Khai mạc Chương trình Đào tạo Báo chí Khoa học châu Á

Khai mạc Chương trình Đào tạo Báo chí Khoa học châu Á

(GD&TĐ) - Từ ngày 25 - 27/9, tại Hà Nội, Trung tâm Bồi dưỡng Nghiệp vụ báo chí (Hội Nhà báo Việt Nam) phối hợp với Hiệp hội Các nhà báo khoa học thế giới (WFSJ) khởi động Chương trình Đào tạo Báo chí Khoa học châu Á.

11
Khai giảng ngắn gọn với sự có mặt (từ trái sang phải) của các vị: PGS.TS Đinh Thị Thúy Hằng – Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí; Ông Francois Lasalle - Tham tán Thương mại Đại sứ quán Canada tại Việt Nam; Nhà báo Phạm Quốc Toàn - Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Ông Jean Marc Fleury - Giám đốc Dự án.

Tham dự Chương trình Đào tạo Báo chí Khoa học châu Á có 33 nhà báo khoa học đến từ Australia, Campuchia, Canada, Hà Lan, Indonesia, Philippines  và Việt Nam.

Trong số 24 nhà báo được lựa chọn tham gia Chương trình, Việt Nam có 8 phóng viên đến từ các báo: Tin Tức (TTXVN), Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Nông thôn Ngày nay, Pháp luật TPHCM, và Đồng Nai. Tổng Biên tập báo Giáo dục&Thời đại tham gia Chương trình với tư cách là quan sát viên.

Phát biểu tại lễ khai mạc, Nhà báo Phạm Quốc Toàn - Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam - đánh giá cao sự phối hợp giữa Hiệp hội Các nhà báo khoa học Thế giới với Trung tâm Bồi dưỡng Nghiệp vụ Báo chí (Hội Nhà báo Việt Nam).

Nhóm nhà báo Campuchia bày tỏ mong muốn của mình khi tham gia Chương trình
Nhà báo bày tỏ mong muốn của mình khi tham gia Chương trình

Chương trình Đào tạo Báo chí Khoa học châu Á diễn ra trong 2 năm (2013 - 2015) sẽ giúp các nhà báo chia sẻ những kinh nghiệm viết báo trên các lĩnh vực nông nghiệp, sức khỏe, thực phẩm, năng lượng, môi trường, phòng tránh thiên tai và các vấn đề khoa học khác.

Ngoài những buổi học và thảo luận, các nhà báo tham gia Chương trình tại Việt Nam sẽ đến các viện nghiên cứu ở Hà Nội để phỏng vấn các chuyên gia, viết bài thu hoạch và gửi đăng báo.

Học viên tham gia Chương trình Đào tạo Báo chí Khoa học châu Á sẽ học thông qua các buổi trao đổi trực tuyến. Ngoài ra, họ sẽ có các cuộc gặp mặt trực tiếp, sau Hà Nội sẽ là Indonesia và Hàn Quốc.

Giáo viên tham gia Chương trình là các nhà báo, giảng viên báo chí có kinh nghiệm được tuyển chọn từ các tờ báo, các trường đại học trong và ngoài nước.

Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí (Hội Nhà báo Việt Nam) là cơ sở đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí lớn của Việt Nam. Hằng năm, Trung tâm  tổ chức khoảng 60 khóa bồi dưỡng nghiệp vụ cho các nhà báo tại nhiều địa phương trong cả nước với sự tham gia của các giảng viên - nhà báo trong nước và quốc tế.

Hiệp hội Báo chí Khoa học Thế giới (WFSJ) có trụ sở ở Canada với 46 hội báo chí khoa học thành viên.WFSJ đã tiến hành dự án đào tạo nhà báo khoa học tương tự tại châu Phi và đã thành công tốt đẹp.

Phương Đông

TIN LIÊN QUAN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ