Còi xe ta, ta bấm...

Còi xe ta, ta bấm...
(GD&TĐ) - Cách đây vài ngày, đi trên đường Nguyễn Hữu Thọ, TP Đà Nẵng, tôi chứng kiến cảnh tượng một chiếc xe tải rú còi liên tục để vượt qua bằng được người và xe cộ đang lưu thông phía trước. Hậu quả là cặp vợ chồng trung niên đi xe máy mang biển số 92 (Quảng Nam) đã giật mình, cuống cuồng tránh tay lái qua bên, va vào một xe khác ở bên phải đi tới; cả hai ngã xuống mặt đường. Trong khi đó, chiếc xe tải vẫn mặc nhiên phóng nhanh, không cần biết nguyên nhân của tai nạn là do mình gây ra.
Hãy tự ý thức trước khi sử dụng còi xe (Ảnh internet)
Hãy tự ý thức trước khi sử dụng còi xe (Ảnh internet)
Nghị định Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ đã có những quy định mức phạt cụ thể về xử lý ô nhiễm tiếng ồn, trong các trường hợp “Bấm còi hoặc gây ồn ào, tiếng động lớn làm ảnh hưởng đến sự yên tĩnh trong đô thị và khu đông dân cư trong thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 5 giờ ngày hôm sau, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định (khoản 1 điều 8), và “Bấm còi, rú ga liên tục; bấm còi hơi, sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị, khu đông dân cư, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định” (khoản 2 điều 8). Luật Bảo vệ môi trường  cũng quy định nghiêm cấm hành vi gây tiếng ồn vượt quá tiêu chuẩn cho phép. Thế nhưng, trong thực tế, rất hiếm trường hợp các hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn bị xử phạt thích đáng. Chẳng hạn như trong trường hợp chiếc xe tải rú còi liên tục như trên, ắt hẳn tài xế đã nắm chắc không có cảnh sát giao thông. Người tham gia giao thông không thể bắt buộc xe tải dừng vì không đủ chứng cứ. Hậu quả, người đi xe máy phải gánh chịu. 
Ở lĩnh vực giao thông khó xử lý ô nhiễm tiếng ồn đã đành; trong sinh hoạt hàng ngày, xử lý tiếng ồn cũng lại là câu chuyện dài kỳ. Loa phóng thanh, kèn, chiêng chống… tất cả những vật dụng này đều có thể là “thủ phạm” phá vỡ sự yên tĩnh cần thiết cho con người. Ở những thành phố lớn, thị xã thị trấn, thậm chí ở cả một góc làng quê đông đúc nào đó, các cơ sở kinh doanh ngày càng xuất hiện nhiều hơn. Không chỉ có những quán café mở nhạc sập sình ngày đêm ngày mà nhiều cửa hàng thời trang, mỹ phẩm, cửa hàng điện tử, điện thoại… cũng mặc nhiên đặt loa công suất lớn để mở nhạc mạnh, ra rả quảng cáo. Rồi liên hoan, đám cưới, đám hỏi, người ta mặc sức mở loa, hát hò, nhảy múa.
Không ít người khó chịu, mệt mỏi trong những trường hợp như vậy, nhưng rồi cũng đành bỏ qua vì không biết phải kêu ai. Trong thực tế, đã xảy ra tình trạng mất đoàn kết dai dẳng giữa hàng xóm láng giềng bởi sự ô nhiễm tiếng ồn quá mức. Đa số các cán bộ phải xử lý những trường hợp có phản ánh của người dân đều cho rằng, việc kiểm tra, xử phạt gây tiếng ồn rất khó khăn. Thường là khi tới nơi, cơ sở hoạt động kinh doanh đã biết và đối phó kịp thời, không có tang chứng để mà xử phạt.
Mặt khác, nếu có tang chứng thì lại phải lập biên bản ghi rõ mức độ tiếng ồn vượt mức cho phép mới có thể xử phạt được. Cụ thể, các tổ chức, cá nhân gây ra tiếng ồn phải tuân thủ mức giới hạn tối đa cho phép về tiếng ồn (theo mức âm tương đương) như sau: Trong thời gian từ 6 giờ đến 21 giờ, giới hạn tối đa cho phép về tiếng ồn ở khu vực đặc biệt là 55 dBA, ở khu vực thông thường là 70 dBA. Trong thời gian từ 21 giờ đến 6 giờ, giới hạn tối đa cho phép về tiếng ồn ở khu vực đặc biệt là 45 dBA, ở khu vực thông thường là 55 dBA. Vậy, khi xảy ra tiếng ồn, ai là người có chuyên môn để mà đo được, để xác định có vượt quá quy chuẩn hay không?
Trong hàng loạt các thứ ô nhiễm do môi trường mang lại, ô nhiễm tiếng ồn là một trong những mối đe dọa nguy hiểm cho sức khỏe con người, gây mệt mỏi, căng thẳng, giảm hiệu suất làm việc, dẫn đến giảm tuổi thọ. Thiết nghĩ trong khi các cơ quan chức năng tìm giải pháp tốt nhất để xử lý và khắc phục ô nhiễm tiếng ồn, mỗi người dân phải tự ý thức được sự nguy hại của nó đối với bản thân và cộng đồng.
Hồng Thúy

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ