3 nhóm giải pháp trọng tâm

GD&TĐ - Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp (GDNN), Bộ LĐ-TB&XH đã xác định: Năm 2018, tập trung thực hiện 8 nhóm giải pháp tổng thể, trong đó có 3 nhóm giải pháp trọng tâm được xem là mang tính đột phá. Phóng viên Báo Giáo dục và Thời đại đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hồng Minh, Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN về vấn đề này.   

3 nhóm giải pháp trọng tâm

Yêu cầu hàng đầu là đổi mới phương thức đào tạo

Năm 2018, được Bộ LĐ-TB&XH xác định là năm đột phá về GDNN, vậy xin Tổng cục trưởng cho biết sự đổi mới và đột phá này được bắt đầu như thế nào?

Ông Nguyễn Hồng Minh, 
Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN

- Thực hiện Nghị quyết số 29- NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT và Nghị quyết số 19- NQ/TW tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; theo phân công của Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH đã xây dựng và đang trình Chính phủ đề án đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN đến năm 2020 và định hướng đến 2030.

Đề án đã đề ra 8 nhóm giải pháp, trong đó, 3 nhóm giải pháp được xác định là đột phá nâng cao chất lượng GDNN, gồm: Trao quyền tự chủ đầy đủ cho các cơ sở GDNN gắn với trách nhiệm giải trình, cơ chế đánh giá độc lập, sự kiểm soát của Nhà nước, giám sát của xã hội; Chuẩn hóa các điều kiện bảo đảm chất lượng và Gắn kết GDNN với thị trường lao động; Việc làm bền vững và an sinh xã hội.

Một trong 3 giải pháp trọng tâm vừa được ông đề cập, có nội dung về chuẩn hóa các điều kiện về chất lượng đào tạo. Vậy yêu cầu về chuẩn hóa này có khác gì với các quy định trước đây?

- Thực tế lâu nay chúng ta cũng đã đặt ra rất nhiều tiêu chuẩn về điều kiện đảm bảo chất lượng, nhưng chưa thực sự hệ thống và bám sát với thực tế. Với các yêu cầu mới, chỉ đưa ra những tiêu chuẩn “cứng”, như với giáo viên thì chuẩn về trình độ đào tạo, chuẩn kỹ năng, chuẩn nghiệp vụ sư phạm. Nhìn ra các nước tiên tiến trên thế giới, có thể thấy họ không chỉ đặt ra chuẩn kỹ năng mà giáo viên còn phải định kỳ tham gia vào sản xuất, đi thực tế sản xuất thì mới tiếp cận được kỹ năng của sản xuất kinh doanh, từ đó về trường đào tạo cho các em HS, SV.

Đối với các cơ sở GDNN, chúng tôi đã có quy định, hằng năm giáo viên phải đi thực tập, đi vào sản xuất thực tế tại DN, cơ sở sản xuất thì mới có được những kỹ năng tốt, phục vụ cho công tác đào tạo. Chuẩn hóa về chương trình đào tạo là chuẩn hóa về kiến thức kỹ năng tối thiểu, các trường căn cứ vào chuẩn đó để tự xây dựng chương trình của mình đáp ứng yêu cầu quy chuẩn chung.

Về cơ sở vật chất, chúng tôi xây dựng tiêu chuẩn cơ sở vật chất, thiết bị từ đó các trường căn cứ vào các tiêu chuẩn này với chương trình đào tạo của trường để xác định các chuẩn cơ sở vật chất thiết bị đáp ứng yêu cầu của chương trình đào tạo. Chúng tôi đang thí điểm hướng tới chuẩn tương đương các nước khu vực và thế giới.

Gắn đào tạo với nhu cầu thị trường

Để đáp ứng yêu cầu mới về chuẩn hóa các điều kiện về chất lượng đào tạo, tất yếu đòi hỏi các cơ sở GDNN sẽ được trang bị những chương trình đào tạo hiện đại và đổi mới hơn. Tổng cục GDNN triển khai vấn đề này như thế nào?

“Khi giao quyền tự chủ cho cơ sở đào tạo, nguồn kinh phí thường xuyên của Nhà nước sẽ chuyển từ giao theo đầu vào học viên sang giao nhiệm vụ đặt hàng đầu ra, theo chuẩn đầu ra và tỷ lệ sinh viên có việc làm để thanh quyết toán nguồn kinh phí đó. Như vậy nhà trường có thể thực hiện các chi phí đào tạo, tự thu chi, chủ động tạo các nguồn khác cho hoạt động đào tạo một cách hiệu quả nhất”.
Ông Nguyễn Hồng Minh 

- Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH đã thực hiện chuyển giao các bộ chương trình đào tạo của các nước tiên tiến, áp dụng thí điểm ở Việt Nam. Cụ thể đã chuyển giao 12 bộ chương trình của Australia, 22 bộ chương trình từ Đức, các bộ chương trình này đã đồng bộ về các chuẩn kiến thức, kỹ năng, chương trình, giáo trình, tiêu chuẩn cơ sở vật chất, thiết bị, công nghệ đào tạo. Trước đây chỉ dạy theo kinh nghiệm của giáo viên, không theo nhu cầu của thị trường, vì vậy công nghệ đào tạo được chuyển giao sẽ khắc phục được vấn đề này, giúp HS, SV tiếp cận được ngay với yêu cầu của thị trường lao động.

Hiện nay, các chương trình đang được đào tạo thí điểm và được chuyên gia quốc tế trực tiếp hướng dẫn cho giáo viên Việt Nam đào tạo chương trình này. Khi giáo viên của Việt Nam nắm bắt được các công nghệ đào tạo, chương trình sẽ được nhân rộng, như vậy sẽ rất hiệu quả.

Gắn đào tạo với DN là một trong những giải pháp trọng tâm để nâng cao chất lượng GDNN, ông có thể cho biết công tác này được thực hiện như thế nào?

- Xác định được tầm quan trọng trong gắn kết GDNN với DN, ngay từ đầu năm 2018, chúng tôi đã tập trung mạnh vào giải pháp này. Cụ thể Tổng cục GDNN đã xây dựng một kế hoạch tổng thể về hợp tác với DN, xác định rõ những hoạt động, công việc cần thực hiện trong năm. Bắt đầu bằng việc ký kết chương trình hợp tác với các cơ quan đại diện cho DN, hiệp hội DN, các tập đoàn, DN lớn.

Ví dụ như ký kết với VCCI, Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam, HH Du lịch Việt Nam, Hội doanh nhân trẻ Việt Nam, Tổng hội thương gia Đài Loan, Tập đoàn Mường Thanh… nhằm tạo điều kiện cho các trường ký kết hợp tác đào tạo với các DN. Sắp tới đây, chúng tôi sẽ tiếp tục ký kết hợp tác với các hiệp hội DN FDI như Hiệp hội DN Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức và nhiều DN, tập đoàn lớn khác nữa.

Tiếp đó, là triển khai thực hiện các hoạt động đã ký kết với các DN, xây dựng các mô hình thí điểm gắn kết như cùng nhau xây dựng chuẩn đầu ra, xây dựng chương trình đào tạo, tổ chức đào tạo, tiếp nhận người học đến thực hành, thực tập tại DN… Bên cạnh đó, chúng tôi đang tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện các cơ chế, chính sách để gắn kết chặt chẽ giữa GDNN với các DN. Chỉ có như vậy, chất lượng đào tạo mới được nâng lên và GDNN mới thực sự đáp ứng được yêu cầu của DN và của thị trường lao động.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Sinh viên Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội học thực hành. Ảnh: Website nhà trường

Các trường có 'nhờn luật'?

GD&TĐ - Thanh tra Bộ GD&ĐT đã có Kết luận về việc thực hiện quy định trong tự chủ mở ngành đào tạo các trình độ giáo dục đại học...