Bao giờ hết độc quyền ngành điện?

Bao giờ hết độc quyền ngành điện?

(GD&TĐ)-Đó là câu chất vấn của đại biểu Bùi Mạnh Hùng (đoàn Bình Phước) mở đầu phiên chất vấn Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng trong sáng nay (14/6) tại hội trường.

đ
Đại biểu Bùi Mạnh Hùng (đoàn Bình Phước) nêu câu hỏi chất vấn

Đại biểu Bùi Mạnh Hùng đề nghị Bộ Công thương cho biết trách nhiệm trong việc để tồn tại quá lâu dài sự độc quyền? Giải thích yêu cầu xóa độc quyền điện là cấp bách nhưng lộ trình lại kéo dài 17 năm. Giải pháp nào để rút ngắn lộ trình?

Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, theo lộ trình xóa bỏ độc quyền ngành điện thì đến ngày 1/7/ 2012 sẽ thị trường phát điện cạnh tranh bắt đầu được vận hành, năm 2014 hình thành thị trường bán buôn điện cạnh tranh, đến năm 2022 sẽ thực hiện thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Hiện nay, hoạt động truyền tải điện vẫn do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thực hiện, về phát điện, ngoài EVN còn có một số doanh nghiệp khác gồm Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam… tham gia.

Cũng theo ông Hoàng, thời gian tới, theo chỉ đạo của Chính phủ và chủ trương tái cơ cấu, Bộ Công thương sẽ phối hợp các bộ ngành để tham mưu phù hợp hơn. Hiện các bước đi đã có là tách khâu truyền và phân phối của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng như đã đã thành lập ba tổng công ty phát điện độc lập tách khỏi EVN, tiền đề để thị trường phát điện cạnh tranh.

Bộ
Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng trả lời chất vấn

Lý giải về lộ trình thực hiện kéo dài, theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng vì điện là mặt hàng đặc biệt liên quan đến đời sống của người dân và sản xuất nên phải có bước đi thận trọng. Thời gian tới, trong quá tình tái cơ cấu Bộ Công Thương sẽ tham mưu Chính phủ có bước phù hợp hơn.

Tuy nhiên, đại biểu Bùi Mạnh Hùng cho rằng dự thảo Luật Điện lực mới đây được Bộ trình chưa thấy dòng nào đề cập đến xoá bỏ độc quyền cho ngành điện. Đại biểu Hùng lấy ví dụ ngành bưu chính viễn thông đã từng được coi là độc quyền, nhưng nay đã xoá bỏ được và mang lại nhiều quyền lợi cho người dân, liệu Bộ Công Thương có thể rút ngắn hơn lộ trình này.

Với tinh thần cầu thị, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết: “Việc rút ngắn lộ trình còn phụ thuộc vào điều kiện thị trường, câu chuyện điều chỉnh nghe đơn giản, nhưng mỗi lần tính toán điều chỉnh luôn có sự phản ứng khác nhau, Bộ sẽ tiếp thu và nếu có điều kiện rút ngắn được phân khúc này bộ sẽ rút ngắn”. Cũng theo Bộ trưởng, xoá bỏ thị trường độc quyền không chỉ nằm trong luật mà nằm trong nhiều văn bản khác, đây là vấn đề đồng bộ.

Làm rõ thêm vấn đề chống độc quyền ngành điện, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải cho biết Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ liên quan tham gia tích cực, không có việc nơi lỏng hay thiếu trách nhiệm. Thủ tướng yêu cầu quá trình triển khai phải thực hiện qua các bước hết sức thận trọng, việc xoá bỏ độc quyền đồng thời phải đáp ứng yêu đáp ứng đủ nhu cầu điện, không gây hỗn loạn cho thị trường điện.

Liên quan đến phát triển thủy điện, đại biểu Nguyễn Thanh Thụy (Bình Định), Nguyễn Văn Minh (TPHCM), tập trung vào vấn đề hiện có nhiều thủy điện nhỏ, bên cạnh hiệu quả về an ninh năng lượng nhưng các thủy điện này cũng để lại nhiều hậu quả như phá rừng; hạn hán mùa khô, lũ mùa mưa, mất đất sản xuất.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng, Việt Nam có hệ thống sông ngòi nhiều, việc phát triển thủy điện là để thực hiện chức năng cung cấp điện cho nền kinh tế, chống lũ mùa mưa, cáp nước mùa khô. Việc triển khai, khai thác các công trình thủy điện lớn đa mục tiêu là hết sức quan trọng do Việt Nam đang phải nhập khẩu nguồn năng lượng này. Trước việc thủy điện phát sinh các tiêu cực, ông Hoàng nhìn nhận, việc này là trách nhiệm của Bộ Công thương cùng các bộ, địa phương và phải làm sao tìm được giải pháp phát huy tận dụng lợi thế, hạn chế tối đa tiêu cực.

Thời gian qua, Bộ Công thương đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra công trình thủy điện ở miền Trung, Tây Nguyên, nơi tập trung nhiều thủy điện nhỏ và đã loại 52 công trình không đáp ứng yêu cầu. Thời gian tới sẽ tiếp tục kiểm tra và loại công trình không khả thi. Cũng theo ông Hoàng, khắc phục các bất cập của thủy điện, Bộ Công thương đã tiến hành rà soát quy hoạch, yêu cầu chủ đầu tư tuân thủ nghiêm túc quy định về phát điện, phòng lũ, cấp nước theo quy trình điều tiết hồ chứa đã được phê duyệt. Các chủ dự án phải tuân thủ, nếu sai phải khắc phục theo nguyên tắc: nếu lấy 1ha rừng phải trồng trả lại 1ha; di dời dân đến nơi ở mới phải đảm bảo cuộc sống tốt hơn nơi cũ.

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về an toàn của đập thủy điện Sông Tranh 2, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng khẳng định: “Đến giờ phút  này, chưa có cơ sở để nói rằng không an toàn. Trách nhiệm của chúng ta là đảm bảo an toàn cho công trình tuyệt đối an toàn cho khu vực hạ lưu của thủy điện Sông Tranh 2. Nếu phát hiện không an toàn sẽ kiên quyết dừng”.

Bổ sung cho phần trả lời này, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: “Cá nhân tôi khẳng định đập đã an toàn vì 3 lý do. Thứ nhất, thiết kế an toàn (thiết kế đã được nhà tư vấn độc lập Nhật Bản Nippon and Gpower khẳng định); thứ hai, nền của đập là đá granite. Một trong 3 yếu tố gây ra vỡ đập thì 2 yếu tố này đã phủ định rồi. Yếu tố thứ ba là  thi công (thi công chỉ gây vỡ đập khi không đảm bảo chất lượng bê tông). Yếu tố này đã an toàn vì đập đã an toàn và tích nước an toàn theo cốt 175  vào tháng 11/2011. Sau 4 tháng tích nước có hiện tượng rò rỉ, đây không phải là sự cố (theo đúng qui định của Luật, sự cố phải là đổ vỡ công trình). Đây là hiện tượng thấm nước. Vấn đề khắc phục hiện tượng thấm nước đã được Hội đồng nghiệm thu Nhà nước, cùng với Bộ Công thương thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt tập trung chỉ đạo chủ đầu tư. Hiện, chủ đầu tư đang tích cực xử lý chống thấm; mời các chuyên gia chống thấm có kinh nghiệm của nước ngoài; cố gắng khắc phục trước mùa lũ và chỉ được tích nước khi đã xử lý xong hiện tượng thấm".

Với câu hỏi “Có phải di dân hay không?”, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng khẳng định: “Chỉ không an toàn mới di dân. Đã an toàn thì việc gì phải di dân? Bây giờ đã an toàn rồi và đập này sẽ tiếp tục phải an toàn do được tiến hành các bước tiếp theo”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, câu trả lời của Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đã khá rõ ràng. Tuy nhiên, “Các đồng chí cũng cần củng cố lại kết quả kiểm tra để dư luận yên tâm, có chắc chắn rằng đập thủy điện Sông Tranh 2 là đã 3 an toàn không?

Về tình trạng gian lận thương mại gia tăng, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thừa nhận công tác kiểm tra còn kẽ hở, các quy định xử phạt các hành vi gian lận thương mại chưa đủ răn đe, Bộ đã báo cáo Chính phủ và đề nghị có bổ sung chế tài xử phạt trong hành vi vi phạm

Ngoài ra, trong biện pháp tổ chức, Bộ đề nghị Chính phủ tăng cường thêm công cụ công tác cho lực lượng chức năng hoạt động, bởi hiện nay đoạn của phần tử sai phạm có phương tiện cơ giới thông tin rất hiện đại, nếu ta không có đủ thiết bị ứng phó thì hiệu quả sẽ thấp

Đại biểu Trương Thị Ánh (TP Hồ Chí Minh) chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương về tình trạng công nghiệp hỗ trợ chậm phát triển, và giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp giải phóng hàng tồn kho, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng, đây là một yếu điểm của ngành công nghiệp. Trong nhiều năm qua, chủ trương của Chính phủ là phát triển công nghiệp hỗ trợ để nâng cao khả năng sản xuất trong nước, giảm nhập siêu và tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, tuy nhiên, việc ban hành khung pháp lý và tổ chức thực hiện chậm, trong đó, có trách nhiệm của Bộ Công Thương.

Tháng 2/2011, Bộ mới trình Chính phủ ban hành Quyết định 12 về cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp phát triển công nghiệp hỗ trợ. Đồng thời, phối hợp với các Bộ Tài chính ban hành cơ chế về thuế, Bộ Khoa học và Công nghệ về chính sách ưu tiên phát triển các sản phẩm cơ khí trọng điểm. Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, nếu kiên trì thực hiện thì bức tranh công nghiệp sẽ cải thiện tốt hơn thời gian tới.

Liên quan đến vấn đề giải quyết hàng tồn kho, Bộ trưởng cho biết đây là trọng tâm Chính phủ đang chỉ đạo các bộ ngành giải quyết. Tỷ lệ tồn kho hàng trong 5 tháng đầu năm tăng 20-25% so cùng kỳ 2011, là một bức xúc đang đặt ra. Cùng với các giải pháp kiên trì thực hiện của Nghị quyết 11/2011 và Nghị quyết 13 của Chính phủ, Bộ Công Thương tiếp tục thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại, tăng cường thực chất hơn cuộc vận động người Việt Nam dùng hàng Việt Nam, hạn chế nhập khẩu, cùng với chính sách tài khoá, đầu tư, nếu phối hợp đồng bộ hàng tồn kho sẽ giảm.

Nguyễn Sơn
 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Tham vọng đi vào lịch sử

GD&TĐ - Bầu cử Quốc hội ở Ấn Độ luôn là sự kiện không nơi nào trên thế giới có thể sánh được về quy mô và thời gian.