Du lịch sông Hồng - tiềm năng còn bỏ ngỏ

Sông Hồng chảy qua địa bàn Hà Nội có nhiều tiềm năng để phát triển tour du lịch đặc trưng. Thế nhưng, do hạ tầng cơ sở vật chất yếu kém nên du lịch sông Hồng vẫn chưa khởi sắc...

Khách tham gia tour du lịch sông Hồng do Công ty CP Thăng Long GTC tổ chức.
Khách tham gia tour du lịch sông Hồng do Công ty CP Thăng Long GTC tổ chức.
Tiềm năng, lợi thế lớn
Sông Hồng chảy qua Hà Nội có vẻ đẹp thuần khiết, hoang sơ, tự nhiên, chưa bị phá vỡ bởi không gian sống ven bờ. Cho đến nay, sông Hồng vẫn giữ được vẻ bình yên để du khách có những khoảng tĩnh lặng ngắm nhìn trời mây, sóng nước.
Dọc tuyến sông Hồng còn có nhiều điểm di tích lịch sử, văn hóa để khách dừng chân tham quan như: Đình Chèm ở phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, đền Ghềnh (quận Long Biên) nằm ven sông thờ công chúa Lê Ngọc Hân cũng là một di tích thu hút đông đảo khách thập phương. Xa hơn chút nữa, đền Dầm (xã Ninh Sở, huyện Thường Tín) là một danh tích lâu đời thờ Mẫu Thoải - một trong tam tòa thánh Mẫu của tín ngưỡng dân gian Việt Nam.
Cũng trên khúc sông chảy qua Hà Nội, khách còn được chiêm ngưỡng cầu Long Biên có lịch sử hơn 100 năm, cầu Thăng Long - biểu tượng của tình hữu nghị Việt - Xô, cầu Nhật Tân biểu tượng cho sức vươn của TP Hà Nội trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế.
Nằm kề sông Hồng, làng gốm cổ truyền Bát Tràng nơi lưu giữ nghề truyền thống là một điểm du lịch thu hút du khách gần xa. Đến Bát Tràng bằng đường sông, khách sẽ có một trải nghiệm mới, khi được cập vào bến nước cổ, luồn lách qua những ngõ hẹp của làng gốm trước khi đến với phiên chợ sầm uất, vừa mua đồ gốm, vừa có thể thử làm thợ gốm là trải nghiệm thú vị khi du ngoạn sông Hồng.
Đại diện Công ty Du lịch Sen Rừng Hoàng Thị Kim Vân, cho rằng: "Đi du lịch sông Hồng, thú vị nhất là được ngắm cảnh, tham quan đình, chùa dọc hai bên bờ. Tôi khám phá được rất nhiều điều thú vị, có được trải nghiệm mới, khác hẳn với khi chọn tour đường bộ".

Giám đốc Công ty CP Thăng Long GTC Tạ Minh Hùng (DN tổ chức khai thác tour du lịch sông Hồng) cho biết: Nhằm phục vụ du lịch sông Hồng, DN đã mở 4 tour như: "Hành trình những bản tình ca" với lịch trình chùa Bồ Đề - cầu Chương Dương - cầu Long Biên - cầu Nhật Tân - cầu Thăng Long - đình Chèm; "Đêm sông Hồng", lịch trình chùa Bồ Đề - cầu Chương Dương - cầu Long Biên - cầu Nhật Tân...
Không chỉ có vậy những năm gần đây, DN còn mở rộng tour du lịch sông Hồng tới một số tỉnh lân cận Thủ đô. Cụ thể DN đã hợp tác với tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên mở rộng tour sông Hồng tới các điểm du lịch như: Đền Chử Đồng Tử (Hưng Yên), chùa Phật Tích, chùa Dâu (Bắc Ninh).

Nhiều vướng mắc, bất cập

Mặc dù có tiềm năng, nhưng thực tế việc khai thác tour sông Hồng mới dừng ở mức nhỏ lẻ chưa đầu tư bài bản. Trung bình mỗi năm, tuyến du lịch này chỉ thu hút khoảng trên dưới 300.000 lượt khách, trong đó, lượng khách quốc tế chiếm khoảng 30%.

Các DN lữ hành nhận định, tuyến du lịch này chủ yếu phục vụ khách đoàn kết hợp giữa du lịch sinh thái với du lịch tâm linh, hầu như không có khách lẻ. Trong khi đó, dọc sông Hồng có nhiều điểm di tích chưa được đầu tư khai thác tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo, nên khó thu hút khách đi lại lần thứ hai.
Không chỉ có vậy cơ sở hạ tầng kỹ thuật nghèo nàn vừa thiếu, vừa yếu hiện chỉ có bến đền Đa Hòa, cảng du lịch Bát Tràng là được đầu tư bài bản, giúp lên, xuống tàu được thuận tiện. Còn lại các điểm đến khác vẫn còn bị bỏ ngỏ, khiến khách du lịch đi lại khó khăn, nhất là vào mùa mưa. Thực tế, tại nhiều điểm tham quan, khách mua tour sông Hồng phải có thần kinh thép khi sử dụng chiếc cầu mỏng manh nối giữa tàu vận chuyển với bờ sông.

Giám đốc Công ty Du lịch Phượng Hoàng Đặng Bích Thọ thẳng thắn nêu rõ: Hiện tour du lịch sông Hồng mới chỉ phù hợp với du khách nội địa, nếu muốn thu hút khách quốc tế thì phải thay đổi nhiều yếu tố. Cụ thể với khách nước ngoài đòi hỏi tour phải có điểm nhấn vào một chủ đề nhất định; dịch vụ, sản phẩm dành cho khách quốc tế cũng phải thay đổi theo hướng chuyên nghiệp và hấp dẫn hơn.
Ví dụ, đối với du khách quốc tế, không nên để họ ngồi trên tàu mấy tiếng đồng hồ tự thưởng thức phong cảnh. Điều hấp dẫn họ là những làng nghề truyền thống hai bên bờ sông, rồi những nét văn hóa, lịch sử liên quan đến các điểm đến trong tour phải được giới thiệu kỹ lưỡng.
Đồng tình với ý kiến này, đại diện Công ty Du lịch OpenTour cho biết: Nhằm phong phú lượng tour phục vụ khách du lịch, DN đã mời gọi khách sử dụng tour du lịch sông Hồng. Tuy nhiên vài năm trở lại đây, khách tìm đến tour này rất ít và hầu như không có người nước ngoài. Nguyên nhân là do 2 bên bờ sông nhiều rác bẩn gây mất mỹ quan, ô nhiễm môi trường khiến du khách, đặc biệt là khách nước ngoài quay lưng.

Chia sẻ những khó khăn trong quá trình xây dựng, khai thác tour sông Hồng, ông Tạ Minh Hùng cho biết: Mặc dù Thăng Long GTC cung cấp dịch vụ tour du lịch sông Hồng từ 20 năm nay nhưng chưa thể tạo thành sản phẩm thực sự đặc sắc, mang đặc trưng của du lịch Hà Nội. Nguyên nhân là do hạ tầng hai bên sông Hồng chưa đáp ứng được yêu cầu của du khách về cảnh quan, vệ sinh.
Hiện Hà Nội chưa có cầu tàu phục vụ riêng cho khách du lịch, khách tham quan phải lên tàu từ cầu cảng tạm tại bến Chương Dương Độ. Mùa cạn mực nước thấp, tàu không thể cập bến, khách tham quan phải lên tàu từ chùa Bồ Đề. Một vấn đề khác đặt ra là lâu nay, Thành phố chưa đầu tư xây dựng hai bên sông.
Rất nhiều đoạn sông, ngay cả đoạn chảy qua khu vực nội thành có cảnh quan nhem nhuốc, các ngôi nhà xây dựng tạm bợ. Một số đoạn sông là nơi tập kết rác thải, phế thải xây dựng, khai thác cát..., tạo nên những ấn tượng xấu với khách tham quan.

Không chỉ có vậy, du lịch sông Hồng chịu ảnh hưởng rất lớn của yếu tố thời tiết và mùa vụ. Vào mùa khô, nước cạn, tàu cập bến rất khó khăn, DN tổ chức tour du lịch sông Hồng phải dừng tàu ở ngoài lòng sông, dùng xuồng "tăng bo" đưa khách vào bờ.
Bên cạnh đó, công ty muốn mở tour du lịch ban đêm nhưng bất khả thi, bởi hiện việc quản lý các phương tiện lưu thông trên sông Hồng chưa thực sự tốt, sà lan chở cát chạy ban đêm với tốc độ cao mà không có sự cảnh báo cần thiết, ảnh hưởng đến sự an toàn của du khách. “Cái khó lớn nhất của những nhà khai thác du lịch sông Hồng là thiếu lượng tàu, thuyền đạt chuẩn quốc tế và tới nay vẫn chưa có cầu cảng” - ông Hùng than thở.

Cần sự hỗ trợ đa ngành

Theo các chuyên gia, để sản phẩm du lịch sông Hồng có sức hút mạnh mẽ đối với du khách, Tổng cục Du lịch, Sở Du lịch Hà Nội và TP Hà Nội cần đầu tư nhiều hơn nữa vào hạ tầng du lịch, chỉnh trang cảnh quan hai bên bờ sông.

Nói về cần sự hỗ trợ đa ngành trong việc cải tạo, chỉnh trang, nâng cấp cơ sở hạ tầng qua đó giúp DN du lịch phát triển tour sông Hồng, Chủ tịch Hội lữ hành Hà Nội Phùng Quang Thắng góp ý: Để phát triển du lịch sông Hồng thì không chỉ đơn giản một công ty du lịch làm được mà cần có chính sách nhất quán của TP, huyện, xã sở tại mới làm được.
Thứ nhất là cần dọn dẹp khu vực bờ sông có tàu đi qua để có cảnh quan đẹp, hấp dẫn du khách. Nếu như trước đây ven sông Hồng là những ngôi nhà mái ngói nhấp nhô, thơ mộng sau lũy tre làng thì bây giờ chỉ còn những ngôi nhà ống, thiếu sức hút, trong khi bờ sông không đẹp. Điều này cần được chấn chỉnh.
Thứ hai, nên đầu tư tàu vừa an toàn, vừa êm ái để du khách vừa ngắm cảnh vừa có thể nghỉ ngơi thư thái.
“Cái khó là bến neo đậu còn tạm bợ, chưa được đầu tư đúng mức. Nhà đầu tư bỏ tiền ra, nhưng không có sự vào cuộc của Thành phố, của địa phương để tour ngày càng hấp dẫn thì không thể hấp dẫn du khách” - ông Thắng bày tỏ.

Đồng tình với góp ý này, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn du lịch Trần Trọng Kiên nêu rõ: Để du lịch đường sông nói chung, sông Hồng nói riêng phát triển cần một quá trình lâu dài, không thể một sớm, một chiều mà có thể mạnh ngay được.
Cơ quan quản lý cần chuẩn bị rất nhiều các điều kiện cho sản phẩm du lịch đường sông như: Xây dựng và cấp phép hoạt động bến tàu du lịch đường sông; quy hoạch và đầu tư giao thông kết nối điểm đón từ đường sông lên đường bộ theo lịch trình…
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, quảng bá sản phẩm du lịch đường sông tại các thị trường trọng điểm để khách du lịch dễ tiếp cận; kêu gọi, tạo điều kiện cho DN trong nước và quốc tế vào cuộc đầu tư tàu du lịch chất lượng cao, kết hợp làm du thuyền với nhà hàng nổi, mở các văn phòng đại diện tại nước ngoài…
Đại diện Công ty Du lịch Phương Nam Sun Travel Nguyễn Thiên Ngọ góp ý: Muốn du lịch sông Hồng phát triển bên cạnh sự vào cuộc của các DN về lâu dài cần có sự hợp tác liên ngành để quy hoạch 2 bên bờ sông Hồng, có như vậy DN mới xác định phương án đầu tư cơ sở hạ tầng tour sông Hồng.
Có thể thấy, tour du lịch sông Hồng có rất nhiều tiềm năng để trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng và hấp dẫn của Hà Nội. Tuy nhiên, để sản phẩm này thực sự khởi sắc, có lẽ sự nỗ lực của mình DN thôi chưa đủ, mà cần có sự quyết tâm vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan chức năng.

Chủ tịch Hội đồng Tư vấn du lịch Trần Trọng Kiên: Nên có quy hoạch từng vùng

Mặc dù TP Hà Nội đã ban hành Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, trong đó hai bên sông Hồng là trục không gian cảnh quan trung tâm của Thủ đô sẽ có các công viên, công trình văn hóa, giải trí lớn để tổ chức những sự kiện có ý nghĩa. Tuy nhiên đây là hình ảnh tương lai, trước mắt TP Hà Nội nên có những quy hoạch từng vùng cho du lịch sông Hồng để tạo những điểm nhất định. Cụ thể di dời các điểm xả rác thải ven sông; mở các khu sinh thái trồng hoa quả, rau sạch; các điểm biểu diễn nghệ thuật truyền... đây sẽ là cơ sở để đầu tư cho tuyến du lịch sông Hồng.

Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch Nguyễn Quý Phương: Sẽ là sản phẩm du lịch hấp dẫn nếu gỡ được vướng mắc

Thực ra mô hình du lịch Sông Hồng hiện nay do Công ty CP Thăng Long GTC triển khai thực sự vẫn đang phải bù lỗ vì còn gặp rất nhiều khó khăn vướng mắc như đầu tư phương tiện thì lớn, bến bãi khó, bản thân cơ chế kinh doanh của tàu du lịch cũng chưa được thực hiện theo cơ chế thị trường chủ động kinh doanh. Tuy nhiên, tương lai khi được tháo gỡ khó khăn về hạ tầng cơ sở vật chất từ phía chính quyền địa phương thì tôi tin đây chắc chắn sẽ là một sản phẩm du lịch hấp dẫn mang đặc trưng Hà Nội để cho các DN du lịch khai thác.

Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist Phùng Quang Thắng: Cần xây các bến tàu, nâng cấp hạ tầng giao thông trung chuyển

Thực chất tour đường thủy là để hiểu những cái trên bờ. Vì vậy, cần phải bố trí để khách tham quan các di tích lịch sử, trải nghiệm ẩm thực, văn hóa 2 bên bờ sông, bờ kênh. Để làm được điều đó phải xây dựng các bến đỗ tàu, nâng cấp hạ tầng giao thông trung chuyển phục vụ khách đến điểm tham quan. Ở những nơi đặc biệt, có thể dùng xe điện hay thậm chí là các phương tiện đơn giản như xe ngựa, xe trâu tận dụng hết những nét văn hóa độc đáo của Việt Nam, tạo ấn tượng cho du khách.

Chủ tịch Câu lạc bộ du lịch UNESCO Trương Quốc Hùng: Nên bày bán các đặc sản, đồ lưu niệm

Du lịch sông Hồng là du lịch đường thủy nên về lâu dài cơ quan quản lý cần phải quy hoạch luồng lạch cụ thể, những luồng lạch nào dành cho các tàu du lịch, tàu vận chuyển, đồng thời quy định về ngày, giờ tàu thuyền có thể đi lại, quy định về tải trọng, chủng loại tàu, biển báo vì điều này liên quan đến vấn đề an toàn cho du khách. Bên cạnh đó, DN khai thác tour sông Hồng cần nâng cấp dịch vụ trên tàu theo hướng bày bán các sản phẩm như đặc sản, đồ lưu niệm... của các vùng miền Đồng bằng sông Hồng qua đó tối ưu hóa lợi nhuận, giá trị gia tăng qua các dịch vụ.

Theo kinhtedothi.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ