu hàng năm từ 35- 37 triệu USD/năm.

Buổi lễ xuất khẩu tôm nước lợ.
Buổi lễ xuất khẩu tôm nước lợ.

Ông Vĩnh nhấn mạnh, hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA) đánh dấu cột mốc quang trọng trong chặn đường phát triển quan hệ đối tác và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu. Hiệp định đã mở ra cơ hội lớn cho hàng hóa Việt Nam nói chung, hàng hóa của doanh nghiệp Ninh Thuận nói riêng thâm nhập vào thị trường EU rộng lớn, rất tiềm năng với 27 nền kinh tế  và dân số khoảng 500 triệu người.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết: "Thông qua quan hệ thương mại và đầu tư với EU, Việt Nam kỳ vọng sẽ tiếp thu năng lực công nghệ, năng lực quản trị hiện đại, từng bước chuẩn hóa, nâng cấp các quy trình sản xuất của Việt Nam để gắn với chuỗi giá trị toàn cầu".

Ngoài ra, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết thêm, từ đầu tháng 8 đến nay, xuất khẩu thủy sản có số lượng đơn hàng tăng khoảng 10% so với tháng 7/2020. Trong đó, mặt hàng tăng tập trung nhiều vào tôm và mực… EVFTA đi thực thi doanh nghiệp thủy sản đã có thêm lợi thế về thuế suất cũng như thuận lợi hơn các thủ tục pháp lý liên quan sang EU.

Thứ trưởng yêu cầu các doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Việt Nam sẽ tiếp tục cải tiến công nghệ, quản trị để phục vụ tốt nhất cho thị trường EU như, áp dụng mã số vùng trồng, đảm bảo tiêu chuẩn ASC, phát triển các sản phẩm chế biến sâu, đóng gói ăn liền, phục vụ tiêu thụ tại hộ gia đình.

Ông Carsten Schittek, Tham tán Công sứ, Trưởng ban Thương mại, Phái đoàn Liên minh Châu Âu cho biết, sự kiện hôm nay cho thấy tầm quan trọng của mậu dịch tự do giữa Việt Nam và EU trong việc tái khởi động nền kinh tế của chúng ta. Sự kiện chứng minh rằng Việt Nam có khả năng thích nghi nhanh chóng, tận dụng các cơ hội phát triển.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ