Kinh nghiệm quý hướng dẫn sinh viên Lịch sử cách tự học

GD&TĐ - Lịch sử là bộ môn vừa mang tính khoa học, phát triển, vừa có nghĩa giáo dục cao. Việc học tập Lịch sử không chỉ đòi hỏi sinh viên nắm vững hệ thống kiến thức chuyên ngành, mà còn phải hình thành kĩ năng, nghiệp vụ sư phạm của giáo viên trong tương lai.

Kinh nghiệm quý hướng dẫn sinh viên Lịch sử cách tự học

Muốn vậy, ngay từ năm thứ nhất, sinh viên sư phạm phải được rèn luyện các kĩ năng tự học, tự giáo dục và nghiên cứu khoa học. Đó là quan điểm của thầy Nguyễn Manh Hưởng (Khoa Lịch sử, Trường ĐHSP Hà Nội).

Xuất phát từ góc độ của người nghiên cứu, từ những kinh nghiệm trong đào tạo giáo viên dạy Sử nhiều năm qua và đúc kết quá trình tự học, tự nghiên cứu ở khoa Lịch sử Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, thầy Nguyễn Manh Hưởng chia sẻ, trao đổi một số biện pháp hiệu quả trong việc hướng dẫn sinh viên rèn luyện kĩ năng tự học.

Nâng cao nhận thức về rèn luyện kĩ năng tự học

Theo đó, sinh viên cần xác định mục đích học tập một cách rõ ràng, bằng cách đặt ra và trả lời cho được câu hỏi: Học cái gì? Học để làm gì? Học để phục vụ ai? Những kĩ năng tự học cần phải rèn luyện là gì?...

Cũng để nâng cao nhận thức về rèn luyện kĩ năng tự học, sinh viên cần tham gia tích cực, thường xuyên, có hiệu quả trong các buổi giao lưu, trao đổi, tọa đàm về phương pháp học tập. Đồng thời, chịu khó tham khảo các loại tài liệu, sách, báo, tạp chí về hướng dẫn tự học và học hỏi kinh nghiệm tự học của những thế hệ sinh viên đi trước.

Rèn kĩ năng lập kế hoạch tự học

Đó là biết cách bố trí, sắp xếp công việc giữa tự học trên giảng đường với tự học ở nhà, dự định kế hoạch thực hiện của cá nhân phù hợp về thời gian, sức khỏe, điều kiện cho phép,...

Việc xây dựng kế hoạch tự học phải đảm bảo những yêu cầu sau: Nâng cao tính tích cực, tự giác, ý thức kỉ luật trong học tập và cuộc sống; đảm bảo thời gian tự học cho từng môn tương ứng với khối lượng kiến thức, tránh tình trạng “chồng chéo” bài tập;

Đảm bảo xen kẽ luân phiên hợp lí các dạng tự học, các môn học khác nhau; đảm bảo tính mềm dẻo, thực tế tiết kiệm thời gian, biết tự kiểm tra, điều chỉnh kế hoạch tự học; người học cần kiên trì và có quyết tâm vượt khó, không nản chí, tập trung tư tưởng.

Để xây dựng kế hoạch tự học, sinh viên cần: Thống kê các công việc cần làm (trong một năm, một kì, một tháng, một tuần, một ngày...); Xác định quỹ thời gian tự học ở nhà, trên lớp, tại thư viện,...; Xác định yêu cầu cần đạt được trong mỗi công việc (ví dụ mốc thời gian, mức độ hoàn thành một bài tập lịch sử,.); Sắp xếp và phân phối thời gian cho từng công việc; Kiểm tra lại tính hợp lí của kế hoạch.

Rèn kĩ nâng đọc sách và tài liệu tham khảo

Các kĩ năng này giúp sinh viên hoàn thiện, khắc sâu và mở rộng tri thức đã được tiếp thu. Trong quá trình đọc sách, sinh viên cần được rèn luyện phương pháp học, đọc tài liệu khoa học, tư duy phân tích có phê phán.

Để tự đọc sách đạt hiệu quả, sinh viên cần thực hiện những công việc cụ thể:

Phải xác định được mục đích rõ ràng: Đọc cái gì? Đọc để làm gì? Từ đó, định hướng việc khai thác những nội dung cần thiết trong sách, biết lựa chọn sách cần đọc và phương pháp đọc phù hợp.

Phải chọn lọc sách phù hợp, đảm bảo đúng nội dung thông tin cần nghiên cứu, biết cách lựa chọn tư liệu (qua internet, qua thư mục ở thư viện...).

Xác định các phương pháp đọc sách phù hợp như: Đọc lướt qua nhằm tìm hiểu nội dung khái quát của sách theo trình tự (tên tác giả, tác phẩm, nhà xuất bản, nơi/năm xuất bản);

Đọc Mục lục, Lời giới thiệu để hiểu khái quát về nội dung của cuốn sách; đọc kĩ nội dung cơ bản của cuốn sách để có cơ sở nhận xét, đánh giá những chi tiết quan trọng về nội dung và kết cấu của sách;

Đọc đi đọc lại nhiều lần một quyển sách; đọc có trọng điểm: Tìm và đọc kĩ những phần có liên quan đến vấn đề cần nghiên cứu,...

Tích cực tư duy khi đọc sách, phối hợp các thao tác tư duy (như phân tích, khái quát hóa, hệ thống hóa) để phát hiện ra thuộc tính bản chất và không bản chất, cái chủ yếu và không chủ yếu được nêu ra trong sách; rút ra nhận xét đánh giá, kết luận nội dung, kết cấu của cuốn sách.

Có tốc độ đọc hợp lí để nắm được nội dung, các thuật ngữ mới và khó; biết sử dụng từ điển hoặc sách hướng dẫn; luyện tập đọc nhanh; rèn luyện cách đọc bằng mắt, đọc nhẩm, vừa đọc vừa nắm bắt nhanh những nội dung trong sách.

Biết ghi chép một cách khoa học những nội dung đã học. Khi ghi chép một đoạn tài liệu, sinh viên có thể trích dẫn, ghi một câu/một phần dựa theo mục đích sử dụng, giữ đúng thông tin và ý tác giả.

Ví dụ, khi đọc tài liệu tham khảo về nhà Nguyễn, giáo viên phải định hướng cho sinh viên hiểu được đây là vấn đề còn nhiều tranh luận, thậm chí trái ngược nhau...

Cần trích dẫn cụ thể, tìm hiểu rõ quan điểm đó là của tác giả nào, trong tác phẩm nào, xuất bản năm nào, được trích ở trang số bao nhiêu,... Bên cạnh đó, giáo viên cũng phải tích cực suy nghĩ để đưa ra những quan điểm của bản thân mình,...

Rèn kĩ năng nghiệp vụ sư phạm

Viết bảng: Từ năm thứ nhất, sinh viên phải được hướng dẫn luyện các kĩ năng viết chữ trên bảng đen, vừa giảng bài, vừa viết bảng, vẽ sơ đồ, biểu đồ trên bảng,...

Trước khi đi thực tập sư phạm ở các trường phổ thông, sinh viên phải đáp ứng những yêu cầu về viết nhanh, rõ ràng, thẳng hàng, tư thế viết bảng thoải mái tự nhiên,...

Cách diễn đạt nói trong tự học: Kĩ năng này có vai trò quan trọng trong rèn luyện nghiệp vụ sư phạm. Nhiều sinh viên từ năm thứ nhất đã có những hạn chế như, nói ngọng giữa “l” và “n”, không phân biệt được giữa “r”, "gi” và “d”, không phát âm được dấu hỏi (?) và ngã (~), phát âm quá nặng hoặc quá nhẹ giữa “s” với “x” và “tr” với “ch”; hoặc nói quá nhanh hay quá chậm, quá to hoặc quá nhỏ, nói nhát gừng, trúc trắc, lủng củng không rõ ràng, mạch lạc từng câu/chữ,...

Để khắc phục các lỗi diễn đạt trên, trong quá trình học tập trên lớp, sinh viên cần: Tích cực tham gia các buổi thảo luận, xemina; mạnh dạn phát biểu trước tập thể, không rụt rè, e ngại, hoặc che dấu khuyết điểm;

Rèn luyện thái độ bình tĩnh, mạnh dạn khi trình bày quan điểm của mình; chuẩn bị kĩ nội dung, luyện giọng nói ở nhà trước khi phát biểu vấn đề; chú ý cả nội dung và tác phong khi diễn đạt, có vốn từ phong phú thông qua đọc sách báo, các tài liệu thường xuyên ở nhiều lĩnh vực khác nhau; nhờ bạn bè nhắc nhở những lỗi của mình khi phát âm để tự sửa chữa,...

Rèn kĩ năng sử dụng đồ dùng trực quan

Hiện nay, việc sinh viên tự học bằng đồ dùng trực quan còn hạn chế, thậm chí nhiều em không có những hiểu biết tối thiểu về bản đồ địa lý, thường “hiện đại hóa” địa danh.

Vì vậy, để rèn luyện tốt kĩ năng này, sinh viên cần vận dụng triệt để đồ dùng trực quan trong quá trình học tập và nghiên cứu Lịch sử.

Ví dụ, khi học đến một địa danh mới mà mình chưa biết, ngay lập tức sinh viên phải xem bản đồ tìm vị trí của nó ở đâu, có ảnh hưởng thế nào đến sự kiện đang nghiên cứu, dùng bản đồ để học diễn biến các trận đánh.

Khi sử dụng đồ dùng trực quan, mỗi sinh viên phải tự trang bị những hiểu biết tối thiểu về địa lý như kí hiệu đường biên giới, địa hình, sông ngòi, khí hậu, dân cư; biết tự xây dựng bản đồ phục vụ học tập chuẩn bị cho thực tập sư phạm và việc giảng dạy trong tương lai,...

Rèn kĩ năng tự kiểm tra đánh giá

Điều này giúp các sinh viên biết thu thập thông tin về quá trình học tập của mình (kiến thức tiếp thu được, năng lực vận dụng, phong cách và thái độ học tập, các chỉ tiêu đạt được do yêu cầu của nhà trường, thầy cô và bản thân đề ra);

Biết điều chỉnh một cách kịp thời quá trình học tập, khẳng định các kết quả đã đạt được, tạo niềm tin vào bản thân; phát hiện những sai lầm thiếu sót trong quá trình tự học để có biện pháp khắc phục sửa chữa.

Ngoài ra, giáo viên cần định hướng cho sinh viên tự tái hiện lại những kiến thức đã học; biết trình bày lại nội dung cho người khác nghe, kiểm tra; lập dàn ý đề cương những vấn đề đã nghiên cứu; tự trả lời các câu hỏi, bài tập trong mỗi bài, mỗi chương trong sách giáo khoa; so sánh, đối chiếu bài tự làm với bài học.

Quá trình tự kiểm tra không tách rời quá trình tự đánh giá. Đánh giá trong tự học thực chất là người học tự ý thức về trình độ, khả năng nhận thức của bản thân với kết quả hoặc phương pháp tự học mà mình đã thực hiện, qua đó đối chiếu giữa cái mà mình thực hiện với mục đích cần đạt.

Để đánh giá một cách đúng đắn, khách quan kết quả học tập của mình, sinh viên cần dựa vào ý kiến nhận xét của thầy cô, bạn bè, căn cứ vào mục đích, yêu cầu kế hoạch học tập đã đề ra trong tuần, tháng/năm; so sánh với mục tiêu, yêu cầu, nội dung của môn học, giáo trình mà giảng viên đã định hướng từ trước.

Quá trình tự kiểm tra, đánh giá như vậy nếu được tiến hành thường xuyên sẽ trở thành kĩ xảo, giúp sinh viên có khả năng củng cố và nắm chắc những kiến thức cơ bản; ngược lại, việc học tập sẽ chỉ mang tính “đối phó” với các kì kiểm tra hoặc học lấy lệ, tất yếu sẽ ảnh hưởng không tốt tới kết quả học tập của người học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ