Đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin cho lao động để phục hồi sản xuất

GD&TĐ - Nhiều cơ sở sản xuất cho rằng, nếu không chủ động được nguồn vắc-xin sẽ khiến nền kinh tế tiếp tục rơi vào tình trạng khó phục hồi. Điều này kéo theo DN tốn nhiều chi phí để duy trì sản xuất, mất dần thị trường. 

Cần đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng cho các đối tượng là lao động đang làm việc tại doanh nghiệp.
Cần đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng cho các đối tượng là lao động đang làm việc tại doanh nghiệp.

Khắc phục gián đoạn chuỗi cung ứng

Ông Vũ Tú Thành, Phó Giám đốc điều hành Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN nhận định, nhiều doanh nghiệp đã duy trì tốt sản xuất trong đợt dịch lần thứ 4. Tuy nhiên, các đơn vị không thể hoạt động đơn độc được, phải phụ thuộc vào địa phương. Vì vậy, khi các tỉnh, thành “đóng cửa” thì doanh nghiệp cũng chịu ảnh hưởng chung.

Ông Nguyễn Thanh Ngữ, Tổng Giám đốc Công ty CP Thành Thành Công - Biên Hòa - chia sẻ: “Trong giai đoạn Chính phủ kiểm soát dịch, doanh nghiệp đã xây dựng kịch bản 5 cấp độ ứng phó từ mức độ nhẹ đến nặng. Các cơ sở cũng đã lên phương án khi tạm dừng thì sẽ như thế nào. Để từ đó sẵn sàng nguồn lực về cơ sở y tế, an sinh cho người lao động, rà soát chuỗi cung ứng hàng hóa. Đồng thời có phương án trữ hàng phù hợp để đảm bảo hoạt động thường xuyên liên tục, bất cứ lúc nào. Vì vậy, khi dịch bùng phát lần thứ 4, nhiều doanh nghiệp vẫn duy trì được hoạt động sản xuất, đảm bảo trách nhiệm cung ứng hàng hóa ra thị trường”.

Mặc dù vậy, nhiều đơn vị cũng không tránh khỏi bị tác động lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong đó khó khăn lớn nhất là tổ chức chuỗi cung ứng logistics. Nhiều đơn hàng không đảm bảo hoàn thiện đúng kế hoạch đã bị hủy. Biện pháp chống dịch ở một số địa phương chưa có sự thống nhất về hướng dẫn lưu thông hàng hóa. Việc triển khai tiêm vắc-xin cũng chưa thực hiện đồng bộ.

Trong khi đó, doanh nghiệp không thể đóng cửa “3 tại chỗ” mãi được. Bởi, nhiều đối tác nước ngoài đưa ra điều kiện nếu áp dụng “3 tại chỗ”, họ sẽ không ký lại hợp đồng nữa. Vì vậy, một số cơ sở đã áp dụng mô hình “1 cung đường - 2 điểm đến”, nhưng cũng rất khó khăn.

Để hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19, Chính phủ đã quyết nghị 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Giải pháp đầu tiên là thực hiện quyết liệt, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh phục hồi, duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh gắn với bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.

Chính phủ giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị tiếp tục phân bổ hợp lý, hiệu quả nguồn vắc-xin phòng Covid-19. Bổ sung các đối tượng ưu tiên tiêm, bao gồm người lao động của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh...

Trong tháng 9, Bộ Y tế phải nghiên cứu xây dựng cơ chế, hướng dẫn, tạo điều kiện, khuyến khích doanh nghiệp nhập khẩu vắc-xin. Nhà nước thực hiện việc kiểm tra chất lượng, cấp phép, bảo quản và tổ chức tiêm vắc-xin miễn phí. Cùng với đó là sản xuất vắc-xin, thuốc điều trị Covid-19 trong nước.

Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải hướng dẫn các địa phương thực hiện thống nhất “luồng xanh” vận tải đường bộ và đường thủy toàn quốc. Đảm bảo liên tỉnh, liên vùng để vận chuyển hàng hóa an toàn, thông suốt trên nguyên tắc đơn giản hóa thủ tục, nhanh chóng, thuận lợi. Đồng thời khai thác lợi thế của việc vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt trong chuỗi cung ứng sản phẩm.

Bộ Giao thông Vận tải không được quy định thêm các điều kiện, giấy phép cản trở lưu thông hàng hóa. Đặc biệt đối với hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống người dân và vật tư, nguyên liệu sản xuất. Không để xảy ra tiêu cực, làm tăng chi phí của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.

Đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin cho lao động

Nhiều doanh nghiệp cho biết, tỷ lệ “phủ sóng” vắc-xin quyết định đến số lượng hợp đồng được ký kết. Cụ thể, đối tác sẽ yêu cầu báo cáo về tỷ lệ lao động được tiêm vắc-xin. Nếu số lượng người được tiêm lớn mới ký hợp đồng.

Tại Tọa đàm trực tuyến “Giải pháp giúp doanh nghiệp chủ động thích ứng và sống chung an toàn với Covid-19”, chuyên gia cho rằng, nếu không tự lực được vắc-xin thì những kịch bản kinh tế sẽ bị phá vỡ. Điều này dẫn đến tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng.

Hiện, doanh nghiệp cũng nhận định, không thể đưa Việt Nam trở thành nước không có Covid-19 như trước đây, mà phải xác định sống chung với dịch. Vì vậy, muốn phát triển kinh tế bền vững, lâu dài cần có vắc-xin càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, về lâu dài, doanh nghiệp muốn Chính phủ tin tưởng và trao quyền. Bên cạnh đó, với các quy định mới cần có sự thống nhất và hướng dẫn cụ thể của các bộ, ngành.

Theo đó, cần ưu tiên tiêm vắc-xin cho các doanh nghiệp thuộc các ngành xuất khẩu và sản xuất các sản phẩm thiết yếu. Ví dụ như điện tử, dệt may, da giày, ô tô, thép, chế biến nông sản, thực phẩm...

Mặt khác, cho phép các cơ sở y tế triển khai tiêm chủng có thu phí. Việc này do doanh nghiệp, cá nhân chi trả dưới sự hướng dẫn và giám sát về chuyên môn của cơ quan có thẩm quyền. Đồng thời, bố trí tổ chức tiêm tại chỗ đối với các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp có đủ điều kiện về y tế. Điều này tránh việc tập trung đông người gây mất an toàn phòng dịch.

Hơn nữa, cần yêu cầu địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng cho các đối tượng là lao động đang làm việc tại doanh nghiệp. Từ đó giúp đơn vị duy trì hiệu quả hoạt động sản xuất và yên tâm làm việc.

Liên đoàn Lao động tỉnh Vĩnh Phúc cho biết đã triển khai, hưởng ứng, ủng hộ chương trình “Vắc-xin cho công nhân”. Đồng thời, vận động doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị tham gia ủng hộ công tác phòng, chống dịch Covid-19. Bên cạnh đó, kêu gọi các doanh nghiệp chuẩn bị nguồn kinh phí để mua vắc-xin phòng Covid-19 cho lao động đang làm việc tại doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh. Chủ động tiếp cận với các nguồn vắc-xin hợp pháp, đăng ký với các cấp công đoàn gửi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phân bổ khi được phép mua.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lửa cháy đổ dầu thêm

GD&TĐ - Tổng giá trị gói viện trợ mới nhất Mỹ dành cho Ukraine được Hạ viện nước này phê chuẩn hôm 20/4 vừa qua là 60,84 tỷ USD.