Công nhân lao đao vì 2 nhà máy thép lớn nhất Đà Nẵng ngưng hoạt động

GD&TĐ - Nhiều tháng nay, 2 nhà máy Dana Ý và Dana Úc (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) phải tạm ngưng sản xuất hoặc hoạt động cầm chừng do TP Đà Nẵng chưa có chủ trương rốt ráo.

Bên ngoài nhà máy thép Dana Ý vắng vẻ vì ngưng hoạt động
Bên ngoài nhà máy thép Dana Ý vắng vẻ vì ngưng hoạt động

Đồng thời, người dân xã Hòa Liên cũng tụ tập không cho nhà máy hoạt động do gây ô nhiễm. Đời sống của hơn 1.000 công nhân lâm vào cảnh khốn khó, phải chạy ăn từng bữa.

Công nhân khổ vì...…sự loay hoay

Những ngày này, khi đến khu vực 2 nhà máy thép ở cụm công nghiệp Thanh Vinh, xã Hòa Liên thì không nghe được tiếng ồn hay bất cứ hoạt động nào bởi xưởng sản xuất đóng cửa im lìm. Bên ngoài cổng luôn có nhiều người dân xã Hòa Liên túc trực không cho công nhân hay xe tải vào trong hoạt động bởi cho rằng nhà máy thép gây ô nhiễm cho đời sống của họ. Chính quyền TP Đà Nẵng lúc này vẫn đang đi tìm hướng giải quyết cho hai nhà máy thép, đi hay ở để đảm bảo quyền lợi của cả người dân lẫn doanh nghiệp.

Bà Đinh Thị Thanh Hà, Phó chủ tịch LĐLĐ TP Đà Nẵng: “Trong suốt thời gian 2 nhà máy ngưng hoạt động thì doanh nghiệp vẫn trả lương cho người lao động theo mức lương tối thiểu vùng. Chính vì thế, quyền lợi của các công nhân thuộc 2 nhà máy không bị vi phạm nhưng bị ảnh hưởng do không có thu nhập. Ngoài ra, 2 công ty trên cũng không nợ BHXH và doanh nghiệp chốt sổ đầy đủ nếu người lao động có nguyện vọng nghỉ việc”.

 

Phía sau đó là câu chuyện của hơn 1.000 công nhân thuộc hai nhà máy thép này. Không sản xuất đồng nghĩa với không có việc làm và không có thu nhập nhiều tháng liền. Nhiều người trong số đó phải chạy vạy, đi kiếm những công việc thời vụ để lấy tiền nuôi sống gia đình mà bấy lâu nay họ là nguồn thu nhập chính. Phần lớn công nhân ở hai nhà máy này là nam ở độ tuổi trên 35.

Dù ai cũng đang lâm vào hoàn cảnh khó khăn do mức lương hỗ trợ chỉ vài trăm ngàn/tháng, không đủ để đắp đổi những nhu cầu tối thiểu nhưng anh em công nhân nhà máy thép Dana Ý đều cám cảnh trước gia cảnh ngặt nghèo của anh Trần Hậu (SN 1973, công nhân xưởng cán 3).

người địa phương, ở ngay xã Hòa Liên, anh Hậu được nhận vào làm công nhân cho nhà máy thép đã 16 năm nay và cũng là lao động chính của nhà. Sinh 3 đứa con nhưng 2 đứa con trai của anh Hậu đều bệnh tật từ nhỏ. “Đứa con trai đầu khi được một tuổi thì lên cơn sốt, co giật rồi bị động kinh và kể từ đó thần kinh không còn được bình thường nữa. Đến đứa con trai út cũng rơi vào tình cảnh tương tự nên cuộc sống của gia đình tôi vô cùng túng bấn.

Cả hai đứa đều bệnh tật, cần có người trông coi nên vợ tôi phải nghỉ làm để chăm con”. Mọi chi tiêu trong nhà của 5 nhân khẩu đều trông cả vào đồng lương công nhân của anh Hậu. “Khi nhà máy dừng hoạt động, trong xóm có việc gì kêu tôi đều nhận làm hết, miễn là có đồng ra đồng vào đong gạo cho con còn tiền thuốc thang thì coi như tạm ngưng. Nhưng mà việc ít, người nhiều vì dân ở đây làm công nhân trong nhà máy cũng đông. Mấy nay cũng theo chân phụ hồ nhưng được vài bữa thì cũng sắp vào mùa mưa rồi” - anh Hậu buồn bã.

Bữa ăn sáng của hai đứa con bệnh tật của anh Hậu là nồi cháo trắng
  • Bữa ăn sáng của hai đứa con bệnh tật của anh Hậu là nồi cháo trắng

Khó trụ với đồng lương trợ cấp

Ông Phạm Đức Bình (trọ tại đường Âu Cơ cạnh cụm công nghiệp Thanh Vinh) thở dài khi nghe chúng tôi hỏi về những khó khăn khi nhà máy ngưng hoạt động. Gần 50 tuổi, có thâm niên hơn 20 năm làm việc tại xưởng cán của nhà máy thép Dana Ý, người đàn ông là trụ cột của gia đình bỗng dưng rơi vào cảnh thất nghiệp.

Lương của ông Bình mỗi tháng dao động từ 6 - 7 triệu đồng, thêm 3,5 triệu đồng lương công nhân may mặc của người vợ, gia đình ông phải tằn tiện hết mức có thể để nuôi hai đứa con đang đi học phổ thông và chăm sóc người cha già đau ốm, bệnh tật. “Giờ mọi thứ đều trông cả vào đồng lương công nhân của bà vợ. Mà tiền thuê nhà trọ cũng đã hết 1,5 triệu/tháng rồi, còn điện nước, dầu gạo mắm muối, tiết kiệm cách chi cũng không đủ”. Ông Bình chạy vạy khắp nơi để tìm việc nhưng “thời buổi việc ít nhiều người, đến chạy xe ôm giờ cũng khó kiếm khách” - ông Bình thở dài.

“Đi thì không được mà ở cũng không xong” là tình cảnh của hai nhà máy thép Dana Ý và Dana Úc khiến cho không chỉ doanh nghiệp mà đời sống của hơn 1.000 công nhân lao đao, khốn khó. Ông Bình tâm sự, giờ tuổi cũng không còn trẻ nữa mà lao động phổ thông hầu hết là những việc làm thời vụ, thu nhập không ổn định. “Cả gần nửa đời người gắn bó với nhà máy thép, giờ mà rời ra bọn tôi cũng không biết làm gì khi tuổi lao động cũng không còn nhiều nữa” – nói đến đây, ông Bình nghẹn lời.

Ông Lê Văn Bình, Chủ tịch BCH Công đoàn Công ty CP Thép Dana Ý cho biết, trong số 900 công nhân của nhà máy thì đã có gần 100 công nhân không trụ được đã làm đơn xin nghỉ việc. Công ty đã giải quyết quyền lợi và chốt sổ bảo hiểm cho những trường hợp này.

Cũng theo ông Bình, hiện tại đời sống công nhân toàn công ty đang lao đao bởi không có thu nhập. “Nếu để tình trạng này kéo dài rất dễ gây nên những phản ứng tiêu cực trong công nhân. Chúng tôi đã có thư kêu gọi anh em công nhân phải bình tĩnh chờ quyết sách của lãnh đạo thành phố. Tuy nhiên, nếu tiếp tục kéo dài việc ngưng sản xuất, tôi nghĩ những phản ứng tiêu cực của công nhân sẽ khó tránh khỏi và việc này nằm ngoài tầm kiểm soát của lãnh đạo công ty” - ông Bình lo lắng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh tỉnh Điện Biên hào hứng với trải nghiệm đẩy xe đạp thồ. Ảnh: Báo Điện Biên.

Xây dựng những 'đại sứ' lịch sử

GD&TĐ - Nhiều địa phương, trường học tổ chức các hoạt động giáo dục hướng tới kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024).
Minh họa/INT

Truyền cảm hứng

GD&TĐ - Lịch sử là môn học góp phần giúp học sinh hình thành nhân cách, nhân sinh quan cũng như lòng yêu nước, ý thức xây dựng, bảo vệ Tổ quốc...