Kinh tế châu Âu trước nguy cơ “ngủ quên” thêm 1 thập kỷ

GD&TĐ - Châu Âu đã phải chịu đựng một thập kỷ trì trệ kinh tế. Nếu không hành động sớm, rất có thể lục địa già sẽ phải đối mặt với một giai đoạn kém phát triển khác.

Một người phụ nữ đi ngang qua một khẩu hiệu phản đối chương trình cứu trợ của IMF dẫn đến nhiều năm áp dụng các biện pháp khắc nghiệt đối với Hy Lạp (Athens 2015)
Một người phụ nữ đi ngang qua một khẩu hiệu phản đối chương trình cứu trợ của IMF dẫn đến nhiều năm áp dụng các biện pháp khắc nghiệt đối với Hy Lạp (Athens 2015)

Những hiệu ứng nguy hiểm

Mười năm sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, nền kinh tế châu Âu đã dần phục hồi, nhưng chưa phải là sự hồi sinh. Lạm phát thấp, lãi suất thấp và tăng trưởng thấp đã trở thành những hiện tượng bình thường thời nay.

Những dấu hiệu đáng lo ngại của châu Âu có thể tạo nên nhiều hiệu ứng nguy hiểm. Nếu lãng phí thêm một thập kỷ nữa, sự phân chia ngày càng tăng giữa thành thị và nông thôn châu Âu sẽ càng sâu sắc, tước đi nhiều cơ hội việc làm và nuôi dưỡng sự bất ổn chính trị.

Carsten Brzeski, nhà kinh tế trưởng của ngân hàng ING (Hà Lan) tại Đức, cho rằng các nguy cơ này thậm chí có thể khiến khối 19 quốc gia sử dụng đồng euro tan vỡ. “Nếu châu Âu thức tỉnh quá muộn thì rủi ro sẽ rất cao, và sẽ phải nhận ra rằng mình đã lãng phí quá nhiều thời gian”, Brzeski nói.

Có thể so sánh những gì đang diễn ra trong nền kinh tế châu Âu với thời kỳ tăng trưởng chậm và lạm phát yếu trong những năm 1990, hay còn gọi là “thập kỷ mất mát” của Nhật Bản, giai đoạn mà nước này không thể nổi lên một cách thuyết phục và hiện nay sắp kết thúc thập kỷ thứ ba tăng trưởng thấp, lạm phát thấp và lãi suất thấp.

Mặc dù châu Âu đang phát triển nhanh hơn, nhưng giống như Nhật Bản, dân số của khu vực này đang già đi và những người hưu trí đang kéo nền kinh tế xuống vì họ tiết kiệm hơn là chi tiêu. Một vấn đề tương tự là các “ngân hàng zombie” chuyên “ăn vốn” mà không cung cấp các khoản vay cần thiết để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong khi đó, Nhật Bản chỉ có một ngân hàng trung ương và một chính phủ quốc gia, cho phép đất nước này hành động quyết đoán hơn, ngay cả khi các biện pháp kích thích đã không còn hiệu quả.

“Mổ xẻ” hội chứng tăng trưởng thấp

Trong khi đó, hội nhập kinh tế và chính trị ở châu Âu, là một dự án còn dang dở. Đồng euro được giới thiệu vào ngày 1/1/1999. Nhưng 20 năm sau, các nước EU vẫn không phối hợp được các chính sách tài khóa bổ sung có thể thúc đẩy liên minh tiền tệ. Các quốc gia EU thiết lập ngân sách riêng, đưa ra các kế hoạch thuế riêng trong khuôn khổ các quy tắc được cho là giới hạn cho vay. Điều đó khiến Ngân hàng Trung ương châu Âu phải giải quyết các vấn đề lớn hơn nhiều vào thời điểm mà “đạn dược” của họ đã bị hạn chế bởi chính các hành động của họ trong suốt thập kỷ qua.

Kể từ cuối năm 2018, lạm phát khu vực đồng euro đã nằm dưới mức mục tiêu thấp hơn 2% do Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đặt ra; tháng 6/2019 ở mức 1,3%. Tăng trưởng GDP là 1,8% năm 2018 và dự báo sẽ giảm xuống còn 1,2% trong năm nay. Năm tới có thể còn tồi tệ hơn khi phải đối phó với một Brexit hỗn loạn vào mùa thu.

Khi xem xét kỹ nguồn gốc của tình trạng này, có thể nhận thấy sự phục hồi ở khu vực này sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện rất không đồng đều. Số lượng người thất nghiệp của Liên minh châu Âu đạt đỉnh 26,5 triệu vào năm 2013 và kể từ đó đã giảm xuống còn khoảng 15,7 triệu, dưới mức trước khủng hoảng. Tuy nhiên, những nơi như Tây Bắc Tây Ban Nha, miền Nam Italia và Hy Lạp vẫn có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất ở châu Âu.

Nhiều lĩnh vực của nền kinh tế châu Âu chỉ mới bắt đầu phục hồi. Sự phục hồi thậm chí còn nhạt nhòa đến mức nhiều năm lãi suất ngân hàng ở châu Âu cực thấp, thậm chí đạt mức âm. Khi lần cuối cùng Ngân hàng Trung ương châu Âu tăng lãi suất vào năm 2011, thì các khoản nợ của Bồ Đào Nha chỉ còn là những con số tượng trưng, còn Hy Lạp đang mong chờ một gói cứu trợ khác, trong khi Ireland đã chấp nhận gói cứu trợ vào năm trước đó.

Những dấu hiệu cảnh báo

Nhiều chuyên gia cho rằng, các chi tiêu có sự phối hợp giữa các chính phủ có thể giúp châu Âu thoát khỏi tình trạng đình trệ tạm thời này, tuy nhiên, cơ hội cho điều này thực sự khá mỏng manh.

Tỷ lệ các hoạt động tài chính có sự phối hợp, với số lượng lớn là rất thấp, đặc biệt là sự phân chia chính trị giữa các quốc gia giàu có như Đức và những nước có nền kinh tế phát triển chật vật hơn, như Italia. Pháp và Đức cũng đang gặp khó khăn trong việc thống nhất hợp tác chặt chẽ hơn. Trái phiếu chính phủ 10 năm của Đức đang có mức lãi còn ít hơn so với Nhật Bản, cho thấy sự ảm đạm về triển vọng kinh tế dài hạn của khu vực này. Những người đã đầu tư cho trái phiếu 10 năm của Đức chắc chắn sẽ mất khi đến kỳ đáo hạn. Lãi suất âm cũng sẽ tiếp tục siết chặt các ngân hàng châu Âu, làm cho trái phiếu bớt hấp dẫn hơn.

Một số chuyên gia kinh tế cho rằng trong những năm tới, cuộc chiến giằng co giữa lợi ích từng quốc gia và lợi ích chung của châu Âu sẽ trở nên mạnh mẽ hơn khi nền kinh tế của khu vực càng suy giảm. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng rất có thể điều này sẽ mang lại “cú huých” đẩy châu Âu khỏi lối mòn mà khu vực này đang sa vào.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cán bộ y tế đỡ đẻ ngay trên biển.

Đỡ đẻ cho sản phụ ngay trên biển

GD&TĐ - Một sản phụ ở xã đảo Quan Lạn, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) được các bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn đỡ đẻ thành công ngay trên biển.