Kinh nghiệm từ những người trong cuộc

Kinh nghiệm từ những người trong cuộc

(GD&TĐ)-Kinh nghiệm về NCKH được chia sẻ từ chính các sinh viên từng có đề NCKH đoạt giải thưởng cao.

Kinh nghiệm từ những người trong cuộc ảnh 1

Bài 1: Vẫn còn căn bệnh hình thức

Bài 2: Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng sinh viên NCKH

Nguyễn Thị Phương Thúy – Giải nhất giải thưởng sinh viên NCKH năm 2008: Làm việc nhóm hiệu quả là một trong những yếu tố tạo nên thành công của NCKH sinh viên:

Một trong những yếu tố quan trọng giúp đề tài của nhóm chúng tôi có thể đến được thành công là tôi đã có một nhóm làm việc rất hiệu quả. Câu hỏi đầu tiên tôi nghĩ đến khi thành lập nhóm nghiên cứu là: đề tài có cần thực hiện theo nhóm hay không? Để xác định tính cần thiết của việc lập nhóm cũng như quy mô nhóm, người thực hiện cần cân nhắc 3 yếu tố: bản thân đề tài, thời gian thực hiện và quy định thành viên của từng cuộc thi cụ thể. Đối với việc tìm thành viên, ưu tiên đầu tiên phải là những người có cùng mối quan tâm khoa học; thứ 2 là người từng có kinh nghiệm NCKH; thứ 3 là sinh viên giỏi.

Khi đã có một nhóm làm việc, việc quan trọng nhất là chọn trưởng nhóm. Thông thường, sinh viên nào đề xuất đề tài sẽ làm trưởng nhóm, tuy nhiên, tốt nhất đó chưa chắc đã phải lựa chọn tối ưu. Tuyệt đối không được chọn trưởng nhóm dựa trên bốc thăm may rủi. Trưởng nhóm không nhất thiết phải là người có kiến thức chuyên môn tốt nhất nhưng nhất thiết phải là người quyết đoán và không cả nể.

Trước khi bắt tay vào thực hiện đề tài, cả nhóm cần thống nhất với  nhau một số quy ước chung, đặc biệt về thời gian làm việc. Căn cứ vào khoảng thời gian cho phép của cuộc thi, nhóm cần lập một thời gian biểu càng cụ thể càng tốt và quán triệt tới từng thành viên. Sau đó là phân công lao động. Có nhiều cách phân công tùy theo tính chất của đề tài và năng lực, sở trường của từng thành viên, tuy nhiên, nên tránh phân công mất cân đối, theo kiểu giao hết cho một vài người tìm tài liệu, hoặc phỏng vấn, phát phiếu khảo sát, thống kê số liệu, còn những người còn lại nghiên cứu và viết. Cho dù phân công theo cách nào thì quá trình phác thảo, xây dựng dàn ý cho đề tài cũng cần sự đóng góp của cả nhóm.

Với những bất đồng gặp phải trong quá trình làm việc nhóm, điều cần thiết là phải xem lại tiêu chí đánh giá của cuộc thi và hỏi giáo viên hướng dẫn cũng như những người có kinh nghiệm. Khi đã có một ý kiến trong nhiều ý kiến được lựa chọn, điều cần thiết nhất là tác giả của những ý kiến không được lựa chọn không nên nghĩ mình đã thất bại mà ngược lại đã thành công vì đề tài đã tiến thêm một bước, thay vì mắc kẹt trong những tranh luận rối bời.

Võ Thị Thu Anh - Giải nhì VIFOTEC năm 2009; giải A sinh viên NCKH năm 2009 do Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHCM tổ chức; khuyến khích NCKH cấp Bộ năm 2010: Sinh viên cần được trang bị một nền tảng NCKH.

Niềm đam mê NCKH của sinh viên thiết nghĩ cần được vun đúc ngay từ năm đầu tiên ĐH. Thông qua các hoạt động học thuật, tuyên truyền, hỗ trợ đặc biệt là của hệ thống đoàn, hội sẽ giúp sinh viên khơi dậy sự tò mò, ham học hỏi, từ đó bắt đầu làm quen với NCKH.

Bên cạnh đó, sinh viên cần được trang bị một nền tảng NCKH đúng phương pháp và đúng cách, như phương pháp nghiên cứu nhằm hình thành những kỹ năng xác định đề tài, giới hạn phạm vi, lựa chọn phương pháp nghiên cứu. Có thể nói, hiện nay các sinh viên còn khá lúng túng trong NCKH, phương pháp NCKH không có trong chương trình học tập chính thức nên sinh viên nghiên cứu một cách tự phát dẫn đến sự thụ động, bài nghiên cứu thiếu tính lo-gic và hàm lượng khoa học thấp. Điều đó dẫn đến sinh viên chưa có sự mạnh dạn, đột phá trong việc đưa ra các giải pháp cũng như chưa lựa chọn được những đề tài mang ý nghĩa thực tiễn và hiệu quả kinh tế xã hội cao. Chất lượng đề tài chưa cao còn một phần vì kinh phí hỗ trợ sinh viên NCKH còn rất thấp, sinh viên khó khăn trong việc thử nghiệm các mô hình hay tiếp cận những nguồn số liệu của nước ngoài mà đa phần để có số liệu đó phải tốn nguồn kinh phí lớn.

Đinh Thị Thanh Huyền – Giải nhì sinh viên NCKH năm 2007: Chọn đề tài là khâu quyết định thành công

Tôi thấy chọn đề tài là khâu quyết định thành công trong NCKH. Tuy nhiên, đây là khâu sinh viên hay vướng mắc, lúng túng. Cần có những định hướng, chỉ bảo của giảng viên đề từ đó sinh viên có thể hình thành ý tưởng với đề tài. Ngoài ra, tôi thấy hiện tượng một số sinh viên hay thích nghiên cứu những đề tài mốt lạ lẫm, sang trọng, mang tầm vĩ mô song lại chưa có một khái niệm sơ đẳng nào hoặc hiểu rất mơ hồ về đối tượng nghiên cứu. Những sinh viên thuộc nhóm này thường bỏ cuộc giữa chừng khi nhận ra mình không thể tiếp cận đối tượng nghiên cứu.

Mặc dù một trong những yếu tố thành công trong nghiên cứu là đề tài phải mới, mang tính cấp thiết, có khả năng ứng dụng cao. Song nếu tuyệt đối hóa tính mới của đề tài là không chính xác. Đề tài NCKH mới không có nghĩa là vấn đề đó chưa từng được nghiên cứu bởi một vấn đề có nhiều cách tiếp cận, giải quyết khác nhau.

Một yếu tố nữa, khi chọn đề tài nên phù hợp với sở thích, chuyên môn và định hướng nghề nghiệp của mình. Như thế, đề tài lựa chọn sẽ có cơ hội được mở rộng và sâu hơn trong quá trình làm việc sau này.

Ngoài ra, một số khó khăn khác sinh viên cần chú ý như dữ liệu cho quá trình nghiên cứu; phương pháp và công cụ cho NCKH.

Nguyễn Văn Hạnh Giải nhì giải thưởng sinh viên NCKH năm 2003 – hiện là giảng viên trường ĐHSP – ĐH Huế: NCKH tốt bắt nguồn từ những việc rất nhỏ

Sinh viên cần chọn những đề tài thật cụ thể để nghiên cứu; giới hạn, khoanh vùng phạm vu, lĩnh vực nghiên cứu. Điều này giúp sinh viên tập trung và định hình được vấn đề nghiên cứu, đồng thời việc tìm kiếm tài liệu sẽ dễ dàng hơn.

Bố cục, nội dung đề tài nghiên cứu phải thống nhất. Đặc biệt, đối với phần lý thuyết hay cơ sở lý luận thường có nhiều tài liệu liên quan, sinh viên cần phải biết chọn lựa ra phần lý thuyết nào sát với đề tài, từ đó đề xuất cách giải quyết cho vấn đề đặt ra.

Xây dựng kế hoạch nghiên cứu phù hợp, phải đặt ra cách tiếp cận đề tài dựa vào sự ràng buộc về thời gian, kinh phí, kỹ năng của từng sinh viên. Chúng ta phải thấy được đề tài liên quan đến vấn đề nào và trả lời cho câu hỏi gì.

Việc báo cáo phải rõ ràng, logic, cần nêu rõ vấn đề nào người khác đã làm và những đóng góp của sinh viên trong đề tài. Phải trung thực tuyệt đối trong quá trình báo cáo và thực hiện nghiên cứu đề tài, tránh sao chép và không trích dẫn rõ ràng nguồn tài liệu tham khảo.

Bên cạnh những vấn đề lý luận được đưa ra, sinh viên cần kiên trì theo đuổi vấn đề đang nghiên cứu, sự thành công của các bạn phụ thuộc vào sự nỗ lực rất lớn trong việc dành nhiều thời gian giải quyết vấn đề đang đặt ra.

Một kinh nghiệm nữa, đó là các bạn sinh viên cần tiếp cận với những thầy cô đang có nhiều vấn đề nghiên cứu vì họ sẽ giúp tìm ra một đề tài khả thi, phù hợp với khả năng của các bạn.

Tóm lại, việc nghiên cứu không có gì xa vời. Nó bắt nguồn từ những việc rất nhỏ như sinh viên tự tìm đọc tài liệu, các công trình nghiên cứu trên các tạp chí khoa học, trao đổi với nhau và với các thầy cô trên lớp, thực hiện các bài tiểu luận môn học, khóa luận tốt nghiệp hay cao hơn là các đề tài nghiên cứu độc lập. Sinh viên cần tích lũy kiến thức ngay từ lớp học và từng môn học để chuẩn bị hành lang tốt nhất trước khi bước vào nghiên cứu.

Hiếu Nguyễn (thực hiện)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ