(GD&TĐ) - Tìm mua những món đồ cũ không còn dùng đến hay không còn thích hợp sau khi sửa chữa, cải tạo lại nhà cửa để tiết kiệm chi phí - Đó là trào lưu đang trở nên phổ biến trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay. Hình thức phổ biến nhất vẫn là người mua và người bán tự tìm đến nhau, thông qua các trang giao dịch online trên mạng Internet.
Dọn nhà, ra tiền!
Nhiều người không còn mặn mà với đồ mới |
Anh Kính (Khương Trung, Hà Nội) vẫn còn hào hứng mỗi khi nhắc lại chuyện gia đình anh sửa nhà hồi đầu hè này. Khi sửa nhà, đồ đạc của cả nhà được dồn hết vào một phòng, dự tính khi sửa nhà xong lại chuyển đồ ra để sử dụng. Tuy vậy, gia đình anh dự tính phải lên đời hai chiếc tivi đời cũ, bộ bàn ghế gỗ giả cổ, chiếc nệm Kimdan đã dùng mấy năm…
Mất vài ngày gạ người nọ người kiamua đồ cũ nhưng không hàng xóm, người nhà nào có nhu cầu anh Kính mới nhớ ra mấy trang giao dịch điện tử hay vào xem những lúc rảnh rỗi, ở đây người ta vẫn mua đi bán lại những đồ đạc cũ không dùng đến. Anh lấy điện thoại chụp lại những món đồ cần thanh lý, tham khảo mức giá hợp lý nhất rồi đưa lên mạng.
Chỉ sau 1 ngày, anh Kính đã nhận được nhiều cú điện thoại gọi đến hẹn đến xem đồ. Một ông giới thiệu là thợ ở chợ Trời phố Huế tới xem mấy chiếc tivi, ngã giá một hồi cuối cùng bê đi với mức trọn gói 2,5 triệu cả hai chiếc. Hôm sau đến lượt bộ bàn ghế giả cổ cũng lên đường với một khách qua mạng đến trả mức giá 5 triệu.
Thú vị nhất là việc bán chiếc nệm Kimdan. Anh Kính đã nghĩ cái này chắc khó có người nào mua, dù vẫn dùng rất tốt, bởi nệm mới bán trên thị trường đầy ra giá khá rẻ và đa dạng, có khi chỉ hơn triệu đồng đã sắm được nệm mới tinh. Dù là nệm Kimdan đắt tiền, còn dùng tốt, nhưng nghe mấy ông hàng xóm định giá và khích lệ, anh Kính đã lên mạng rao đại 4 triệu đồng, bán được thì có thêm tí tiền mua đệm lò xo mà bà vợ đang quyết thay sau khi sửa nhà, mà không bán được thì lại kiếm người hàng nào đấy có nhu cầu để cho.
Vậy nhưng, vừa rao lên mạng vài tiếng đã có nhiều người gọi điện thoại hỏi, trả giá, trong đó, nhiệt tình nhất là một cặp vợ chồng ở Hà Đông. Không trả giá qua trang giao dịch hay qua điện thoại mà còn đến tận nơi xem kỹ lưỡng rồi trả 3 triệu. Anh Kính không ngờ rằng món đồ cũ ấy lại góp được số tiền kha khá để thêm vào mua đồ mới.
Thực tế, hình thức thanh lý đồ cũ không dùng đến như anh Kính không phải là mới. Đó là một hiện tượng đang dần trở lên khá phổ biến từ 2 – 3 năm nay, khi kinh tế bắt đầu rơi vào khó khăn. Tiên phong lại chính là giới học sinh, sinh viên rồi lan sang cả nhóm công nhân viên văn phòng trẻ tuổi. Họ tận dụng các trang giao dịch điện tử, rao bán những món đồ không dùng đến hoặc đã chán dùng, thông qua hình thức dọn nhà.
Thượng vàng hạ cám, laptop, máy tính bảng trị giá cả chục triệu đến điều hòa, quạt điện, điện thoại cũ, tai nghe, thậm chí cả xạc điện thoại chỉ vài chục ngàn đều có thể bán được.
Cũ người mới ta
Xe đạp cũ được rao trên một trang mạng |
Không chỉ người chán bán cho người cần, mà cả giới thợ hay người kinh doanh cũng săn tìm đồ cũ, lấy linh kiện hay tân trang, đánh bóng lại để bày bán đàng hoàng ở các cửa hàng, hay lại mang lên mạng rao… Thế nhưng, phổ biến nhất vẫn là hình thức giao dịch trực tiếp giữa người bán thực và người có nhu cầu thực, bởi lẽ giá cả bao giờ cũng hợp lý (thậm chí là rất rẻ) so với hình thức qua trung gian.
Anh Cường (Lĩnh Nam, Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết mới tháng trước, anh có nhu cầu mua một chiếc máy tính bảng. Không cầu kỳ cũ mới hay cấu hình quá cao, miễn còn tốt là được, anh lên trang mure.vn tìm kiếm, thấy rao bán rất nhiều máy cũ, chủ yếu là những bạn trẻ có nhu cầu “nâng đời”.
Không mất nhiều thời gian, anh đã mua được một chiếc Ipad 3 còn khá mới (chủ cũ dùng cẩn thận, luôn để máy trong ốp da và dán màn hình từ lúc mới), dung lượng 32GB, có đủ 3G, giá chỉ 8 triệu đồng; trong khi ở các cửa hàng vẫn bán hơn 10 triệu.
“Tầm tiền này, nếu mua hàng mới phần lớn chỉ được những loại cấu hình thấp của Sam Sung hay Asus, tốt hơn thì lại không có 3G. Mua lại chỉ cần kiểm tra cẩn thận một chút mà được hàng tốt, tiết kiệm khối tiền”, anh Cường cho biết. Anh cũng khoe chiếc điện thoại Iphone 4S đang dùng là mua lại trên mạng, chỉ hơn 5 triệu, trong khi hàng lướt ở các cửa hiệu vẫn bán trên 8 triệu.
Tuy nhiên, theo anh mua lại những hàng điện tử đã qua sử dụng đòi hỏi phải có kinh nghiệm, hoặc có bạn bè hiểu biết xem cùng, nếu không rất dễ đụng phải hàng dựng (lỗi, hỏng được sửa chữa, thay vỏ bán lại), thậm chí là hàng rởm.
Cũng là người hay săn đồ cũ trên các trang mạng để tiết kiệm chi phí, anh Hùng (Giải Phóng, Hà Nội) khoe chiếc điện thoại thời thượng Xperia Ultra vừa mua lại trên mạng. Anh Hùng cho biết chiếc điện thoại mới tới hơn 90%. Chủ cũ chiếc điện thoại anh vừa mua thuộc nhóm thanh niên gia đình có điều kiện, còn khá trẻ, hay chạy theo công nghệ, vừa mua xong chán, muốn đổi cái khác là bán, nên những người như anh Hùng mới có dịp mua lại được.
Thay vì phải bỏ ra 17 triệu nếu chọn máy mới, anh Hùng mua lại được chiếc điện thoại mình cần, mới dùng qua hai tháng, với giá chỉ 11 triệu, bảo hành chính hãng vẫn còn tới tháng 7/2013. Còn cậu thanh niên, cũng vớt vát được số tiền không nhỏ để đổi máy mới, phục vụ sở thích của mình.
Không phải ai cũng có thể săn đồ cũ
Kinh nghiệm nhiều năm săn đồ cũ trên mạng (chủ yếu là đồ điện tử, công nghệ) và cũng bán lại nhiều đồ cũ thông qua các trang mạng, nhưng chính anh Hà (Cát Linh, Hà Nội) cũng đã gặp phải tình huống bỏ tiền thật mua đồ rởm. Cách đây 2 năm, anh tìm mua một chiếc laptop cho con đang học lớp 6 làm quen với máy tính. Khi mua, anh đã kiểm tra rất kỹ. Thoả thuận giao dịch với mức giá hợp lý, anh mang về giao cậu con trai.
Ngay tối đó, cậu bé đã phản ánh với bố laptop không bắt được tín hiệu wifi, pin yếu, lại liên tục tự khởi động lại… Tá hỏa, anh vội gọi bạn thân là dân công nghệ tới kiểm tra. Người bạn phán đoán bên trong đã bị thay linh kiện không đúng đời máy, pin đã chai, chỉ còn dùng được chưa tới 1 giờ đồng hồ, nhưng người bán đã dùng phần mềm để ép lên. Lập tức, anh gọi lại cho người bán, nhưng máy tắt, ngày hôm sau cũng vậy.
Lên mạng thì địa chỉ giao dịch đã bị xoá. Anh Hùng đành phải đưa máy cho anh bạn về nâng cấp lại, cũng may tận dụng các linh kiện cũ nên chỉ hết thêm gần triệu đồng.
Theo lời khuyên của anh Hà, cũng như khá nhiều người có kinh nghiệm giao dịch đồ cũ, với các món đồ như giầy dép, bàn ghế (tóm lại là những đồ phi công nghệ), chỉ cần xem xét chất lượng và bề ngoài. Với đồ công nghệ (là những món hàng được mua loại phổ biến nhất) đòi hỏi người mua phải có hiểu biết hoặc có người hiểu biết đi cùng.
Khi tiến hàng giao dịch, cần kiểm tra cẩn thận và tốt nhất là tại nhà riêng người bán, để tránh các hành vi lừa đảo bán đồ đểu đang khá phổ biến hiện nay, tránh tình trạng đã phải mất công săn đồ cũ để tiết kiệm lại thành ra mất tiền oan, mua thêm sự bực tức vào người.
Thanh Tuấn