Theo người dân phản ánh, ô nhiễm không chỉ với những hộ dân trong phạm vi từ 500-1.000 m mà vào nhiều thời điểm, mùi hôi thối từ bãi rác vẫn ảnh hưởng nặng đến phạm vi rộng hơn, thưa ông?

Khoảng cách ảnh hưởng đã được cơ quan chức năng xác định. Về quản lý vận hành, hiện nay, toàn bộ các ô chôn lấp, hồ chứa nước rác đều được phủ bạt để chống mùi. Tuy nhiên, trong quá trình xử lý vẫn còn những thời điểm để hở như đang tiếp nhận rác vào bãi. Tôi khẳng định, bình thường, mùi cũng không đến mức khó chịu, trừ khi thời tiết thay đổi thì mùi phát sinh và phát tán nhiều hơn.

Yêu cầu xử lý rác thải sinh hoạt của thành phố rất cấp bách, và đã nhiều lần xảy ra khủng hoảng rác thải. Tại sao tiến độ đầu tư các nhà máy hiện đại đủ khả năng xử lý rác cho thành phố vẫn bị chậm so với yêu cầu. Hà Nội thiếu tiền hay thiếu công nghệ?

Công nghệ xử lý rác trên thế giới thay đổi rất nhanh. Hiện nay có rất nhiều công nghệ tùy theo điều kiện cụ thể để các nước áp dụng. Theo tính toán của cơ quan chức năng, công nghệ xử lý qua đốt rác không cần phân loại để phát điện là hợp lý nhất.

Hiện nay, về giải pháp, thành phố đang thúc đẩy dự án xây dựng nhà máy đốt rác phát điện công nghệ mới đảm bảo về môi trường công suất 4000 tấn/ngày. Dự kiến đầu năm 2021 sẽ đưa vào vận hành. Tổng lượng rác thải mỗi ngày đưa về Nam Sơn là 5.000 tấn và với công suất 4.000 tấn/ngày thì cơ bản nhà máy sẽ giải quyết được tình hình.

Sở Xây dựng đã nhiều lần kiến nghị về đẩy nhanh đầu tư xử lý rác thải. Công nghệ xử lý rác trước đây đến nay đã bộc lộ nhiều bất hợp lý, không đảm bảo tiêu chuẩn môi trường. Vấn đề đặt ra, với công nghệ mới, giá thành để xử lý rác cao hơn nhiều lần so với chôn lấp thông thường. Suất đầu tư lớn nên nhà đầu tư cũng hết sức cân nhắc.

Về xử lý rác, Bộ Xây dựng đã ban hành quy định về mức giá trần. Trong khi đó, công nghệ về đốt rác phát điện mà Hà Nội đang triển khai là dự án đầu tiên ứng dụng công nghệ mới nhất và về giá thì chưa có trong quy định của Bộ Xây dựng. Theo hướng dẫn, dự án triển khai trước rồi từ đó có thực tế để tính ra định mức đơn giá xử lý rác thải theo công nghệ mới trình Bộ Xây dựng cho ý kiến. Quy mô trước đây công suất chỉ 800 tấn/ngày cho 1 nhà máy thì nay không còn phù hợp. Chính sách đang có rất nhiều vướng mắc và đi sau so với yêu cầu thực tế.

Tôi được biết, xử lý rác thải tại nhiều quốc gia đơn giá cao hơn nhiều lần so với Việt Nam. Công nghệ áp dụng khác nhau dẫn đến đơn giá xử lý rác thải khác nhau.

Để huy động nguồn lực cho xử lý rác thải, thành phố đã nhiều lần đặt ra thu phí xử lý rác với các hộ gia đình. Điều này đã thực hiện đến đâu?

Nhiều quốc gia đã thu phí xử lý rác thải từ các hộ gia đình có giá rất cao trong khi Việt Nam về cơ bản Nhà nước vẫn bao cấp. Đây là một nghịch lý rất lớn. Nếu chúng ta thu được các khoản này sẽ bổ sung nguồn lực cho công tác xử lý rác thải, thu hút nhà đầu tư và nâng cao ý thức của người dân về bảo vệ môi trường. Hiện nay, Sở Xây dựng đã xây dựng định mức thu phí dịch vụ này và báo cáo thành phố.

Điều tôi muốn nhấn mạnh nữa là giải phóng mặt bằng phải được đẩy nhanh hơn. Nhiều dự án thi công chậm vì không có mặt bằng. Khu xử lý rác thải Nam Sơn có hai phần là khu phía Bắc và khu phía Nam. Theo kế hoạch, khu chôn lấp phía Bắc phải bàn giao từ năm 2016, nhưng thực tế đến bây giờ vẫn chưa xong. Trong khi đó, toàn bộ lượng rác dồn vào khu xử lý phía Nam nên ngày càng căng thẳng.

Cảm ơn ông.