Từ kinh nghiệm thực tế,học sinh thường lúng túng khi xây dựng cốt truyện, lời văn kể, cô Trần Thị Bích Thảo - giáo viên Trường THCS Giảng Võ (Hà Nội) - chia sẻ kinh nghiệm rèn kỹ năng cho học sinh ở hai nội dung này.
Phân biệt cốt truyện đạt yêu cầu hay chưa đạt qua văn bản đối chiếu
Từ cơ sở lý luận trên kết hợp từ thực tế dạy học, cô Trần Thị Bích Thảo đặt ra một số cách để rèn học sinh kỹ năng làm bài tự sự; trong đó, cách đầu tiên là phân biệt cốt truyện đạt yêu cầu hay chưa đạt qua văn bản đối chiếu.
Học làm văn cũng như học vẽ, bao giờ cũng phải để cho học sinh tiếp xúc với văn bản mẫu và kể cả các văn bản chưa đạt yêu cầu về nội dung cốt truyện. Có tiếp xúc, học sinh mới rút được kiến thức về cốt truyện, từ đó tự xây dựng cốt truyện cho bài làm của mình.
Nhấn mạnh điều này, cô Trần Thị Bích Thảo cho biết, ngoài các bài tập trong SGK, mình thường cung cấp cho HS các bài làm văn do chính các em viết. Các bài làm này có ưu điểm là gần gũi với HS về cả giọng văn; về nội dung nên các em có thể hiểu được yêu cầu của một bài văn tự sự như thế nào.
Việc đưa ra hai văn bản đối chiếu sẽ giúp học sinh hiểu rằng: một trong những thao tác quan trọng khi kể chuyện là phải xây dựng được tình huống và phải biết dẫn dắt tình tiết trong tình huống để tạo nên sự bất ngờ và đó chính là cái hay của bài. Sau khi so sánh hai văn bản, khuyến khích học sinh nào mắc nhược điểm tương tự về nội dung bài làm thì viết lại.
Rèn học sinh cách xây dựng cốt truyện từ các tiết “Đọc - hiểu văn bản”.
Các văn bản tự sự trong chương trình đều là những văn bản rất hay, xứng đáng là mẫu để học sinh học tập cách xây dựng cốt truyện cho bài làm của mình. Từ suy nghĩ đó, cô Thảo đã bắt tay vào hướng dẫn học sinh ngay trong các tiết “Đọc - Hiểu văn bản” ở lớp 8.
Để học sinh nắm được đặc điểm cốt truyện ở mỗi văn bản được học, cô Thảo cho biết không dạy theo nhân vật như sách giáo viên và GSK hướng dẫn mà dạy theo đặc điểm cốt truyện, cách kể và xây dựng nhân vật của tác giả.
Đến phần tổng kết, ngoài việc hướng dẫn học sinh chốt lại chủ đề của văn bản, giáo viên chốt lại đặc điểm cốt truyện, cách xây dựng nhân vật.
Phần luyện tập, ngoài các bài tập trắc nghiệm để kiểm tra kiến thức đọc hiểu văn bản, các bài tập cảm thụ, co Thảo cho biết luôn có thêm dạng bài tập yêu cầu học sinh xây dựng cốt truyện dựa theo cốt truyện đã được học.
Hướng dẫn xây dựng nội dung kể theo một số dạng đề
Thông thường những đề trong SGK thuộc 3 dạng: Kể về một chuyện (kể lại một kỉ niệm đáng nhớ; kể về một lần em nói dối; kể một chuyện hài hước, kể một lần em mắc khuyết điểm khiến em ân hận mãi...); kể một nhân vật (kể về một người bạn của em; người ấy sống mãi trong tôi); kể lại một chuyện theo ngôi kể mới.
Nhìn vào 3 dạng đề, có thể thấy được sự khác biệt của chúng. Yêu cầu của dạng đề đầu tiên là phải làm rõ diễn biến của chuyện; và chỉ một chuyện thôi. Yêu cầu cơ bản của dạng đề 2 là khắc hoạ được chân dung nhân vật chính. Yêu cầu cơ bản của dạng đề 3 là biết dùng lời kể phù hợp với ngôi kể mới. Trong ba dạng đó khó hơn cả là hai dạng đầu. Bởi nếu không nắm được cách xây dựng nội dung thì bài của các em thường nhạt nhẽo, lan man không thể hiện được chủ đề.
SGK có 1 tiết luyện tập kể chuyện đời thường (học kỳ 1 lớp 6) và sách cho rất nhiều đề. Không có một hướng dẫn nào về các dạng đề và phương pháp làm từng dạng. Để giúp học sinh chủ động xây dựng nội dung chuyện, cô Thảo làm như sau:
Yêu cầu học sinh đọc kĩ đề, xác định đề yêu cầu kể diễn biến chuyện hay yêu cầu kể chân dung nhân vật.
Chỉ rõ cho học sinh thấy rằng nếu đề yêu cầu kể một chuyện thì phải làm rõ nguyên nhân, diễn biến, kết cục của chuyện đó, và qua chuyện kể thì nhân vật chính rút ra được bài học gì. Chỉ rõ cho học sinh thấy rằng nếu đề yêu cầu kể về một nhân vật thì phải làm rõ nhân vật đó có đặc điểm nổi bật gì về ngoại hình; tình huống nào thể hiện rõ phẩm chất đáng nhớ nhất của nhân vật đó và phải kể tỉ mỉ tình huống đó
Hướng một số nội dung chuyện kể để học sinh lựa chọn. Ví dụ đề bài yêu cầu kể về một kỉ niệm đáng nhớ, giáo viên gợi ý HS có thể kể về một chuyến đi thú vị; về một lần nghịch dại hoặc lầm lỗi khiến nhân vật ân hận mãi; một lần làm được một việc gì đó mà chưa bao giờ làm được và từ đó nhân vật thấy rằng cần tự tin, mạnh dạn;
Cũng có thể kể một lần nói dối bị phát hiện để thấy rằng nói dối là điều không nên; có thể kể một chuyện hiểu lầm để rút ra bài học cần phải bình tĩnh sáng suốt hơn; có thể kể một chuyện cảm động về một người thân hay bè bạn...
Với sự hướng dẫn này cộng với việc rèn luyện xây dựng nội dung kể qua các tiết “Đọc - Hiểu văn bản”, học sinh sẽ tự mình tìm một nội dung kể mà mình thấy thích nhất.
Rèn lời kể linh hoạt, sinh động
Nhiều học sinh thường lúng túng khi viết lời kể. Có thể các em có nội dung kể nhưng không biết phải kể như thế nào cho sinh động, bài được dài. Để giúp HS viết lời kể được tốt hơn, ngay khi dạy cách làm bài tự sự ở lớp 6, cô Thảo chia sẻ cách làm như sau:
Qua bài tập đối chiếu chỉ cho học sinh thấy khi kể về một sự việc hay một chi tiết người ta thường phối hợp giữa các yếu tố kể việc, tả, bộc lộ cảm xúc, giải thích; trong đó yếu tố kể việc là quan trọng nhất. Muốn viết ngắn chỉ cần dùng yếu tố kể; nếu cần viết dài cần dùng các yếu tố còn lại.
Chỉ cho các em thấy khi kể, người ta thường phối hợp các kiểu câu: câu trần thuật, câu nghi vấn, câu đảo trật tự cú pháp; câu ngắn câu dài để phù hợp với ngôi kể.
Cũng với đoạn trên, nếu kể ở ngôi thứ nhất thì lời kể cần thay đổi. Qua đoạn văn thứ ba đối chiếu, giáo viên chỉ cho các em thấy sự thay đổi ấy.
Sau khi HS đã quan sát các đoạn văn đối chiếu, giáo viên tập cho các em viết từng đoạn kể một sự việc hay một tình tiết trong chuỗi sự việc.
Lúc đầu, yêu cầu các em viết ngắn, dùng toàn các yếu tố kể có kèm thêm yếu tố giải thích, sau đó yêu cầu các em viết dài hơn có sử dụng thêm yếu tố tả, yếu tố cảm xúc của nhân vật. Để các em có thể viết được dễ, lúc đầu tôi quy định số câu. Khi các em đã quen rồi thì không quy định số câu nữa.
Yêu cầu HS đọc nhiều bài tham khảo để rèn luyện lời kể, có thêm kiến thức về cốt truyện
Học tập làm văn là học kỹ năng viết văn. Cho nên, việc quan sát mẫu là rất cần thiết. Bởi thế, cô Trần Thị Bích Thảo yêu cầu HS đọc truyện, đọc sách tham khảo nhiều.
"Tôi không chỉ yêu cầu các em đọc mà phải tóm tắt nội dung cốt truyện, chép lại những đoạn hay về lời kể. Việc này, chủ yếu tôi làm ở năm học lớp 7, lớp 8. Tôi thu bài làm của các em, kiểm tra và biểu dương những em nào làm tốt, cho điểm một số em làm tốt nhất.
Biện pháp này có tác dụng củng cố kiến thức làm bài tự sự, tạo thói quen đọc sách báo, làm tăng vốn kiến thức cho các em. Tôi cũng hướng các em đọc những quyển truyện phù hợp với lứa tuổi, có chất văn. Đó là một số tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh; các tác phẩm hay như: “Dế mèn phiêu lưu ký”, “Đất rừng phương Nam”, “Cánh buồm đỏ thắm”, “Những tấm lòng cao cả”, “Truyện cổ An-đéc-xen”…" - cô Trần Thị Bích Thảo chia sẻ thêm.