Nghề cắt tóc “bình dân”: Làm chơi, ăn thật

GD&TĐ -Hình ảnh người thợ cắt tóc ở những góc phố, vỉa hè đã trở nên rất quen thuộc đối với mọi người dân. Chỉ với một túi đồ nghề đơn giản, một chiếc ghế, một cái gương, cắt tóc được xem là một nghề bình dân, nhưng đang có rất nhiều người thợ “sống khỏe” với nghề.

Anh Trần Đức với hàng cắt tóc vỉa hè của mình trong nhiều năm qua
Anh Trần Đức với hàng cắt tóc vỉa hè của mình trong nhiều năm qua

Nghề gắn với phố phường

Kể câu chuyện đến với nghề cắt tóc của mình, anh Trần Đức 58 tuổi ở phố Tây Sơn, Hà Nội chia sẻ: Anh gắn bó với góc phố này và nghề cắt tóc nam đã được 20 năm. Từ cuối những năm 90 anh là công nhân xây dựng, nhưng vì sức khỏe không được tốt nên về nghỉ theo chế độ 176. Một số bạn bè khuyên anh Đức nên mua một chiếc xe máy để làm nghề xe ôm, bởi ngày đó phương tiện giao thông còn nhiều hạn chế nên nghề xe ôm cho thu nhập khá cao.

Tuy nhiên, suy đi tính lại anh Đức đã quyết định bỏ ra 400.000 đồng để học nghề cắt tóc. Đây cũng là số tiền có giá trị đáng kể vào thời điểm đó. Được người quen giới thiệu, anh đến học nghề của một ông thợ cắt tóc vỉa hè.

Đầu tiên, anh được “thầy giáo” cho đứng quan sát thật kỹ những kỹ năng nghề mà thầy giáo thực hiện cắt tóc cho khách hàng. Dần dần, trong những lúc rảnh rỗi, ông tiếp tục hướng dẫn cho anh cách sử dụng tông đơ, kéo, lược, dao cạo, ngoáy tai…

Vì chỉ là “học sinh” nên ban đầu anh chưa được cắt tóc cho khách hàng, nên đành phải huy động bạn bè đến giúp trong quá trình thực tập. Anh được thực tập cắt tóc cho bạn dưới sự hướng dẫn của “thầy giáo” và nhỡ có sai sót thì thầy sẽ sửa lại cho. Cứ như vậy, sau gần một năm vừa học vừa làm cùng “thầy giáo”, anh đã nắm vững những kỹ năng cần thiết của nghề cắt tóc, tạm biệt thầy và tự… “ra trường”.

Đúc kết về cuộc sống, anh Đức cho rằng: “Nếu ngày xưa ham thu nhập tức thời đi làm xe ôm mà không học nghề, thì sẽ không thể có được một chỗ làm tốt như nghề cắt tóc hiện nay”.

Việc tiếp theo là tìm kiếm một chỗ để có thể hành nghề, sau vài lần chuyển chỗ, anh Đức đã dừng lại ở góc phố này và ổn định. Cho đến nay cũng đã tới gần 20 năm, hàng cắt tóc của anh Đức giờ đây đã trở thành một phần quen thuộc đối với người dân trong khu phố.

Thu nhập cao, ổn định

Mỗi ngày, anh Đức cắt tóc cho khoảng 15 - 20 khách hàng. Cắt tóc cho một khách hàng với giá bình dân là 30.000 đồng, thì anh Đức có thu nhập từ 12 - 15 triệu đồng mỗi tháng. Vào thời điểm cuối năm, khách hàng đông hơn, công việc còn cho thu nhập tăng lên gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi… Nguồn thu nhập này đã giúp anh Đức đã đảm bảo được sinh hoạt cho mình và gia đình. Cùng với đó, anh còn được chủ động hoàn toàn trong công việc của mình.

Trên các phố như Đặng Tiến Đông, Thái Thịnh… những cửa hàng dịch vụ cắt tóc nam luôn đông khách. Để có được mái tóc ưng ý, khách hàng thường phải trả từ 50.000 - 70.000 đồng cho một lần cắt tóc, thêm một vài dịch vụ như cạo mặt, ngoáy tai, gội đầu, một số khách hàng có yêu cầu cao hơn như nhuộm, uốn… như vậy, tổng chi phí cho một lượt dịch vụ sẽ bắt đầu từ 100.000 đồng trở lên. Những con số này cho thấy tiềm năng đáng kể của nghề cắt tóc nam nói chung.

Cắt tóc nam là một nghề đang được giới trẻ quan tâm, bởi nhu cầu làm đẹp luôn tăng lên theo sự phát triển của xã hội. Để trở thành một thợ cắt tóc, hiện nay các chương trình đào tạo mới đã cung cấp những khóa học bài bản và chuyên nghiệp, giúp cho học viên có thể nhanh chóng tiếp cận nghề nghiệp cũng như mở ra những cơ hội về việc làm, khởi nghiệp…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ