Hà Nội: Không bắn pháo hoa, dập dịch là ưu tiên số 1

GD&TĐ - Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, thực hiện nhiệm vụ kép nhưng phòng, chống dịch là hàng đầu.

Đội tuyên truyền phòng chống dịch bệnh Covid-19 của xã Nam Phong.
Đội tuyên truyền phòng chống dịch bệnh Covid-19 của xã Nam Phong.

Yêu cầu các đơn vị phải thần tốc truy vết, xét nghiệm, dập dịch “đẩy lùi” Covid-19. Không tổ chức bắn pháo hoa tại 30 quận, huyện, thị xã như dự kiến...

Xét nghiệm F1 xong trước 23 tháng Chạp

Thường trực Thành ủy Hà Nội vừa có văn bản chỉ đạo các cấp tập trung rà soát, nâng cao năng lực, hiệu quả phòng, chống dịch. Yêu cầu nâng cao năng lực xét nghiệm, triển khai việc thực hiện xét nghiệm theo đúng quy định… trên nguyên tắc bảo đảm an toàn phòng, chống dịch là ưu tiên hàng đầu. 

Thành phố không tổ chức bắn pháo hoa tại 30 quận, huyện, thị xã như dự kiến. Đồng thời, nghiên cứu phương án tổ chức bắn pháo hoa tầm cao đêm giao thừa tại 1 địa điểm thích hợp với yêu cầu nghiêm ngặt phòng, chống dịch Covid-19 (không tập trung đông người) để truyền hình trực tiếp phục vụ nhân dân.

Thành phố nghiên cứu có quyết định khoanh vùng dịch rộng hơn, thực hiện xét nghiệm phạm vi rộng hơn đối với trường hợp F1, F2, người đi về từ vùng dịch. Bên cạnh đó, ưu tiên xét nghiệm đối với trường hợp F1 và sớm thông báo kết quả xét nghiệm để người dân yên tâm. 

Ưu tiên xét nghiệm ở Đại học FPT, Nhà máy Z153, thôn Bạch Trữ (huyện Mê Linh), khu đô thị Times City và chung cư Mỹ Đình 2. Trước ngày 23 tháng Chạp (tức 4/2/2021) phải có kết quả xét nghiệm xong các trường hợp F1. 

Chuẩn bị khẩn trương các khu cách ly và cơ sở chữa trị tại Bệnh viện dã chiến Mê Linh, Bệnh viện Bắc Thăng Long, Bệnh viện Đức Giang, các bệnh viện tuyến huyện. Nghiên cứu sáng kiến của quận Nam Từ Liêm thực hiện cách ly tại chỗ nếu phù hợp và bảo đảm điều kiện (như Trường Tiểu học Xuân Phương).

Đối với việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19, Thường trực Thành ủy sẽ báo cáo, đề xuất Ban Thường vụ Thành ủy về chủ trương. Giao Ban Cán sự Đảng UBND thành phố làm việc với Bộ Y tế, báo cáo Chính phủ bảo đảm cung cấp vắc- xin cho người dân Thủ đô bằng ngân sách. Ưu tiên trước hết cho những người có nguy cơ lây nhiễm cao.

Các cơ quan chức năng tính toán nhu cầu nhu yếu phẩm trên địa bàn, đáp ứng nhu cầu Tết của nhân dân. Phải tính đến phương án sinh viên, người lao động lưu trú tại Hà Nội dịp Tết do điều kiện dịch. Tăng cường các hoạt động thương mại trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt. Bảo đảm lưu thông hàng hóa trên nguyên tắc an toàn. Tăng cường cung ứng khẩu trang, các vật tư, thiết bị phòng, chống dịch, không để tình trạng “thiếu hàng, sốt giá” và hành vi trục lợi.

Bí thư Thành ủy nhấn mạnh, tiếp tục thực hiện “nhiệm vụ kép”, vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa duy trì, phát triển kinh tế - xã hội trên nguyên tắc bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh.

Đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà

Do diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Thành ủy Hà Nội yêu cầu phải truy vết nhanh hơn nữa, phát hiện sớm hơn nữa. Phát huy vai trò tổ giám sát cộng đồng, “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, thực hiện khai báo y tế. 

Báo GD&TĐ đã có ghi nhận thực tế tại huyện Phú Xuyên, xã Nam Phong. Anh Nguyễn Xuân Trường - người dân xã Nam Phong cho biết, đã quen với tiếng loa tuyên truyền của Đài Truyền thanh và Đội tuyên truyền lưu động của xã về phòng, chống dịch. Anh Trường bày tỏ, tiếng loa tuyên truyền lưu động với những thông điệp về cách phòng chống dịch bệnh rất dễ hiểu.

“Loa, đài của tổ công tác tuyên truyền như: Biểu hiện bệnh, hướng dẫn người dân cách phòng tránh và bảo vệ người thân, không tụ tập đông người. Các hành vi sẽ bị xử phạt và mức xử phạt phòng chống dịch. Qua đó, đã thôi thúc người dân đã chủ động hơn, trách nhiệm hơn trong công tác phòng chống dịch bệnh cho gia đình và bản thân...”, anh Trường nhấn mạnh. 

Xử nghiêm nếu không đeo khẩu trang

Chiều 3/2, Công an quận Hà Đông cho biết, sau khi phát động ra quân phối hợp cùng các lực lượng khác xử lý những trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng. 

Theo Công an quận Hà Đông, tính đến thời điểm hiện tại đã xử phạt 29 trường hợp, phạt thành tiền 47 triệu đồng. Hầu hết những trường hợp này đều bị xử phạt rất nặng theo tinh thần Nghị định 177.

Ngoài việc xử phạt, công an quận Hà Đông cũng tiến hành phát khẩu trang miễn phí cho những trường hợp vi phạm và tuyên truyền nhắc nhở công tác phòng chống dịch trên địa bàn các phường.

Thượng tá Nguyễn Ngọc Quyền, Trưởng Công an quận Hà Đông cho biết, 100% cơ sở kinh doanh bar, karaoke đã đóng cửa phòng chống dịch, đồng thời ký cam kết không hoạt động chui chờ hướng dẫn mới.

Trên địa bàn quận hiện có 1.714 người nước ngoài đang lưu trú trong đó có 395 người Trung Quốc, 622 người Hàn Quốc, 93 người Nhật Bản và 604 người các quốc tịch khác.

Số người nước ngoài đang tạm trú tại các khách sạn, nhà nghỉ là 62 người… Qua rà soát chưa phát hiện trường hợp nào nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.

Hiện tại 13 cán bộ, chiến sĩ công an quận Hà Đông đi qua vùng dịch Vân Đồn và tiếp xúc với các trường hợp F1, F2 sức khoẻ vẫn bình thường và vẫn được kiểm soát y tế chặt.

Tại quận Hoàn Kiếm, lực lượng chức năng xử lý nghiêm các trường hợp không đeo khẩu trang. “Hầu hết các trường hợp bị xử phạt đều được tặng lại khẩu trang và tuyên truyền nâng cao ý thức. Việc xử phạt luôn được kết hợp cùng công tác tuyên truyền để mỗi tiểu thương, mỗi người dân đều ý thức hơn với cá nhân và cộng đồng…”, Thượng tá Bùi Văn Đang, Phó trưởng Công an quận nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ