Kỹ năng sống chung với lũ

Kỹ năng sống chung với lũ

Nương theo lũ

Ông Phạm Hữu Bình - Chủ tịch UBND huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) trao đổi: Nhân dân chúng tôi ở vùng rốn lũ như Đức Bồng, Đức Lĩnh, Đức Hương vv… thường xuyên phải đối mặt với thiên tai lũ lụt, nhưng rồi không thể bỏ làng xóm, đất đai, ruộng vườn mà đi. Bao nhiêu vấn đề liên quan như mồ cha mả mẹ, tổ tiên, phong tục tập quán, nên “sống chung với lũ” bám đất, bám  làng là điều không thể bàn cãi.

Dạy trẻ tập bơi tại ĐBSCL. ảnh Internet
Dạy trẻ tập bơi tại ĐBSCL. ảnh Internet

Được biết vào những năm 60, những vùng thấp lũ phía ngoài đê La Giang (Đức Thọ) hay ở miền hạ Hương Sơn thường xuyên đối mặt với lũ lụt, thiếu đất trồng trọt, Đảng đã chủ trương cho nhân dân miền xuôi lên khai hoang vùng sâu, vùng xa sinh cơ lập nghiệp. Những làng xóm mới như Sơn Hồng, Hồ Tây, làng mới Sơn Kim (Hương Sơn), Sơn Thọ (Vũ Quang), Hương Giang (Hương Khê) vv… được hình thành cách đây gần nửa thế kỷ. Hiện tại vấn đề di dời vẫn có thể là một giải pháp nhưng không phải là tối ưu nhất. Vì vậy, kỹ năng sống chung với lũ là tối quan trọng. Kinh nghiệm của nhân dân vùng rốn lũ đúc kết kỹ năng một cách ngắn gọn với 1 cần: cần luôn luôn chủ động, tự mình giải quyết những vấn đề từ lũ lụt đặt ra. Hai biết là biết lũ và biết mình. Cha ông đã nói: “Nhất thủy, nhì hỏa”, cho nên biết nước, biết lũ để tránh để nương theo chứ không phải để chống. Ba không: không chủ quan, không liều lĩnh và không rơi vào tình thế bị động. Bốn tại chỗ: Chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ, ứng cứu tại chỗ, giải pháp, hiệu quả tại chỗ. Để sống chung với lũ, nhân dân đã đắp đê, kè sông, xây cầu, làm thuyền, kết bè, làm chạn, kê gác, xây nhà cao tầng, làm ụ đất. Ngày nước dâng cao, một chiếc thuyền, dăm tay lưới, hay một cái vó, hay, lừ, đó đụt tiếp tục lao động kiếm sống trên sông nước, biến cái rủi ro thành sự sống. “Tui có kinh nghiệm  khi nước vô thì mở cửa tháo vách cho vô, và khi nước rút thì rút đến đâu vệ sinh đến đó”. Ông Cường (Lộc Yên, Hương Khê) trao đổi. Với ông Nguyễn Trường Vỵ (Đức Lạng) có kinh nghiệm cất hạt giống trong chum. “Sau khi phơi khô, cho vào bao ni lông, bỏ vào chum, chét, đổ trấu hay lá khô, sau đó bịt ni lông kỹ, nếu có ở giữa nước lũ vẫn không việc gì”. Ông Vỵ nói. Trong khi đó bà con ở Phương Mỹ, Phương Điền lại cho gia cầm gia súc (như lợn, chó, dê) lên tránh lũ ở trên bè vv….. Nghĩa là sống chung với lũ làm nẩy sinh muôn hình vạn trạng cách ứng phó để thích nghi với lũ.

Nghe, nhận, xử lý, biết thông tin ngày lũ…

Ngày xưa nhân dân vùng lũ đã dùng chiêng, trống, tù và để thông báo cho nhau về tình hình nước lũ. Trống đánh ngũ liên là nước lũ dâng cao, tình hình gấp rút, đánh một hồi dài là báo yên nước đã rút. Từ đó nhân dân biết tình hình để dọn dẹp, di dời người và tài sản. Có những lúc đêm tối mênh mông, nước lũ ào ạt đổ vào làng, vào nhà, những phương tiện thông tin thô sơ ấy đã kịp thời  giúp nhân dân có giải pháp tránh lũ hiệu quả.

Ngày nay, khoa học kỹ thuật phát triển, ngành khí tượng thủy văn kịp thời cung cấp những dự báo thời tiết, các phương tiện thông tin đa dạng, có mặt khắp nơi là những thuận lợi hết sức căn bản. Có ý kiến cho rằng: Bây giờ lũ lụt xảy ra bất thường, diễn biến hết sức phức tạp, nên dự báo thời tiết 3 tiếng phát một lần có thể không cập nhật được tình hình  lũ lụt.

Nhưng những thông tin không chính xác, phóng đại, tô màu thì cũng thật nguy hiểm. Như xã tui vỡ đập Khe Mơ, có đứt 1 cái cầu, vài đoạn đường sạt lở, ngô, khoai, sắn, hoa màu dọc khe Mơ bị cuốn sạch chứ mần chi kinh khủng như họ nói. Con tui ở Hà Nội xem mạng thấy hoảng hồn điện thoại cho cha mẹ liên tục”. Bà Mai (Sơn Hàm) nói. Do nhiễu thông tin, cho nên sau lũ, nhiều đoàn cứu trợ đến vùng rốn lũ cứu trợ rất vất vả trong việc cứu trợ đúng đối tượng. Và có những chuyện bi hài đã diễn ra. Vì vậy sống ở vùng rốn lũ cần rèn luyện kỹ năng nghe, tiếp nhận, xử lý thông tin là vô cùng quan trọng…

Rèn luyện kỹ năng sống chung với lũ cho HS: Cần thiết tập bơi, nhưng quan trọng nhất là xử lý những tình huống lũ lụt
Rèn luyện kỹ năng sống chung với lũ cho HS: Cần thiết tập bơi, nhưng quan trọng nhất là xử lý những tình huống lũ lụt. ảnh Internet

Cô Nguyễn Thị Thu Hà- Trưởng phòng GD huyện Nam Đàn, Nghệ An trao đổi: “Rèn luyện kỹ năng sống chung với lũ cho HS là một bài toán không phải dễ. Vấn đề đặt ra là làm sao cho các em thích ứng với lũ lụt. Nam Đàn chúng tôi là vùng lũ lụt thường xuyên, nên ở đây, mỗi khi lũ đến HS chúng tôi đã có thói quen gói sách vở trong bao ni lông, gói cặp và đóng vào bao, thùng cho lên chạn gác, nên lũ vừa qua, Nam Đàn không  khó khăn về thiếu sách. Một vài trường chúng tôi hè vừa rồi, đưa chương trình tập bơi đến với các em trong dịp hè, nhưng rất nan giải”.

Ông Nguyễn Khắc Hào- Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh nhấn mạnh: “Vấn đề rèn luyện kỹ năng sống chung với lũ, cốt lõi nhất là biết ứng xử trước những tình huống bất thường xẩy ra. Ví dụ như qua đò, thấy nước xoáy, đò không an toàn thì không đi, không lội qua khe suối khi nước dữ, hoặc qua sông, qua đò, qua suối, qua khe, qua những chỗ trũng mà thấy không an toàn là phải điều chỉnh hành vi ngay. Vừa qua gần 100% các trường trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh bị ngập lũ, chúng tôi đã chỉ đạo một cách mềm dẻo, ở cơ sở nào nước đã rút, công tác khôi phục cơ sở vật chất đã xong đảm bảo an toàn tuyệt đối về tính mạng cho HS thì có thể bắt đầu dạy học, còn những vùng nước lũ chưa rút, công tác chuẩn bị chưa đảm bảo an toàn thì chưa tiến hành dạy học. Mặt khác, mỗi nhà trường cần chủ động tích cực và có kế hoạch giải pháp rèn luyện kỹ năng sống chung với lũ cho HS, nhất là đối với vùng rốn lũ”.

Ông Nguyễn Kế Thân- Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Bình cung cấp cho số liệu thống kê hơn 2/3 HS THCS ở Quảng Bình chưa biết bơi. Vì vậy dạy bơi cho HS vô cùng cần thiết nhưng làm sao để tránh nặng nề và quá tải thì nhà trường cần nghiên cứu. Hiện tại Sở GD đang tìm hiểu, xem xét phương án này, và có lẽ chưa hy vọng sẽ có bể bơi trong nhà trường, nhưng cần có sự phối hợp với phụ huynh học sinh, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh ở các địa phương để xây dựng mô hình rồi sau đó nhân rộng ra. Quảng Bình là vùng rốn lũ, những nơi học sinh phải qua sông, qua đò, vào mùa mưa lũ cần trang bị áo phao để giúp HS đảm bảo an toàn. 

Lê Văn Vỵ
 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ