Đà Nẵng tiên phong trong sử dụng ô tô điện

GD&TĐ - TP Đà Nẵng đặt mục tiêu xây dựng 300 trạm sạc xe điện và khuyến khích mua sắm công, sử dụng ô tô điện.

Một trạm sạc nhanh xe ô tô điện của Tổng Công ty Điện lực miền Trung.
Một trạm sạc nhanh xe ô tô điện của Tổng Công ty Điện lực miền Trung.

Đến năm 2030, toàn thành phố sẽ có 300 trạm sạc

Vừa qua, TP Đà Nẵng đã tổ chức Hội nghị công bố Đề án đề xuất các vị trí xây dựng trạm sạc ô tô điện, cơ chế khuyến khích phát triển ô tô điện, trạm sạc ô tô điện trên địa bàn.

Theo đề án, TP Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2025, sẽ xây dựng được 165 trạm sạc xe điện, trong đó có 150 trạm sạc cấp 1,2 có công suất từ 6,6kW - 22kW (trung bình 10kW) và 15 trạm sạch cấp 3 có công suất từ 30kW – 100Kw (trung bình 60kW). Đến năm 2030, toàn thành phố sẽ có 300 trạm sạc, trong đó có 250 trạm sạc cấp 1, 2 và 50 trạm sạc cấp 3, có công suất từ 100kW – 350Kw (trung bình 200kW).

Các trạm sạc xe điện sẽ được đặt tại các bãi đỗ xe, trung tâm thương mại, khu đô thị, trường học, cửa hàng xăng dầu, khu công nghiệp, khu nghỉ dưỡng… phủ khắp thành phố.

Đề án là cơ sở khẳng định vai trò tiên phong của thành phố trong việc xác định các mục tiêu, định hướng phát triển xe điện, trạm sạc ô tô điện trong lĩnh vực hạ tầng giao thông. Thể hiện tầm nhìn của thành phố hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, xây dựng hình ảnh thành phố năng động, xanh, sạch, đẹp.

Tại hội nghị, nhiều chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng, đề án khuyến khích phát triển trạm sạc xe điện, sử dụng xe ô tô điện của TP Đà Nẵng là rất thiết thực. Tuy nhiên, vì là địa phương trong cả nước tiên phong xây dựng đề án về vấn đề này nên vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ.

Cụ thể, ông Nguyễn Anh Toàn - Phó Tổng Giám đốc PV Oil cho rằng, thực tế hiện nay các trạm sạc xe điện tại Đà Nẵng chưa phát huy được hiệu quả do số lượng xe điện vẫn còn hạn chế.

Đề án của TP Đà Nẵng là chủ trương đúng, có tính tiên phong, nhưng để thực hiện đề án có hiệu quả, thành phố phải kêu gọi các bên tham gia, có cơ chế khuyến khích cụ thể để nhà đầu tư “mặn mà” đầu tư trạm sạc điện.

Còn ông Lê Hoàng Hải - Giám đốc Trung tâm phát triển trạm pin, Công ty TNHH Kinh doanh Thương mại & Dịch vụ Vinfast cho rằng, TP Đà Nẵng cần có những cơ chế cụ thể khuyến khích các đơn vị hợp tác phát triển trạm sạc điện tại các bãi đỗ xe cũng như hỗ trợ thủ tục pháp lý, ưu đãi phí sử dụng đất làm trạm sạc.

Tạo điều kiện cho nhà đầu tư khảo sát, đấu nối điện và có phương án bảo đảm cung cấp điện cho trạm sạc. Ban hành các quy định sử dụng trạm sạc điện tại các nơi công cộng…

Từng bước giải quyết các vướng mắc

Khuyến khích mua sắm công, sử dụng xe ô tô điện
Về giải pháp hỗ trợ đầu tư và phát triển dự án, UBND TP Đà Nẵng khuyến khích mua sắm công, sử dụng xe ô tô điện phục vụ tại các sở, ban, ngành, cơ quan Nhà nước trên địa bàn, trên cơ sở phù hợp với quy định tại Nghị định 04/2019 của Chính phủ.
Giao Sở GTVT xây dựng lộ trình đổi xe buýt công cộng chạy bằng xăng, dầu sang sử dụng xe chạy bằng điện; xem xét, có ý kiến về phương án kết nối hệ thống quản lý mạng lưới trạm sạc xe ô tô điện vào hệ thống giao thông thông minh của thành phố.
UBND TP Đà Nẵng đề nghị các đơn vị triển khai chương trình giới thiệu về xe điện, trạm sạc, công nghệ sạc cho xe điện, cách thức vận hành cho cán bộ của TP; xây dựng đội ngũ cán bộ kỹ thuật có trình độ chuyên môn phù hợp để quản lý, vận hành hệ thống giám sát trạm sạc; đẩy mạnh hợp tác quốc tế về công nghệ trạm sạc, thu hút đầu tư của các tập đoàn mạnh về lĩnh vực xe điện từ các nước có quan hệ hợp tác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan.

Tại hội nghị, ông Hồ Kỳ Minh - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho hay, xe điện nói chung, ô tô điện nói riêng, là tương lai của ngành công nghiệp chế tạo xe cơ giới. Nó có những ưu điểm vượt trội như tiết kiệm nhiên liệu, tài nguyên, bảo vệ môi trường, an toàn cho người sử dụng. Đi cùng với sự phát triển của xe điện là việc xây dựng, phát triển các trạm sạc xe điện.

Theo ông Minh, hiện nay tại Việt Nam, số lượng người dân sử dụng xe điện còn hạn chế. Các trạm sạc xe điện cũng chưa hình thành mạng lưới rõ ràng. Hiện Việt Nam mới chỉ có một vài trạm sạc xe ô tô thí điểm trong các chương trình hợp tác thử nghiệm tại Bộ Công Thương.

Trên địa bàn TP Đà Nẵng hiện đang có 4 trạm sạc ô tô điện được nghiên cứu đầu tư, lắp đặt bởi Tổng Công ty Điện lực miền Trung phối hợp với Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) (3 trạm sạc) và Công ty Mitsubishi Motors hợp tác với TP Đà Nẵng (1 trạm sạc).

Ông Minh nhấn mạnh rằng: “Để đẩy mạnh việc sử dụng xe điện trên địa bàn thành phố, trong thời gian tới, cần nghiên cứu các địa điểm khả thi và phù hợp nhằm hình thành được mạng lưới trạm sạc cho các loại xe điện”.

Bà Nguyễn Thị Thúy Mai - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Đà Nẵng cho rằng, Đà Nẵng là địa phương đầu tiên của cả nước có đề án xây dựng và phát triển trạm sạc xe điện nên trong quá trình thực hiện sẽ có những khó khăn.

“Thành phố đã xây dựng những cơ chế, chính sách nhưng vì là lĩnh vực mới nên sẽ từng bước giải quyết các vướng mắc. Trong đó, sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan để nghiên cứu xây dựng chính sách, hỗ trợ lãi suất khi xây dựng trạm sạc điện. Chúng tôi cam kết sẽ hỗ trợ tối đa cho nhà đầu tư để cùng thành phố thực hiện thành công đề án”, bà Mai khẳng định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lửa cháy đổ dầu thêm

GD&TĐ - Tổng giá trị gói viện trợ mới nhất Mỹ dành cho Ukraine được Hạ viện nước này phê chuẩn hôm 20/4 vừa qua là 60,84 tỷ USD.