Kinh nghiệm du học: Cần làm gì để tránh… bỏ cuộc?

Kinh nghiệm du học: Cần làm gì để tránh… bỏ cuộc?

Thế nhưng, kinh nghiệm của một chàng trai trẻ đi du học từ hồ sơ không quá xuất sắc sẽ giúp cho nhiều bạn thay đổi ý định bỏ cuộc.

Chống "sốc văn hóa"

Tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM (Ngành Kỹ thuật In), Phạm Nhật Huy Thông quyết tâm xin học bổng du học và "xách ba lô" từ năm 2017. Hồ sơ của Thông thời điểm đó không có gì quá nổi bật. Tuy nhiên, nhờ tìm tòi và trải qua nhiều thất bại để rút ra kinh nghiệm, chàng trai này đã thành công.

Thông đạt được học bổng Irish Aid của chính phủ Ireland cấp cho công dân Việt Nam. Học bổng của Thông hỗ trợ cho bậc học thạc sỹ ngành Quản trị chuỗi cung ứng. Đây cũng là ngành khác xa hoàn toàn với bậc đại học của chàng trai này. 

Kể từ khi sang nước bạn, cho đến nay Thông đã hoàn thành chương trình học và cũng có công việc ổn định. Thông đã trải qua nhiều khó khăn, đi được nhiều quốc gia và đặc biệt là đúc kết được nhiều kinh nghiệm quý báu để chia sẻ. Đây cũng được coi là "cẩm nang" hữu ích cho nhiều bạn trẻ có ý định du học.

Hãy tìm hiểu văn hóa của đất nước mình có ý định du học hoặc sẽ du học là lời khuyên Thông dành cho mọi người. Câu chuyện tưởng chừng như chẳng có gì phải tìm hiểu, cứ đến sinh sống và học tập thôi. 

Thế nhưng, những tình huống "sốc văn hóa" đã xảy ra nhiều đối với du học sinh. Ngay cả Phạm Nhật Huy Thông là du học sinh đã tốt nghiệp đại học, có nhiều kinh nghiệm sống hơn so với những du học sinh THPT, thế nhưng, chàng trai này vẫn gặp trở ngại lớn khi rơi vào tình huống "sốc văn hóa nhẹ". Ở nước ngoài, đây cũng chính là vấn đề lớn đối với nhiều bạn trẻ.

Thông chia sẻ: "Khó khăn lớn nhất với mình khi sống ở nước ngoài đó là rất khó kết bạn. Mỗi khi nhóm bạn ngồi với nhau cần có tiếng nói chung, câu chuyện chung. Còn mình, không hề có một khái niệm gì về chương trình ca nhạc, ca sĩ nổi tiếng, môn thể thao đặc trưng, hay nét văn hóa nào của nơi mình đang sống. 

Lúc này, dù bạn bè có nói "trên trời dưới biển" thì mình không thể góp được một tiếng nói nào. Việc này ảnh hưởng đến tinh thần của mình khá nhiều, nhất là người mới xa nhà thì sốc tâm lý cũng khó tránh khỏi khi có quá ít bạn bè và luôn cảm thấy thu mình".

Sau một thời gian, Thông đã "sốc lại tinh thần" để khắc phục vấn đề này bằng cách tìm hiểu văn hóa của nơi mình đang sinh sống. Đó không chỉ là việc bạn có thể tiếp xúc với người bản xứ, giao lưu bạn bè một cách vui vẻ. 

Hiểu về văn hóa đất nước mình du học sẽ khiến bạn có nhiều kỹ năng để quản lý cuộc sống tốt hơn. Thêm nữa, vui vẻ thoải mái khiến bạn không khép mình lại, mọi thứ trở nên dễ dàng và thành công hơn.

Thông cho rằng: "Trước khi lên đường, bạn có thể dành thật nhiều thời gian tìm hiểu trên mạng. Nó sẽ không khiến bạn hoà nhập ngay lập tức như một người bản xứ được. Nhưng nó sẽ giúp bạn kết nối với xã hội địa phương dễ dàng hơn rất nhiều. 

Tìm hiểu về văn hóa ở đây không chỉ là đặc trưng người dân nơi mình học tập, sinh sống mà còn xem ẩm thực như thế nào, ngày lễ tết của họ ra sao, họ yêu - ghét điều gì… Bởi không ít du học sinh chưa hiểu rõ cách sinh hoạt của người bản xứ sẽ khiến cuộc sống loay hoay như người thường xuyên mắc lỗi. Và điều đó thì có vẻ tệ hại với nhiều bạn trẻ mới xa nhà".

Hãy trở thành người kiến tạo

Đối với du học sinh, phương pháp học tập hiệu quả nhất là đóng góp ý kiến xây dựng và chia sẻ kiến thức.

Kinh nghiệm du học: Cần làm gì để tránh… bỏ cuộc? ảnh 1
Phạm Nhật Huy Thông – du học sinh Việt từng chia sẻ nhiều kinh nghiệm cho các bạn trẻ chuẩn bị đi nước ngoài.

Học thụ động và chỉ lắng nghe ý kiến người khác là không công bằng, nên bạn luôn được khuyến khích thảo luận bằng cách chấm điểm từ chính những thành viên khác trong nhóm.

Hiện, Thông là Sales and Operations Planning Manager, đây là công việc quản lí phòng kế hoạch. Thông sẽ lên kế hoạch sản xuất và phân tích nhu cầu khách hàng, từ đó có thể tối ưu quá trình vận hành, sản xuất của công ty.

May mắn được đến và làm việc ở nhiều quốc gia với nhiều nền văn hóa khác nhau, Thông đã có kinh nghiệm trong việc tiếp thu các giá trị từ nhiều đất nước. Chàng trai này cho rằng, thụ động chính là điểm trừ rất lớn cho du học sinh.

Thông nói: "Nhiều du học học sinh rất ngại nói rõ chính kiến, ý tưởng và bảo vệ nó trước tập thể. Điều này sẽ khiến bạn mất điểm lớn. Vì không là người nói lên ý tưởng và xây dựng nó, các bạn dễ rơi vào tình huống làm theo ý tưởng người khác và trở thành người theo sau hơn là người kiến tạo. 

Vì vậy, kinh nghiệm từ người từng là du học sinh đến người đã đi làm và tiếp xúc nhiều môi trường, văn hóa, mình khuyên rằng các bạn đừng ngại bày tỏ quan điểm và hãy thẳng thắn bảo vệ nó theo cách nghĩ của bạn".

Thông cũng chia sẻ thêm, nơi chàng trai này đang làm việc là Đan Mạch. Đây là đất nước luôn chào đón những ý tưởng mới và những người kiến tạo luôn được thưởng nhiều nhất, tất nhiên ý tưởng phải thực tế và có ích. 

Mạnh dạn, chủ động hơn để phát huy tối đa khả năng của mình chính là chìa khóa giúp bạn đi đến thành công nhanh hơn. Đồng thời, rất nhiều quốc gia hướng đến lợi ích cộng đồng, vì vậy, khi bạn nói ra ý tưởng của mình, có thể bạn sẽ nhận được giúp đỡ để hoàn thiện nó, giúp nó thành công hơn mong đợi.

Thông thường, nhiều trường học cũng mong muốn bạn phát triển những kỹ năng dựa trên cá tính của mình chứ không phải theo những khuôn khổ họ mong đợi. Vì vậy, đừng ngần ngại thể hiện sức sáng tạo của bạn. 

Ở nước ngoài, đôi khi những suy nghĩ tưởng chừng "điên rồ" lại đem đến thành công cho mỗi cá nhân. Nếu ý kiến của bạn đưa ra cùng được thảo luận, trao đổi với nhiều ý tưởng thú vị khác, bạn sẽ tự rút ra được cách làm hiệu quả nhờ lắng nghe, vì vậy, du học sinh – đừng ngại…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ