Làng nghề ở miền Tây ăn nên làm ra nhờ mùa lũ

GD&TĐ - Năm nào cũng vậy, mùa lũ miền Tây tràn về là các làng nghề như đang lọp, lưới, đóng xuồng, làm lưỡi câu… sản xuất ngày đêm phục vụ cho ngư dân đánh bắt thủy sản.

Làng nghề ở miền Tây ăn nên làm ra nhờ mùa lũ

Mùa lũ ở ĐBSCL năm nay về sớm hơn một tháng nên đã tạo niềm vui phấn khởi cho bà con vùng lũ. Bên cạnh đó các làng nghề sản xuất các ngư cụ phục vụ đánh bắt thủy sản trong mùa lũ cũng vui lây vì bán sản phẩm nhiều.

Những làng nghề nổi tiếng ở miền Tây, đang họat động nhộn nhịp ngày đêm để kịp làm ra những sản phẩm đáp ứng cho thị trường, như làng đan lưới ở Thơm Rơm (Thốt Nốt, TP Cần Thơ), làm lờ, lọp ở Ô Môn (TP Cần Thơ), làm lưỡi câu Mỹ Hòa (An Giang) và đóng xuồng ghe ở Lai Vung (Đồng Tháp).

Anh Lê Văn Hải, gia đình có hơn 40 năm theo nghề gia truyền sản xuất lọp tép ở phường Thới Long, cho biết: “Gia đình có 5 người, cứ vào tháng 2 đến 3 bắt đầu mua tre về sản xuất lọp đến mùa lũ về là có hàng giao cho khách. Trung bình một mùa gia đình sản xuất khoảng 15.000 cái lọp bán cho các tỉnh miền Tây.

Còn đối với làng nghề sản xuất các loại lưới cá, tôm ở Thơm Rơm, quận Thốt Nốt (TP Cần Thơ)  nhộn nhịp ngày đêm để kịp sản xuất đáp ứng cho thị trường.  Làng sản xuất lưới nơi đây có hơn 30 hộ, được xem là lớn nhất ở miền Tây. Được biết, làng nghề này đã tạo công ăn việc làm cho gần 400 lao động có công ăn việc làm ổn định. Nơi đây sản xuất khoảng 20 loại lưới để đánh bắt nhiều loại cá khác nhau. Giá thấp nhất từ vài chục ngàn đến cả triệu đồng/tay lưới (tùy theo dài ngắn và loại lưới tốt xấu).

Ông Nguyễn Văn Xô, người có gần 30 năm trong nghề sản xuất lưới ở Thơm Rơm bộc bạch: “Nhờ lưới sản xuất đáp ứng đúng yêu cầu là nhạy, dễ dính cá, thích nghi địa thế kinh, mương, sông, lạch và giá bán thấp nên sản phẩm bán rất chạy”. Ông Xô cũng cho biết thêm, lưới ở Thơm Rơm có nhiều loại như: lưới mắt nhỏ dùng bắt cá linh, cá rô; lưới mắt lớn hoặc lưới ba màn bắt các loại cá lớn.

“Nghề lưới ở Thơm Rơm làm quanh năm, nhưng tập trung sản xuất mạnh nhất là từ tháng 3 đến tháng 11 âm lịch. Năm nào lũ lớn, thì nhu cầu mua lưới của người dân cũng tăng cao”, chị Nguyễn Thị Thu Hà, chủ cơ sở cho hay. Hiện mỗi ngày, cơ sở của chị Hà cung cấp ra thị trường hàng trăm tay lưới.

Làng sản xuất lưỡi câu cá ở Mỹ Hòa (An Giang), nhộn nhịp không kém so với làng lưới và lọp. Những năm gần đây, bên cạnh làm lưỡi câu cá nước ngọt, các hộ dân còn sản xuất lưỡi câu ếch, rùa, đặc biệt là câu cá biển... Sản phẩm này được đưa đi tiêu thụ ở khắp các tỉnh khu vực ĐBSCL, ra tận miền Trung và cả thị trường Campuchia, Malaysia và Lào.

Làng sản xuất lưỡi câu Mỹ Hòa có trên 100 hộ sản xuất (khoảng 600 lao động) đang bước vào mùa vụ chính trong năm. Mỗi ngày, nơi đây sản xuất hàng tấn lưỡi câu xuất bán cho thị trường.

Ông Bùi Tấn Thành, chủ cơ sở sản xuất lưỡi câu “Trí Thành”, đã có 4 đời làm nghề trên 60 năm, cho biết: Sản phẩm của làng nghề rất phong phú với hơn 10 chủng loại có tên lưỡi câu rùa, hòa ung, ó, câu đúc, móng heo, vịnh chèo…. với gần 30 kích cỡ lớn nhỏ khác nhau. Các sản phẩm phải qua gần chục công đoạn làm rất tỉ mỉ, phức tạp như quay dây, vuốt thẳng, chặt thành đoạn, cắt ngạnh, quay mũi, gõ mũi, uốn lưỡi, dập đích, xóc bóng.

Cơ sở đóng xuồng, ghe mùa lũ của anh Trần Bá Ngữ ở ấp Long Khánh A, xã Long Hậu, Lai Vung (Đồng Tháp), trung bình một tuần tiêu thụ trên 100 chiếc xuồng, giá lọai I là 1,2 triệu đồng/chiếc, lọai II là 700.000 đến 800.000 đồng/chiếc. Mỗi người thợ một ngày có thể đóng được một chiếc xuồng phục vụ ngư dân đánh bắt trong mùa lũ, thậm chí xuồng này chở khoảng 2 - 4 người đi.

Loại ghe có trọng tải lớn từ 40 đến 50 tấn thì phải đóng đến 40 ngày mới xong và giá giao động từ 180 triệu đến 300 triệu đồng. Mỗi năm, xã Long Hậu xuất đi khắp nơi gần 4000 chiếc ghe, xuồng các loại phục vụ người dân miền Tây Nam bộ.

Làng nghề đóng ghe xuồng này hoạt động quanh năm, cao điểm nhất là từ đầu tháng 4 âm lịch cho đến cuối tháng 8 âm lịch. Nếu gặp năm lũ lớn, nhu cầu tăng cao thì mùa cao điểm kéo dài cho đến tận tháng 10. Có lúc khách đặt nhiều, xuồng sản xuất ra không kịp giao cho khách hàng.

Sau đây là một số hình ảnh ghi lại hoạt động của các làng nghề sản xuất sản phẩm phục vụ khai thác thủy sản vào mùa lũ ở ĐBSCL:

Làng nghề ở miền Tây ăn nên làm ra nhờ mùa lũ ảnh 1Làng nghề ở miền Tây ăn nên làm ra nhờ mùa lũ ảnh 2Làng nghề ở miền Tây ăn nên làm ra nhờ mùa lũ ảnh 3Làng nghề ở miền Tây ăn nên làm ra nhờ mùa lũ ảnh 4Làng nghề ở miền Tây ăn nên làm ra nhờ mùa lũ ảnh 5Làng nghề ở miền Tây ăn nên làm ra nhờ mùa lũ ảnh 6Làng nghề ở miền Tây ăn nên làm ra nhờ mùa lũ ảnh 7Làng nghề ở miền Tây ăn nên làm ra nhờ mùa lũ ảnh 8Làng nghề ở miền Tây ăn nên làm ra nhờ mùa lũ ảnh 9Làng nghề ở miền Tây ăn nên làm ra nhờ mùa lũ ảnh 10Làng nghề ở miền Tây ăn nên làm ra nhờ mùa lũ ảnh 11Làng nghề ở miền Tây ăn nên làm ra nhờ mùa lũ ảnh 12Làng nghề ở miền Tây ăn nên làm ra nhờ mùa lũ ảnh 13Làng nghề ở miền Tây ăn nên làm ra nhờ mùa lũ ảnh 14Làng nghề ở miền Tây ăn nên làm ra nhờ mùa lũ ảnh 15Làng nghề ở miền Tây ăn nên làm ra nhờ mùa lũ ảnh 16Làng nghề ở miền Tây ăn nên làm ra nhờ mùa lũ ảnh 17Làng nghề ở miền Tây ăn nên làm ra nhờ mùa lũ ảnh 18Làng nghề ở miền Tây ăn nên làm ra nhờ mùa lũ ảnh 19Làng nghề ở miền Tây ăn nên làm ra nhờ mùa lũ ảnh 20

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh hào hứng dưới sự chỉ dẫn của nghệ nhân.

Truyền dạy văn hoá Hrê trong trường học

GD&TĐ - Tại huyện miền núi Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi) nhiều lớp dạy cồng chiêng, múa hát dân ca,… được tổ chức để truyền dạy cho thế hệ con em người Hrê.
Có vẻ như ung thư đang phát triển nhanh hơn và nguy hiểm hơn trước đây. (Ảnh: ITN)

Lý do ung thư ngày càng trẻ hóa

GD&TĐ - Theo vox.com, những người trưởng thành ở độ tuổi sung sức nhất, thường có bề ngoài khỏe mạnh, đang chết vì những căn bệnh ung thư ác tính.