Cai nghiện hiệu quả bằng Methadone

Cai nghiện hiệu quả bằng Methadone

Sau 5 năm, toàn quốc hiện có 61 cơ sở điều trị Methadone tại 20 tỉnh, thành phố với tổng số bệnh nhân gần 14.000 người. Việc triển khai chương trình này không chỉ tác động đến tình trạng sức khoẻ thể chất, tâm thần và chất lượng cuộc sống mà còn tác động trực tiếp đến tình hình an ninh, trật tự xã hội và kinh tế.

Một cơ sở điều trị cai nghiện bằng Methadone tại Hải Phòng
Một cơ sở điều trị cai nghiện bằng Methadone tại Hải Phòng

Tỷ lệ bệnh nhân bỏ điều trị thấp

Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết liều điều trị Methadone của bệnh nhân tại Việt Nam dao động khá nhiều và khác biệt giữa bệnh nhân dùng thuốc ARV và không dùng thuốc ARV. Trong suốt thời gian triển khai chương trình, tại các cơ sở điều trị không có bệnh nhân nào tử vong do quá liều hoặc do tác dụng không mong muốn của thuốc gây ra.

Theo nghiên cứu của Bộ Y tế với trên 1.000 bệnh nhân ở cơ sở điều trị tại 2 thành phố (Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Hải Phòng), tỷ lệ bệnh nhân tuân thủ điều trị là 93,2% sau 12 tháng và 96% sau 24 tháng điều trị; đặc biệt, sau 24 tháng điều trị Methadone chỉ còn 15,87% bệnh nhân tiếp tục sử dụng heroin (trước điều trị là 100%).

Thời gian bệnh nhân tham gia điều trị Methadone càng dài thì mức độ ổn định về sức khoẻ thể chất, tâm thần và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân càng cao; đồng thời, tình hình trật tự, an ninh xã hội và an toàn cộng đồng dân cư cũng được cải thiện đáng kể.

Cụ thể là: Sau 24 tháng điều trị, tỷ lệ bệnh nhân có nguy cơ trầm cảm giảm từ 80% xuống còn 15%, tỷ lệ bệnh nhân có các hành vi vi phạm pháp luật đã giảm từ 40,8% xuống còn 1.34%, tỷ lệ bệnh nhân có những hành vi ảnh hưởng đến cuộc sống bản thân và gia đình (cầm cố đồ đạc, nói dối hoặc cưỡng ép người thân để có tiền sử dụng ma túy...) giảm nhanh từ 90,36% trước điều trị xuống còn 2,27%...

Giảm chi phí đối với các gia đình có người nghiện

Cục Phòng, chống HIV/AIDS khẳng định tham gia điều trị thay thế bằng thuốc Methadone làm giảm đáng kể chi phí đối với các gia đình có người nghiện chất dạng thuốc phiện do người nghiện chất ma túy không mất tiền mua ma túy và điều trị các bệnh lý khác do sử dụng ma túy gây ra.

Sau khi điều trị, người bệnh không còn bị ám ảnh bởi việc tìm kiếm ma túy; không phải chịu tác động của các triệu chứng đói thuốc nên tập trung tâm trí tìm việc làm và được gia đình tin tưởng. Trước điều trị chỉ có 64,04% bệnh nhân có việc làm và sau 24 tháng điều trị đã có 75,9% bệnh nhân tìm được việc làm.

Với gia đình, theo thống kê báo cáo của các cơ sở điều trị tại 3 địa phương (Hải Phòng, Cần Thơ và Đà Nẵng), thu nhập bình quân do bệnh nhân có việc làm hàng tháng tăng từ 2,6 tiệu đồng/tháng sau 6 tháng điều trị lên đến 3,2 triệu đồng/tháng sau 24 tháng điều trị.

Bên cạnh đó, chương trình điều trị thay thế bằng Methadone còn mang lại hiệu quả kinh tế cao. Theo kết quả điều tra nhanh của 11 tỉnh, thành phố cho thấy trước khi tham gia chương trình Methadone, trung bình 1 bệnh nhân tiêu tốn 230.000 đồng/ngày để mua heroin (khoảng 84 triệu đồng/năm). Như vậy, với 13.000 bệnh nhân đang được điều trị tại 11 tỉnh, thành phố, chương trình đã tiết kiệm được cho bệnh nhân 1.092 tỷ đồng/năm.

Khoảng 80.000 người nghiện chích ma túy sẽ được điều trị thay thế bằng thuốc Methadone

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định việc triển khai điều trị thay thế bằng thuốc Methadone trên thế giới đã được triển khai trên 54 năm và mang lại hiệu quả điều trị rất đáng kể.

Tại Việt Nam, hiệu quả đầu tiên là tạo ra sự ổn định về mặt chính trị an toàn xã hội cũng như hiệu quả về y tế hết sức rõ rệt, cải thiện kinh tế, việc làm, đảm bảo đời sống và đem lại hạnh phúc cho các gia đình. Chính vì vậy, Chính phủ đã có Nghị định số 96/2012/NĐ-CP (15/11/2012) Quy định về điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế.

Trước đó, Bộ Y tế đã có kế hoạch mở rộng chương trình điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone giai đoạn 2010-2015 với mục tiêu điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone cho khoảng 80.000 người nghiện chích ma túy tại 30 tỉnh, thành phố vào năm 2015.

Để đáp ứng nguồn nhân lực cho mục tiêu này, thời gian tới, Bộ Y tế giao nhiệm vụ đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật cho các đơn vị có chức năng đào tạo và chỉ đạo tuyến; đào tạo cho cán bộ công tác tại cơ sở điều trị theo Hướng dẫn của Thông tư số 07 - Bộ Y tế quy định về đào tạo liên tục cho cán bộ y tế; hỗ trợ kỹ thuật cho các cơ sở điều trị; đồng thời khuyến khích các viện, trường thuộc hệ thống y tế và sức khoẻ tâm thần có nhu cầu và sẵn sàng về nhân lực tham gia đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật cho chương trình.

Theo Vietnam+

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ