Động lực mới cho thị trường BĐS Việt Nam

Động lực mới cho thị trường BĐS Việt Nam
Cục Quản lý Nhà và Thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) vừa công bố quyết định thành lập Ban Điều hành Mạng các sàn giao dịch BĐS miền Bắc với 5 thành viên sáng lập. Đó là CTCP Sàn giao dịch BĐS Việt Nam- Vreex, CTCP Đầu tư Xây dựng Nhà đất- Housing Group, Công ty kinh doanh BĐS Viglacera Land, CTCP dịch vụ hàng không Thăng Long- Taseco và CTCP Eurowindow Holding. Ông Phan Thành Mai, Chủ tịch HĐQT CTCP Sàn giao dịch BĐS Việt Nam làm Trưởng ban.
Thị trường BĐS ngày càng minh bạch
Thị trường BĐS ngày càng minh bạch

Ban Điều hành Mạng các sàn giao dịch miền Bắc có trách nhiệm tổ chức hoạt động cho các sàn giao dịch BĐS thành viên trên cơ sở hoạt động chung của Mạng các sàn giao dịch BĐS Việt Nam tại khu vực miền Bắc. Tính đến thời điểm này, mạng đã có 52 doanh nghiệp thành viên.

Theo ông Phan Thành Mai, Luật Kinh doanh BĐS và Nghị định số 23/2009/NĐ- CP của Chính phủ quy định từ ngày 1/5/2009, các dự án kinh doanh BĐS được Nhà nước phê duyệt phải giao dịch qua sàn. Sự ra đời của Mạng các sàn giao dịch BĐS miền Bắc vào thời điểm này, trước hết đáp ứng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, ý tưởng về việc thành lập mạng các sàn giao dịch BĐS đã được một số doanh nghiệp kinh doanh BĐS đề cập từ vài năm trước. Đây là đòi hỏi tất yếu trong quá trình phát triển của thị trường BĐS Việt Nam.

Ông Mai phân tích, từ góc độ kinh tế vĩ mô của các quốc gia, thị trường BĐS phát triển sẽ mang lại nguồn thu lớn từ thuế vào ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, những năm qua, thị trường BĐS Việt Nam phát triển một cách tự phát và chưa đưa ra được lộ trình chính thống. Điều đó làm yếu đi năng lực vốn có của thị trường BĐS- lĩnh vực đáng lý phải rất mạnh trong một nền kinh tế mà tiến trình đô thị hoá mới ở giai đoạn đầu.

Mạng các sàn giao dịch BĐS ra đời thực sự là bước tiến mới của thị trường BĐS. Qua dó, các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh BĐS có thể kết nối, cùng chia sẻ thông tin về thị trường, giảm thiểu rủi ro cho cả người bán và người mua BĐS. Trên cơ sở đó, cơ quan quản lý nhà nước cũng kiểm soát được quá trình giao dịch, hồ sơ pháp lý của hàng hoá BĐS…

Ông Phạm Ngọc Thanh, Chủ tịch HĐQT CTCP dịch vụ hàng không Thăng Long thì cho rằng, thời gian qua, các công ty kinh doanh BĐS thành lập rất nhiều sàn giao dịch, một số tổ chức dịch vụ BĐS khác cũng thành lập sàn giao dịch BĐS. Trên thực tế, còn rất nhiều bất cập trong việc thành lập các sàn giao dịch BĐS.

Từ cách hiểu phiến diện của chủ đầu tư đã dẫn đến việc thành lập ồ ạt các sàn giao dịch BĐS. Sự ra đời Mạng các sàn giao dịch BĐS sẽ chấm dứt cảnh “mỗi nhà một chợ” trong lĩnh vực kinh doanh BĐS, tạo mối liên kết, thúc đẩy hoạt động mua bán, trao đổi hàng hoá giữa các doanh nghiệp, các nhà đầu tư với khách hàng.

Tiến sĩ Châu Thị Thu Nga, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Xây dựng Nhà đất, Phó trưởng ban điều hành Mạng các sàn giao dịch BĐS miền Bắc cho biết, các thành viên sáng lập đang phối hợp với Cục Quản lý nhà (Bộ Xây dựng) để ban hành tiêu chuẩn về mô hình sàn chuẩn. Việc các thành viên trong mạng nhất trí về các điều lệ, các quy định chung của Mạng sẽ tạo nên sự thống nhất trong hoạt động kinh doanh BĐS, tránh tình trạng “mạnh ai nấy làm” như hiện nay.

Theo GS. TSKH Đặng Hùng Võ, Trưởng khoa Địa chính (Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội), sự ra đời của Mạng các sàn giao dịch BĐS miền Bắc là bước tiến mới trong sự vận động, phát triển của thị trường BĐS Việt Nam. Đây là tiền đề, là điều kiện “cần” để đảm bảo cho thị trường phát triển một cách minh bạch. Tuy vậy, còn một điều kiện nữa, điều kiện “đủ” để thị trường BĐS có thể phát triển là sự công bằng và minh bạch các yếu tố đầu vào của sản phẩm như khả năng tiếp cận đất đai, quy hoạch sử dụng đất, nguyên vật liệu xây dựng... cho doanh nghiệp.

Theo ông, cơ quan chức năng cần đưa ra những quy định cần thiết và đủ mạnh, tạo điều kiện thuận lợi, đảm bảo sự công bằng trong tiếp cận đất đai, giá vật liệu xây dựng, nhân công… của các nhà đầu tư, chứ không đơn thuần là việc quy định họ phải bán sản phẩm như thế nào.

Quang Anh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhiều nhà tuyển dụng e ngại làm việc với “gen Z” vì sự khác biệt thế hệ.

'Gen Z' và 'mác' lười biếng

GD&TĐ - Trên một số diễn đàn, hội nhóm chia sẻ kinh nghiệm làm việc, nhiều nhà tuyển dụng, quản lý cho biết cảm thấy khá e ngại khi làm việc với thế hệ trẻ...