Hà Tĩnh đảm bảo an toàn công trình thủy lợi mùa mưa, lũ 2021

GD&TĐ - Hà Tĩnh là địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng của bão lũ.

Hà Tĩnh là địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng của bão lũ. Từ tháng 6 và tháng 7/2021, bão và áp thấp nhiệt đới bắt đầu hoạt động ở vùng biển phía Bắc biển Đông; lượng mưa ở hầu hết các khu vực bằng hoặc cao hơn trung bình nhiều năm. Bên cạnh đó, thực tế nhiều công trình thủy lợi, hồ chứa xung yếu ở các địa phương chưa đảm bảo an toàn, có nguy cơ xảy ra sự cố trong mùa mưa lũ.

Thực trạng các hồ, đập ở Hà Tĩnh

Các tỉnh Miền trung đã bước vào mùa mưa lũ, nhưng ở khu vực các tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh vẫn đang có cả trăm hồ, đập xuống cấp, hỏng hóc, một số ít khác thì vẫn trong quá trình sửa chữa. Mỗi năm cứ đến mùa mưa bão, nỗi lo mất an toàn hồ đập tại các địa địa phương này lại hiện hữu.

Theo số liệu từ Chi cục Thủy lợi tỉnh Hà Tĩnh, trên địa bàn hiện có 351 hồ thủy lợi, với tổng dung tích chứa hơn 1.575 triệu m3 nước, trong đó có 324 hồ chứa có dung tích từ 50.000 m3 trở lên, hoặc có chiều cao đập từ 5m trở lên. Trong đó có gần 200 hồ, đập bị hư hỏng, xuống cấp, với nguy cơ mất an toàn đang hiện hữu tại 59 hồ, đập bị hư hỏng nặng, cần được sửa chữa. Hàng năm, hệ thống hồ đập đã cung cấp nước tưới cho hơn 29.000 ha đất trồng lúa/vụ và cây trồng cạn, cấp nước phục vụ công nghiệp, dân sinh, nuôi trồng thủy sản, cắt giảm lũ hạ du và cải tạo môi trường sinh thái.

Phần lớn các hồ chứa ở Hà Tĩnh đều được xây dựng khá lâu, đều đã sử dụng trong khoảng thời gian từ 40 đến 50 năm, lại thiếu kinh phí duy tu, bảo dưỡng, cho nên đến nay đã xuống cấp, nguy cơ mất an toàn cao.

Đập Khe Xai (xã Hương Minh, huyện Vũ Quang) nằm cách đường mòn Hồ Chí Minh chừng 10m có diện tích lưu vực gần 1km2, được xây dựng từ năm 1989. Theo Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Vũ Quang Nguyễn Trường Thọ cho biết, trải qua nhiều năm vận hành, chống chọi với mưa lũ, thân đập đã bị nứt gãy, gây thẩm thấu nước qua thân đập. Từ năm 2017 đến nay, các vết nứt, đứt gãy ngày một mở rộng kéo theo nguy cơ vỡ đập khi lũ về. Cùng với đó, do hệ thống vận hành bị hư hỏng, kèm theo tràn xả lũ ngắn, kích thước và khẩu độ cống thoát lũ đoạn chạy qua đường mòn Hồ Chí Minh nhỏ, cho nên vào mùa mưa nước lũ thường tràn qua tuyến quốc lộ này, cản trở việc lưu thông, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người và phương tiện khi qua đây. 

Hà Tĩnh đã tăng cường đảm bảo an toàn công trình thủy lợi trong mùa mưa, lũ.
Hà Tĩnh đã tăng cường đảm bảo an toàn công trình thủy lợi trong mùa mưa, lũ.

Trước mỗi mùa mưa bão, hàng nghìn hộ dân tại huyện miền núi Hương Khê đứng ngồi không yên bởi nguy cơ tiềm ẩn từ 25 công trình hồ đập xuống cấp nghiêm trọng trên địa bàn. Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê, Phan Kỳ cho biết, các công trình xuống cấp đều có quy mô vừa và nhỏ, hầu hết đều do Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp quản lý, xây dựng từ những năm 1970-1980, cho nên chất lượng xây dựng không đồng bộ.

Trong quá trình quản lý, khai thác vận hành thiếu kinh phí để duy tu, bảo dưỡng, lại thường xuyên chịu tác động của thiên tai, bão lụt, nhiều công trình đã xuống cấp nghiêm trọng, một số hồ có nguy cơ mất an toàn và không có khả năng tích nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Trong khi đó, ngân sách huyện hạn hẹp nên hằng năm không có kinh phí để nâng cấp, sửa chữa công trình.

Theo chia sẻ của lãnh đạo Chi cục Thủy lợi Hà Tĩnh - với đặc thù thường xuyên chịu tác động của thiên tai, lũ lụt, vấn đề bảo đảm an toàn hồ chứa luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, huy động nguồn lực đầu tư, nâng cấp hệ thống hồ thủy lợi. Tuy vậy, do điều kiện ngân sách địa phương còn hạn hẹp và rất khó khăn, trong khi nhu cầu đầu tư, sửa chữa hồ đập lớn, cấp bách. Do đó, địa phương mong muốn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Thủy lợi tiếp tục quan tâm hỗ trợ kinh phí để khắc phục, sửa chữa các công trình hư hỏng nặng, có nguy cơ mất an toàn cao.

Tăng cường đảm bảo an toàn hồ đập mùa mưa lũ 2021

 Ngày 5/4/2021, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn đã ký ban hành Chỉ thị số 04/CT-UBND về việc chỉ đạo tăng cường đảm bảo an toàn công trình thủy lợi trong mùa mưa, lũ năm 2021.

Trong đó, tỉnh yêu cầu tổ chức tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm công tác đảm bảo an toàn công trình thủy lợi trên địa bàn. Kiện toàn ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các công trình thủy lợi, có phân công cụ thể trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức quản lý chuyên ngành, các địa phương trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về an toàn công trình thủy lợi trên địa bàn quản lý; bổ sung các phương tiện kỹ thuật, trang thiết bị làm việc nhằm nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý an toàn công trình thủy lợi.

Thành lập các đoàn công tác kiểm tra, đánh giá tổng thể thực trạng an toàn các công trình thủy lợi trên địa bàn quản lý. Kiểm tra việc thực hiện quy trình vận hành các công trình thủy lợi trên địa bàn; rà soát, đánh giá các quy trình vận hành hồ chứa, quy trình vận hành hệ thống công trình thủy lợi để bổ sung, điều chỉnh những nội dung chưa phù hợp; tổ chức vận hành các công trình theo đúng quy trình đã được phê duyệt.

Rà soát phương án ứng phó thiên tai, phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp cho công trình và vùng hạ du đập. Đối với các hồ chứa xung yếu phải xây dựng phương án tích nước hợp lý để đảm bảo an toàn công trình và dân cư vùng hạ du, đồng thời lập phương án di dời dân trong vùng có nguy cơ ảnh hưởng; xây dựng bản đồ ngập lụt hạ du, rà soát đánh giá khả năng thoát lũ sau tràn các hồ chứa; tổ chức diễn tập phương án ứng phó với các tình huống khẩn cấp, đặc biệt là vùng hạ du các đập, hồ chứa nước xung yếu, vùng hạ du là các thành phố, thị xã, khu công nghiệp.

Tổ chức vận hành thử các cống tiêu, cửa van, thiết bị phục vụ xả lũ của các hồ chứa nước và bố trí đủ vật tư, thiết bị dự phòng, bảo đảm kịp thời sửa chữa, thay thế trong trường hợp có sự cố vận hành; bố trí hệ thống thông tin, cảnh báo cho người dân ở vùng hạ du khi xả lũ hồ chứa. Nạo vét, khơi thông kênh hạ lưu các tràn xả lũ, hệ thống kênh tiêu để chủ động tiêu úng, thoát lũ khi có mưa lớn xảy ra.

Đôn đốc, kiểm tra các công trình thủy lợi đang thi công xây dựng phải đảm bảo đúng tiến độ vượt lũ, chống lũ an toàn; tuyệt đối không thi công sửa chữa công trình trong mùa mưa lũ. Các công trình đã được bố trí vốn như: Các hồ chứa thuộc dự án nâng cao an toàn đập WB8; hồ Đập Khẩn (huyện Hương Khê), đập Khe Chọ (huyện Nghi Xuân), đập Chàng Vương (huyện Kỳ Anh)…, đề nghị chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng trước mùa mưa lũ năm 2021.

Thực hiện công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại địa phương, đơn vị theo phương châm “4 tại chỗ”. Tổ chức kiểm tra, rà soát nhân lực, vật tư, thiết bị như: Rọ thép, đá hộc, bao tải, máy phát điện dự phòng... phục vụ công tác phòng chống thiên tai. Chuẩn bị đầy đủ lực lượng và vật tư, phương tiện ứng cứu kịp thời khi có sự cố xảy ra.

---

Đây là bài viết truyền thông về phòng, chống thiên tai – Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu từ cộng đồng của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2021

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trẻ nhập viện do uống vitamin quá liều. Ảnh: Bệnh viện Nhi Trung ương

'Con dao hai lưỡi' mang tên vitamin

GD&TĐ - Theo chuyên gia y tế, chỉ nên sử dụng một lượng vitamin cân đối vừa đủ cũng như phù hợp với tình trạng sức khỏe và nhu cầu của cơ thể.