Kinh nghiệm giảng dạy về giới tính sức khỏe sinh sản

GD&TĐ - Hội thảo Giáo dục giới, sức khỏe tình dục và sinh sản cho thanh thiếu niên được Bộ GD&ĐT phối hợp với UNESCO tổ chức mới đây tại Hà Nội, đã gợi mở những kinh nghiệm quý từ các thầy cô giáo đang hàng ngày vun đắp kiến thức sức khỏe sinh sản (SKSS) cho học sinh.

Kinh nghiệm giảng dạy về giới tính sức khỏe sinh sản

Đưa tình huống để vẽ đúng đường cho “hươu chạy”

Rất nhiều vấn đề từ những chuyện của tuổi dậy thì khi cơ thể thay đổi đến những mối quan hệ, tình bạn, tình yêu được Bộ GD&ĐT phối hợp với UNESCO, Trung tâm Tình nguyện quốc gia đưa ra trong 3 cuốn tài liệu “Chuyện của người đang lớn” dành cho các đối tượng không chỉ là học sinh phổ thông mà còn là nguồn thông tin đáng tin cậy đối với các bậc phụ huynh và thầy cô giáo.

Theo bà Đỗ Thị Kim Hoa, Phó Giám đốc Trung tâm Tình nguyện quốc gia, Trung ương Đoàn TNCS HCM: “Đây đều là các tình huống do chính các em học sinh đặt ra trong cuộc trưng bày đề tài này, từ tháng 11/2013 - 4/2014. Nhiều câu hỏi, tranh luận, những thắc mắc và bày tỏ được học sinh phổ thông gửi đến diễn đàn và trên cơ sở đó, các chuyên gia đã đưa ra những lời giải đáp thỏa đáng giúp các em định hình, ý thức rõ ràng về tuổi dậy thì, các mối quan hệ và tình dục lành mạnh”.

Các cuốn sách được đề cập đến những vấn đề nhạy cảm với cách tiếp cận thẳng theo dạng hỏi đáp. Câu hỏi được một bạn nữ, 17 tuổi đặt ra là: “Em đang học lớp 10. Đôi khi em nghĩ đến tình dục. Là con gái mà suy nghĩ bậy bạ như vậy có bị xem là tồi tệ?”. Với câu hỏi này, các chuyên gia cho biết: “Điều này xảy ra không phân biệt em là nam hay nữ, vì thế khi em nghĩ đến “chuyện ấy” không có gì là tồi tệ cả… Dưới tác động của hoóc môn giới tính, em dường như cảm nhận rõ hơn sự hấp dẫn giới tính. Em có thể thích ai đó và có những ham muốn tình dục…”.

Tiếp cận kiến thức để hoàn thiện bản thân

Theo các chuyên gia SKSS thì để giúp các bạn thanh thiếu niên trong xã hội có được một cuộc sống lành mạnh về mặt thể chất và tinh thần đòi hỏi chúng ta phải nhìn thẳng vào phương pháp giáo dục và cách thức tiếp cận với kiến thức hiện nay về giới tính SKSS cho thanh thiếu niên. Từ đó những câu hỏi “tế nhị” thường xuất hiện trong suy nghĩ của tuổi đang lớn phải được đặt ra và có giải đáp thỏa đáng.

Đơn cử như “Tình dục là gì? Làm thế nào để có tình dục đẹp và an toàn?” - Thắc mắc được các chuyên gia giải đáp rằng tình dục là một phần tự nhiên của cuộc sống nên tìm hiểu về tình dục không có gì là xấu hay phi đạo đức. Quan hệ tình dục một ngày nào đó sẽ trở thành niềm vui, một điều có ý nghĩa trong đời sống mỗi người. Nhưng quan hệ tình dục khi bạn chưa sẵn sàng hoặc quan hệ với người không có trách nhiệm chẳng những không mang lại niềm vui mà còn nguy hiểm nữa.

Bên cạnh các câu hỏi đáp, bộ tài liệu còn đưa ra lời khuyên an toàn như không nhận quà vì có thể ai đó cho quà với ý định không tốt. Nói không khi ai đó sờ soạng, đụng chạm theo cách bạn thấy khó chịu, kể cả là người thân quen. Bỏ chạy khi ai đó cố tình gây hại hoặc làm bạn tổn thương.

Hét to và tạo ra tiếng động khi cảm thấy nguy hiểm. Không im lặng và trốn tránh những chuyện xảy ra liên quan đến bạn và làm bạn bị tổn thương. Nói với ai đó để được hỗ trợ khi bạn là nạn nhân, chứng kiến hay nghi ngờ có xảy ra lạm dụng, xâm hại hay cưỡng bức..

TS Ngũ Duy Anh, Vụ trưởng Vụ Công tác Học sinh, Sinh viên (Bộ GD&ĐT) cho biết: Tình trạng mang thai ngoài ý muốn và số người nhiễm HIV/AIDS trong nước vẫn tiếp tục gia tăng một phần do thanh thiếu niên chưa hiểu biết đúng và đầy đủ về SKSS. Đặc biệt, tuổi học trò được cho là giai đoạn có rất nhiều thay đổi về thể chất, thích thể hiện mình. Với tài liệu này, hy vọng giáo viên sẽ được trang bị tốt hơn để giải đáp các thắc mắc và nghi vấn của học sinh, phụ huynh liên quan đến giới, SKSS và tình dục. Mong muốn cộng đồng phối hợp với nhà trường tăng cường tuyên truyền giúp các em có một tương lai tốt đẹp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ