- Có thông tin mỗi ngày Việt Nam phải chi khoảng 20 tỷ đồng cho công tác tìm kiếm máy bay MH370, con số này trên thực tế là bao nhiêu thưa Trung tướng?
- Bộ Quốc phòng chưa tổng hợp chi phí cho công tác tìm kiếm cứu nạn đợt này. Tôi không bình luận về con số 20 tỷ mỗi ngày, nhưng nếu nhìn vào quy mô, phương tiện, lực lượng, kéo dài 8 ngày cả trên không, trên biển và trên bộ thì kinh phí là rất lớn.
Dù vậy, Việt Nam luôn xác định tìm kiếm người mất tích và cứu hộ là quan trọng nhất. Quá trình chiến dịch diễn ra có người hỏi tôi: "Nếu chi phí quá cao thì có làm nữa không?", tôi trả lời rằng: "Chúng tôi đã tính toán được khả năng mà mình có thể, đến khi nào không thể nữa thì đành phải chịu".
- Sự việc lần này phần nào cho thấy lỗ hổng phòng không của Malaysia và các nước Đông Nam Á. Riêng Việt Nam thì hệ thống radar có vai trò như thế nào trong việc bảo vệ Tổ quốc?
- Không phát hiện được máy bay MH370 sau tín hiệu cuối cùng có nhiều yếu tố chi phối, không chỉ là phương tiện mà còn do con người, trong tình huống cụ thể. Vì vậy, đánh giá hệ thống radar, phòng không của các nước Đông Nam Á qua việc này thì không đầy đủ.
Đơn cử vụ khủng bố 11/9 ở Mỹ, chiếc máy bay thứ hai lao vào mục tiêu sau chiếc thứ nhất 15 phút. Có phải hệ thống phòng không Mỹ không phát hiện được máy bay? Nếu phát hiện thì phải xử lý thế nào? Sự việc ấy cũng không đủ để khẳng định hệ thống phòng không của Mỹ kém.
Trong tình huống, điều kiện hoàn toàn bình thường, thì những tín hiệu thu nhận được xem là bình thường. Chỉ khi sự cố xảy ra thì mọi thứ mới được tích hợp, tổng hợp và phân tích.
- Malaysia đổi hướng tìm kiếm MH370 ở một vùng biển sâu, cách xa Việt Nam. Nước bạn có đề nghị hỗ trợ hay Việt Nam chủ động tham gia chiến dịch tìm kiếm lần này?
- Việt Nam chưa nhận được lời đề nghị chính thức từ Malaysia về việc tìm kiếm cứu nạn ở khu vực mới công bố. Việc tìm kiếm cứu nạn của Việt Nam thì quân đội là nòng cốt cả về phương tiện, nhân lực. Đảm bảo cho việc này là nguồn ngân sách quốc phòng nên có giới hạn nhất định.
Phương tiện kỹ thuật của Việt Nam là hiện đại nhưng không phải trang bị cho lực lượng viễn chinh, cho cự ly xa, chỉ ở trong khu vực của mình, nên làm nhiệm vụ gì cũng phải tính toán theo cơ sở khoa học.
- Từng là phi công hàng chục năm, góc nhìn riêng của Trung tướng về vụ máy bay mất tích lần này?
- Tôi từng kể câu chuyện của một đồng đội bị nạn, máy bay rơi xuống biển nhưng chỉ gãy cánh để thấy rằng không phải cứ rơi xuống biển thì máy bay sẽ nổ. Chúng ta không nên loại trừ những khả năng có thể xảy ra.
Khi Malaysia thông báo hành lang tìm kiếm mới, tôi cho rằng để có định hướng đó thì nước bạn đã tổng hợp thông tin từ nhiều nguồn. Bây giờ cần phải kiểm tra lại máy bay đó nạp bao nhiêu dầu, bởi Boeing thường chỉ nạp đủ quãng đường đi và một lượng dự trữ để đến sân bay dự bị khi gặp sự cố. Từ đó xác định máy bay bay tiếp được bao nhiêu giờ… Đừng bỏ qua các giả thiết.
- Ngày 15/3, Việt Nam tuyên bố dừng tìm kiếm cứu nạn trên biển Đông và yêu cầu các nước bạn cũng kết thúc tìm kiếm, vậy nước nào còn phương tiện trong lãnh thổ Việt Nam thưa Trung tướng?
- Khi nước chủ nhà của máy bay Boeing 777 số hiệu MH370 thông báo dừng tìm kiếm ở khu vực biển Đông, Việt Nam là nước liên quan phối hợp cũng dừng chiến dịch và ra thông báo cho các nước được cấp phép vào Việt Nam dừng lại.
Điều này phù hợp với chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ trước đó, rằng các phương tiện nước ngoài vào Việt Nam chỉ có việc duy nhất là tìm kiếm cứu nạn, khi việc này đã kết thúc thì phải rời khỏi Việt Nam.
Hôm qua, theo báo cáo của cảnh sát biển và hải quân thì có 2 tàu hải cứu Trung Quốc còn ở biển Tây Nam Việt Nam. Chúng ta đã tiếp cận và thông báo, họ nói rằng chưa nhận được thông báo chính thức và do sóng to nên đang muốn tránh sóng gió.
Chúng ta đã đề nghị bạn rời khỏi vùng biển Việt Nam, nếu cần giúp đỡ hậu cần thì Việt Nam sẽ hỗ trợ. Bên cạnh đó, trong 2 tàu của Trung Quốc có 1 người bị thương nên phải chuyển sang tàu bên kia. Thực hiện xong việc này, cả 2 tàu đã rời khỏi lãnh thổ Việt Nam.
Tàu 998 của Hải quân Trung Quốc khi được ta thông báo cũng đã ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.
Hiện không còn phương tiện nước ngoài nào tham gia tìm kiếm cứu nạn ở Việt Nam. Các lực lượng của chúng ta tiếp tục thực hiện nhiệm vụ giám sát chủ quyền, một số quay về thực hiện nhiệm vụ khác.
- Trung tướng đánh giá thế nào về khả năng phối hợp giữa các lực lượng tìm kiếm cứu nạn của Việt Nam với các nước?
- Nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn ở biển Đông hiện đã kết thúc. Tôi có thể khẳng định việc phối hợp giữa các lực lượng trong khu vực của Việt Nam là tương đối tốt. Từ đầu, chúng ta đã đưa ra nhiệm vụ và định hướng với các nước bạn, đồng thời khẳng định các bạn có nhiệm vụ phối thuộc - tức là chịu sự hướng dẫn điều hành của Việt Nam. Trong đợt tìm kiếm này, chúng tôi đề cao 2 vấn đề là hiệu quả tìm kiếm và an toàn cứu hộ.
Về hiệu quả, nhiều lực lượng thì hiệu quả cao hơn, nhưng nếu không biết bố trí điều tiết khoa học sẽ không đem lại hiệu quả.
Việc đảm bảo an toàn cho chính lực lượng tìm kiếm cứu hộ đã có rất nhiều bài học xương máu, khi đang tìm kiếm phương tiện bị nạn thì tiếp tục xảy ra tai nạn. Chúng ta đã làm tốt vấn đề an toàn trong chiến dịch vừa rồi.
Tìm kiếm cứu nạn với Việt Nam là nhiệm vụ thường xuyên, thường niên. Việt Nam đã phối hợp với nhiều nước, nhưng đây là lần đầu tiên thực hiện ở phạm vi rộng trên biển.
Qua đợt này, Việt Nam đã thể hiện được sự điều hành, điều phối, chỉ huy của lực lượng tìm kiếm cứu nạn rất tốt. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải rút kinh nghiệm vấn đề công tác hiệp đồng, chỉ huy, thông tin dự báo tình huống, để sử dụng lực lượng phù hợp, có hiệu quả nhất.