Đó là chia sẻ của cô Trần Thị Thùy Dung – Hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Ngọc Hân (TP Lào Cai).
Giáo viên đồng hành với học sinh
Nguyên tắc hoạt động nhóm, lớp học có chất lượng phải là tất cả mọi người được báo cáo, ai cũng được nhận xét, ai cũng tham gia vào công việc chung; không có người đứng ngoài, không có người làm thay việc của người khác.
Kinh nghiệm của cô Dung là: Tổ chức cho giáo viên thấy rõ vai trò của hoạt động nhóm, nhóm học tập là đặc trưng của lớp học VNEN. Mọi hoạt động học hầu như diễn ra ở nhóm.
Mỗi nhóm học tập có từ 4 đến 6 học sinh, chia thành 2 hoặc 3 cặp đôi. Nhóm trưởng là người nhận nhiệm vụ từ giáo viên, điều hành hoạt động của nhóm và báo cáo kết quả học tập của nhóm với giáo viên.
Cô Dung nhấn mạnh: Mỗi giáo viên cần lưu ý đến hoạt động nhóm như: Giáo viên phải hướng dẫn học sinh biết tự học là chính, thông qua tự trải nghiệm, khám phá, nghiên cứu tài liệu để có được những hiểu biết cá nhân về việc học tập. Sau nghiên cứu cá nhân là chia sẻ trong cặp đôi.
Học sinh có thể đổi vở để kiểm tra bài làm của bạn; nói cách nghĩ, cách làm bài cho bạn nghe; tiếp thu góp ý của bạn; điều chỉnh ý kiến; kết quả của mình.
Chia sẻ trong cặp đôi giúp học sinh kiểm tra hiểu biết của bản thân, tiếp thu góp ý của bạn, bảo vệ chính kiến của mình giúp học sinh tiếp cận vấn đề theo những góc độ khác nhau.
Khích lệ tính tự giác của mỗi học sinh
Khích lệ tính tự giác, tự học của mỗi thành viên trong nhóm |
Dù học ở dưới hình thức nào thì nhóm trưởng vẫn phải kiểm soát và hỗ trợ các bạn học tập, đảm bảo hoạt động trong nhóm theo sự logic cá nhân nhóm đôi, nhóm lớp, biết lấy mục tiêu tiết học để đánh giá tiết học, hiểu được cái cần tìm để đối chiếu với cái đã tìm.
Học nhóm trong lớp học VNEN đòi hỏi tự giác của mỗi cá nhân, tự quản của tập thể nhóm. Tự học – chia sẻ - trao đổi nhóm là quy trình hoạt động nhóm trong lớp học VNEN chất lượng và văn minh.
Theo đó, mỗi giáo viên phải có tác động đến từng học sinh để ở từng giai đoạn trong quy trình, giáo viên kịp thời giúp đỡ, điều chỉnh bổ sung, hoạt động tự học là quan trọng nhất, tự học để có hiểu biết về vấn đề học tập của riêng mình.
Ban đầu những hiểu biết này có thể đúng, có thể chưa đúng, nhưng nhất thiết mỗi cá nhân phải có kết quả học tập của riêng mình. Chia sẻ trong cặp đôi để học sinh kiểm tra nhận thức, kết quả của mình, của bạn, điều chỉnh để có kết quả đúng.
Trao đổi nhóm một mặt để kiểm tra kết quả, một mặt để học sinh trình bày, bảo vệ chứng kiến, tiếp thu ý kiến của bạn. Hoạt động nhóm tạo môi trường, động lực để mỗi học sinh thể hiện khả năng nhận thức, giao tiếp, chia sẻ, hợp tác của mình.
“Một điều quan trọng mà tôi đã rất nỗ lực để cho giáo viên phải nhận thấy rất rõ ràng đó là: Hoạt động nhóm không thể thay thế tự học của cá nhân.
Tự học tạo ra nội lực, từ nội lực đó các em mới có hiểu biết mới có thể chia sẻ trong cặp đôi hay trao đổi trong hoạt động nhóm.
Và mỗi giáo viên phải ghi nhớ khả năng và tốc độ học của học sinh không đều nhau, giáo viên chú ý hỗ trợ học sinh yếu để các em tham gia nhiều hơn trong hoạt động học, có như vậy các em mới có thêm hiểu biết và tự tin trong quá trình học tập” – Cô Dung trao đổi.
Việc học nhóm được thực hiện cơ bản qua các việc làm cụ thể: Đầu tiên là việc chuẩn bị bài học, việc này thuộc trách nhiệm của hội đồng tự quản, các nhóm học tập.
Học sinh đọc mục tiêu bài học, nhóm trưởng chuẩn bị cách thức tổ chức cho nhóm. Các thành viên chuẩn bị các câu hỏi và phương án trả lời hay nhất để chia sẻ với nhóm.
Trước khi bước vào tiết học cô giáo cùng các nhóm trưởng thảo luận nhanh thống nhất cách tổ chức thực hiện. Với cách học này học sinh chủ động tìm tòi các câu hỏi, câu trả lời hay để chia sẻ với các bạn trong nhóm.
Để hoạt động nhóm có hiệu quả thì việc làm quan trọng nhất của giáo viên là phải tạo cơ hội và kiểm soát được hoạt động của từng cá nhân trong nhóm, đánh giá và theo dõi sự phát triển năng lực của từng cá nhân học sinh.