“Biến” lục bình thành bộ sưu tập thời trang giá bạc triệu

GD&TĐ - Chị Trần Thị Ngọc Nhi (27 tuổi, ngụ ấp Tịnh Mỹ, xã Tịnh Thới, TP Cao Lãnh, Đồng Tháp) đã “biến” lục bình thành những chiếc túi có kiểu dáng thời trang hàng hiệu. Hiện các sản phẩm thủ công mỹ nghệ sáng tạo này có mặt khắp các tỉnh, thành trong cả nước và còn được xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Úc, Canada, Nhật Bản...

Chị Trần Thị Ngọc Nhi bên sản phẩm làm từ lục bình.
Chị Trần Thị Ngọc Nhi bên sản phẩm làm từ lục bình.

Sản phẩm thời trang từ thiên nhiên

Nhi kể, nghề trồng và đan lục bình là nghề gia truyền của gia đình xuyên suốt hơn 20 năm qua, nhờ cây lục bình mà chị em của của Nhi được ăn học tới nơi tới chốn. Lúc nhỏ, chị thường phụ mẹ đan lục bình gia công cho công ty, thấy mẹ thức khuya dậy sớm, miệt mài đan lục bình bằng cái “tâm” và nhiệt huyết với nghề đã  truyền “lửa” nghề cho chị.

Những năm 2011 - 2012, nghề đan lục bình gia công bước vào giai đoạn khó khăn, các doanh nghiệp thu mua sản phẩm đan gia công ép giá, hàng về không liên tục khiến cho những người thợ đan như gia đình chị Nhi gặp nhiều khó khăn. Điều đó khiến chị luôn trăn trở và ấp ủ dự định làm hàng gia công với những sản đổi mới từ lục bình thành những phụ kiện thời trang và vật dụng nội thất cao cấp hơn… để tự mình bán ra thị trường, không phải phụ thuộc vào doanh nghiệp.

Năm 2015, chị Nhi tốt nghiệp chuyên ngành Tài chính Ngân hàng tại Trường Đại học Đồng Tháp. Nhưng không chọn gắn bó với nghề làm nhân viên ngân hàng mà quay về khởi nghiệp với nghề làm thủ công mỹ nghệ từ cây lục bình, tiếp nối nghề truyền thống của gia đình.

Theo chị Nhi, trước đây, cây lục bình đối với người nông dân không có lợi ích gì nhiều, trái lại còn gây bao phiền toái, làm cản trở sự lưu thông trên sông rạch, làm nghẽn dòng chảy của các công trình thủy lợi. Thế nhưng, những năm gần đây, cây lục bình bỗng lên ngôi, trở thành cây nguyên liệu phục vụ cho ngành thủ công mỹ nghệ xuất khẩu, được khách hàng nước ngoài ưa chuộng.

Với đặc tính dẻo dai khi phơi khô, dễ đan hoặc quấn quanh các khung gỗ, sắt, các nhà sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ đã dùng cây lục bình phơi khô làm thảm, bàn ghế, tủ kệ và một số sản phẩm khác dùng để trang trí nội thất thay thế cho các loại nguyên liệu mây, tre, cói... ngày càng khan hiếm.

Từ nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương chị Nhi bắt tay vào sản xuất và sáng tạo ra những mẫu sản phẩm mới, phá cách và tiện dụng cho người tiêu dùng để trụ vững trên thị trường. Ban đầu, với những kỹ thuật đan được tích lũy từ quá trình sản xuất hàng gia công cho doanh nghiệp, chị đã biến tấu và đan thành những chiếc túi đeo thời trang đầu tiên.

Do không có nhiều kinh nghiệm về thiết kế thời trang nên chị Nhi cất công đi tham quan nhiều xưởng làm đồ thủ công mỹ nghệ tại địa phương và tích lũy thông tin từ báo đài, mạng internet. Tiếp thu xu hướng sử dụng đồ handmade của thế giới để từ đó làm ra sản phẩm theo xu hướng của thị trường.

Ban đầu, khi sản xuất sản phẩm gặp khá nhiều khó khăn, khi đã phác họa sản phẩm trên giấy, nhưng đến khi bắt đầu gia công phải làm đóng phom (form) cho túi như thế nào để đúng với bản phác thảo. Đến khi làm ra sản phẩm, phải xử lý như thế nào để đảm bảo độ bền và độ màu của lục bình. Bằng sự quyết tâm và đam mê với nghề chị Nhi đã thành công khi làm ra một sản phẩm hoàn thiện.

Tuy nhiên, lại gặp khó về đầu ra của sản phẩm, tiếp cận thị trường và khách hàng. Ban đầu, sản phẩm nhận phải sự nghi ngại về độ bền, chất lượng… Chị Nhi phải thuyết phục bằng cách tự trải nghiệm sử dụng sản phẩm để biết rõ ưu khuyết điểm tư vấn cho khách và giới thiệu sản phẩm thông qua những phiên hội chợ, xúc tiến thương mại với các tỉnh, thành. Song song đó là sự tiện ích và thân thiện với môi trường, bảo vệ sức khỏe của người sử dụng ngày càng được ưa chuộng nên sản phẩm tiếp cận được với khách hàng và ngày càng được nhiều người biết đến.

Chị Nhi luôn thiết kế, sản xuất nhiều sản phẩm đa dạng mẫu mã nên được nhiều khách hàng ưa chuộng.
Chị Nhi luôn thiết kế, sản xuất nhiều sản phẩm đa dạng mẫu mã nên được nhiều khách hàng ưa chuộng.

Đưa lục bình xuất ngoại

Từ sự độc đáo và tinh tế trong từng sản phẩm, những chiếc túi handmade được làm từ lục bình của chị Nhi được nhiều cửa hàng lớn, khu du lịch biết tới. Vượt qua những khó khăn bước đầu, chị tiếp tục tự nghiên cứu và trau dồi thêm các kiến thức về thời trang. Nắm bắt kịp thời các xu hướng thời trang mới trong và ngoài nước, để từ đó có những mẫu túi thiết kế phù hợp với thị hiếu của thị trường.

Nếu như buổi đầu chị Nhi ra mắt thị trường chỉ vài ba mẫu túi xách thô sơ, thì hiện nay bộ sưu tập túi xách thời trang đã tăng lên trên 400 mẫu các loại. Các mẫu túi xách một phần do khách hàng đặt, còn phần lớn là do chị phác thảo túi xách theo xu hướng hiện đại. Từ họa tiết, khung túi, dáng túi phù hợp với xu hướng thời trang của Việt Nam và thế giới.

Ngoài việc cung cấp cho thị trường các mẫu túi xách thời trang, chị Nhi còn cung cấp cho thị trường nhiều sản phẩm đồ gia dụng phục vụ cho nhu cầu trang trí nội thất, gia dụng như: ghế ngồi, thảm lót sàn, đế lót ly... Ngoài ra, cơ sở còn cung cấp nhiều sản phẩm sang trọng phục vụ cho trang trí nội thất tại các khu resort, khách sạn.

Bà Nguyễn Thị Nga, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Đồng Tháp cho biết: “Đối với vùng ĐBSCL và vùng miền Tây Nam Bộ có rất nhiều cơ sở sản xuất những sản phẩm từ lục bình, cho nên nguyên liệu này không phải là mới. Nhưng Nhi lại biết làm mới từ những nguyên liệu cũ, đó là điều gây ấn tượng cho khách đến tham quan và tìm đối tác tiêu thụ sản phẩm. Theo kinh nghiệm hơn 25 năm làm trong ngành du lịch, tôi thấy các cơ sở thiên về du lịch sinh thái, nhà hàng, khách sạn… đang hướng tới các trang thiết bị cho sản phẩm môi trường và sản phẩm của Nhi có tương lai, tiềm năng rất lớn không những cho du lịch tại địa phương mà còn là sản phẩm du lịch Việt Nam”.

Từ những chất liệu có trong tự nhiên, qua đôi tay khéo léo đã “biến” thành những sản phẩm độc đáo, thời trang, đầy tính thẩm mỹ. Để hoàn thiện một sản phẩm từ bản vẽ phác thảo phải trải qua nhiều công đoạn như: sơ chế, phơi khô, xử lý chống ẩm mốc, tạo hình, trang trí… để tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh đưa ra thị trường. Vì vậy, khi hoàn thành sản phẩm của chị Nhi không bị khô cứng mà căng tràn nhựa sống như một sản phẩm thiên nhiên tươi đẹp.

Theo chị Nhi, ưu điểm của túi xách lục bình so với một túi da thông thường là nó vẫn có kiểu dáng như một chiếc túi da, sợi lục bình là một sản phẩm từ thiên nhiên ban tặng và mang một nét rất riêng cho sản phẩm du lịch ở Đồng Tháp. Đây là nguồn tài nguyên bản địa ở miền Tây đều kiếm được, sợi dẻo dai, không chất độc hại và khi sử dụng một thời gian khi bỏ ra môi trường bên ngoài là nguyên liệu tự hủy thành chất hữu cơ có lợi cho cây trồng.

Năm 2016, chị Nhi đã thành lập cơ sở thủ công mỹ nghệ Sen Việt, giải quyết việc làm cho hơn 20 lao động làm việc tại xưởng và hàng trăm lao động tại địa phương và các tỉnh, thành lân cận với thu nhập từ 3 - 4,5 triệu đồng/người. Mỗi tháng cung cấp cho thị trường từ 5.000 - 10.000 sản phẩm các loại. Với giá bán từ vài chục đến vài trăm ngàn đồng trên mỗi sản phẩm, đem lại khoảng thu nhập hơn 100 triệu đồng/tháng.

Theo chị Nguyễn Ngọc Tiền, ngụ tại địa phương, cái nghề đan lục bình này biết tới nay cũng hơn 10 năm, nhưng trước đây gia công ở ngoài chỉ làm sọt… Đến khi Nhi thành lập cơ sở sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ với những đổi mới trong từng sản phẩm lục bình thì giúp ích cho nhiều lao động địa phương có công ăn, việc làm, có thu nhập khá hơn để lo cho gia đình, con cái đi học.

Hiện nay nhu cầu sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, có nguồn gốc thiên nhiên đang được thị trường ưa chuộng. Vì vậy, khả năng tăng trưởng của mặt hàng khởi nghiệp này trong tương lai vẫn rất khả quan.

Để xây dựng cho mình kênh bán hàng cũng như lượng khách hàng ổn định, ngoài việc tiếp thị sản phẩm theo cách truyền thống, chị Nhi còn tận dụng các kênh mạng xã hội như: Zalo, Facebook, Youtube để giới thiệu sản phẩm để mọi người biết đến. Hiện các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của chị có mặt khắp các tỉnh, thành trong cả nước và còn được xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Úc, Canada, Nhật Bản và các Tiểu vương quốc Ả Rập...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ