Katơr Kinh đứng lên sau vấp ngã

GD&TĐ - Trong đời, ai cũng có lần vấp ngã, thất bại. Nhưng quan trọng là đứng lên và bước tiếp ra sao, bài học là gì? Katơr Kinh (người dân tộc RagLai) là một người như vậy.

Katơr Kinh được đánh giá cao trong công tác bảo vệ rừng tại 	địa phương. Ảnh: Duy Quan
Katơr Kinh được đánh giá cao trong công tác bảo vệ rừng tại địa phương. Ảnh: Duy Quan

Trở thành… trưởng thôn sau khi ra tù

Anh Katơr Kinh nhà tại thôn Hành Rạc 1, xã Phước Bình, huyện Bác Ái, Ninh Thuận. Giữa tháng 9, chúng tôi có dịp theo chân anh và các thành viên trong Tổ cộng đồng bảo vệ rừng thôn, vào một số khu vực được ngành chức năng giao khoán cho người dân quản lý, bảo vệ. Cánh rừng bạt ngàn rộng hàng trăm héc ta đã được phủ một màu xanh tốt tươi.

Trên đường đi, anh Kinh chia sẻ: “Năm 2011, do không có đất sản xuất, tôi thường xuyên phá rừng làm rẫy. Trong một lần phá rừng bị lực lượng chức năng phát hiện. Lúc đó, TAND huyện Bác Ái tuyên phạt tôi 4 năm tù giam về tội “phá rừng”.

“Trong thời gian thi hành án, tôi được cán bộ giáo dục, cảm hóa. Những lần sinh hoạt với chủ đề bảo vệ để giữ môi trường sinh thái bền vững, tôi càng thấy rừng rất quan trọng đối với cuộc sống. Tôi đã tự nhủ phải cố gắng cải tạo tốt, mai này về lại địa phương tích cực tham gia bảo vệ rừng để chuộc lại lỗi lầm”, Katơr Kinh nói.

Do cải tạo tốt, Katơr Kinh đã được ra tù trước thời hạn 2 năm. Khi trở về, được sự trợ giúp của gia đình và UBND xã, anh được giới thiệu tham gia vào Tổ cộng đồng bảo vệ rừng. Từ đó, anh có điều kiện tham gia vào các phong trào, công tác xã hội tại địa phương. Katơr Kinh trở thành người rất tâm huyết với công tác bảo vệ rừng. Anh “lột xác” thành tấm gương điển hình về phòng, chống phá rừng ở xã vùng cao này. Năm 2015, người dân địa phương tin tưởng bầu Katơr Kinh làm Trưởng thôn Hành Rạc 1.

Những năm qua, được sự hướng dẫn của chính quyền địa phương về cách mưu sinh dựa vào rừng, Katơr Kinh đã dồn hết tâm huyết của mình vào việc phủ xanh những mảng rừng từng bị tàn phá. Anh cho triển khai thực hiện mô hình trồng xen canh cây ngô lai với bưởi, chuối… phù hợp với điều kiện khí hậu để tăng thu nhập. Nhờ đó, đời sống gia đình ngày càng sung túc.

Không gian của núi rừng ở Bác Ái đã “khởi sắc”. Ảnh: Duy Quan
Không gian của núi rừng ở Bác Ái đã “khởi sắc”. Ảnh: Duy Quan

Nhiều người khi nghe Katơr Kinh tuyên truyền, vận động, đã từ bỏ việc phá rừng, về lại cộng đồng tu tâm, dưỡng tính quyết tâm không tái phạm. Anh Katơr Bó, xã Phước Bình chia sẻ: “Ngày trước do thiếu hiểu biết về pháp luật, tôi và một số người trong thôn đã lên rừng cưa gỗ để bán lấy tiền tiêu xài. Tuy nhiên, khi được Katơr Kinh khuyên bảo, tôi cũng ăn năn hối lỗi và tham gia bảo vệ rừng, trồng cây ăn quả. Giờ được nhiều bà con trong thôn yêu quý, khen ngợi tôi mừng lắm!”.

“Phước Bình là địa phương có diện tích rừng rất lớn. Muốn đồng bào dân tộc thiểu số không phá rừng làm rẫy, tôi và các thành viên trong Tổ cộng đồng bảo vệ rừng phải gương mẫu để bà con noi theo”, anh Kinh cho biết

Bằng những việc làm cụ thể như, thường xuyên tuyên truyền, vận động, đến nay, toàn bộ đồng bào các dân tộc thiểu số thôn Hành Rạc 1 đã tự nguyện ký cam kết tích cực bảo vệ, phát triển rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng. Nhờ đó, tình trạng đốt rừng lấy đất làm rẫy, khai thác tài nguyên rừng trái phép trên địa bàn không còn. Mô hình ngày càng được nhân rộng ra toàn xã.

Đến nay, hơn 470 ha diện tích đất rừng trong Vườn Quốc gia Phước Bình được giao khoán lại cho bà con thôn Hành Rạc 1 quản lý, bảo vệ đã được phủ xanh, tình trạng phá rừng đã được hạn chế đến mức thấp nhất.

Biến sai lầm thành bài học đáng giá

Katơr Kinh và các thành viên Tổ bảo vệ rừng thôn Hạnh Rạc trong buổi tuần tra rừng. Ảnh: Duy Quan
Katơr Kinh và các thành viên Tổ bảo vệ rừng thôn Hạnh Rạc trong buổi tuần tra rừng. Ảnh: Duy Quan

Về xã Phước Bình, nhiều người dân kể rằng anh Katơr Kinh đã tích cực tuyên truyền, vận động một số đối tượng phá rừng từ bỏ việc làm phi pháp này. Đặc biệt, những thanh niên trong thôn Hành Rạc mỗi lần tiếp xúc, đều được Katơr Kinh kể về câu chuyện lỗi lầm của mình để mọi người lấy đó làm động lực, trở thành người sống có ý nghĩa cho xã hội.

Ông Chamaléa Quấn, Trưởng thôn Hành Rạc 1 cho hay: “Hiện nay, Katơr Kinh là Tổ trưởng Tổ bảo vệ rừng của thôn, tổ anh có 28 thành viên. Sau những vấp ngã của cuộc đời, bây giờ Katơr Kinh đã thay đổi bản thân tích cực hơn, nhất là trong công tác bảo vệ rừng. Từ những hành động tích cực mà cuộc sống của gia đình anh đã khấm khá hơn trước, nhiều người lầm lỗi ở địa phương đã học tập và noi theo tấm gương của Kinh”.

Bà Katơr Thị Gái, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Bình cho biết: “Những việc làm của anh Katơr Kinh đã góp phần tích cực trong bảo vệ rừng, phát huy tinh thần đoàn kết của cộng đồng, để nhiều người noi theo”. Nhờ đó, nhiều năm qua, thôn Hành Rạc 1, xã Phước Bình, không để xảy ra cháy rừng, khai thác rừng trái phép, người dân chấp hành tốt các quy định của Nhà nước về công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng.

Anh Kinh tâm sự: “Đi qua một chặng đường đầy chông gai, tôi nhận ra rằng, những việc làm chân chính do mình tự bỏ công sức thì mới thực sự quý giá và bền vững. Tôi cũng mong rằng, qua câu chuyện của tôi sẽ góp phần giúp cho những người từng phạm tội có thêm ý chí hoàn lương, tái hòa nhập cộng đồng, trở thành những công dân tốt cho gia đình và xã hội”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ