Kinh tế và hạnh phúc gia đình

Kinh tế và hạnh phúc gia đình

(GD&TĐ) - “Yêu nhau củ ấu cũng tròn” đó là câu châm ngôn mà ông bà ta đã đúc kết từ bao đời nay. Nhưng thực tế cuộc sống lại khác hoàn toàn, khi mà đồng tiền lên ngôi, mọi thứ đều chi trả được bằng tiền và để rồi hạnh phúc gia đình cũng được đem ra tính toán…

Xưa rồi “một túp lều tranh hai trái tim vàng”

Những cặp vợ chồng được xây dựng trên nền tảng vững chắc bằng tình yêu mà thiếu hụt phần kinh tế thì vấn đề hạnh phúc gia đình cũng đang chịu sự khủng hoảng trầm trọng. Kinh tế gia đình khó khăn, vợ chồng phải tự thân lập thân, cuộc sống vật chất khá vất vả, lại càng chật vật hơn khi những đứa con ra đời… Vì thế, tình yêu ngày một tàn lụi dần, nhường chỗ cho gia đình với nỗi lo cơm áo hàng ngày.

Vợ chồng Quang – Loan là những công chức nhỏ trong một cơ quan nhà nước. Họ cưới nhau cũng được gần 10 năm, đã có hai nhóc, một trai, một gái. Lúc đầu tuy cuộc sống có vất vả nhưng họ rất hạnh phúc, đầm ấm, họ  yêu, chiều nhau hết mực. Đến khi đứa  con thứ hai ra đời cuộc sống vợ chồng trở nên nhàm chán, mọi thứ đều xộc xệch. Mọi công việc gia đình đem ra bàn thảo cuối cùng được kết thúc bằng chữ “tiền” trong nỗi day dứt, bực bội của cả hai vợ chồng.

Loan sinh em bé thứ hai, mọi việc trong nhà bận bịu hơn, Loan bàn với chồng tiết kiệm để mua một chiếc máy giặt, nhưng hết tháng này tới tháng khác vẫn không sao mua được. Mọi công to việc nhỏ bên nội, bên ngoại một tay Quang lo hết. Đến tháng tiền điện, tiền thuê nhà, tiền chi tiêu hàng ngày tiền lương cộng với số tiền ít ỏi Quang kiếm thêm chẳng đủ chi tiêu, có lúc còn bị âm. Không khí gia đình ngày càng trở nên trầm lắng. Loan buồn ra mặt và đã có lúc cô hắt hủi chồng. Tình cảm vợ chồng ngày càng xa cách và bắt đầu hình thành những vết nứt. Với Quang  nỗi lo cơm áo cứ dày vò, khiến tâm trạng anh không thoải mái, đầu anh như muốn  nổ tung với những con số “tiền,… tiền…”...

Với đồng lương eo hẹp và số tiền kiếm thêm chẳng được là bao, con cái thì còn nhỏ nên nhiều lúc vợ chồng thường xảy ra xô xát. Loan một cô gái dễ thương, ăn nói dịu dàng ngày nào đã trở nên cáu bẳn, cằn nhằn mỗi khi có những khoản chi tiêu trong gia đình hay những khoản “tiền đóng gạo góp” cho con ăn học. Quang - một người điềm đạm, ít nói cũng phải nổi cáu… Mọi thứ đang từ màu hồng đã trở nên xám xịt, bi kịch gia đình cứ tự nhiên xảy ra và nó sẽ tiếp diễn đến bao giờ có “tiền” mọi vấn đề mới được giải quyết.

…khi hạnh phúc được đem ra tính toán.

Thanh niên thời @ khi yêu để tính đến chuyện trăm năm, họ cũng đã có những sự tính toán thiệt hơn chứ không đơn thuần chỉ thương yêu là đủ. 

Ở nông thôn, những trai thanh, trình độ học vấn không qua lớp 9, nghề nghiệp: sửa chữa xe đạp, xe máy, lái công nông hay buôn bán nhỏ,… vẫn “kén cá chọn canh” chọn những cô giáo cấp 1, cấp 2 hỏi về làm vợ, hoặc những cô gái hoạt bát biết buôn bán, chạy chợ chứ chẳng thèm hỏi những cô gái quê mùa chân chất. Còn các cô gái ở vùng nông thôn, cô nào có một chút nhan sắc, có nghề nghiệp ổn định họ cũng có quyền kén những tấm chồng có nghề nghiệp ổn định, kiếm tiền giỏi, gia đình khá giả.

Ở thành thị, các nam thanh, nữ tú có nhiều cơ hội hơn vì điều kiện sống và mối quan hệ rộng lớn. Họ có cơ hội lựa chọn vì thế tình yêu thực dụng thời @ diễn ra nhan nhản. Đã có những chàng trai, cô gái tâm sự: Mình yêu người A nhưng không dám tiến tới hôn nhân mà lấy người B vì điều kiện kinh tế thuận lợi hơn (công việc thu nhập cao, nhà cao, cửa rộng, gia đình khá). Kết cục của những lứa đôi không “tình yêu” là những bi kịch giở khóc giở cười khi cuộc sống vợ chông không hòa hợp, hai tính cách, hai con người trái ngược nhau. Và hiện tượng ly hôn trong gia đình trẻ ngày một tăng nhanh.

Thực tế thật éo le, cuộc sống vợ chồng kiểu tính toán của những cô, cậu này lại có những vấn đề khó nói vì đã bất chấp gia đình, dư luận. Trước đây, trong tính toán, chàng, nàng đã bỏ qua tất cả những nhược điểm như hình thức không ưa nhìn, tính cách khó chịu, ăn nói thô lỗ tí,.v.v… miễn sao cuộc sống hàng ngày sung túc là “OK”. Vậy mà, cuộc sống sau hôn nhân lại không như họ mong muốn, khi không có tình yêu và sự sẻ chia. Hàng loạt những xung đột vợ chồng xảy ra. Họ êm ấm về tiền bạc nhưng chuyện tình cảm lại lục đục vì những quan niệm, những lối sống trái ngược nhau.

Xa rồi cái thời “một túp lều tranh, hai trái tim vàng". Từ yêu để tiến tới hôn nhân là cả một quá trình, còn rất nhiều điều cân nhắc. Với nhiều cặp vợ chồng như Quang – Loan trong thời buổi kinh tế thị trường hiện này thì chất lượng cuộc sống gia đình ảnh hưởng là đương nhiên. Hy vọng nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ cho những công chức, viên chức, để họ có thể sống được bằng lương và yên tâm công tác. 

Hải Hà 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.