Kinh ngạc với loại đá có khả năng tự “lớn”

Có thể nhiều người vẫn nghĩ rằng, đá không thể tự lớn lên như những động vật sống, thế nhưng có một thực tế hoàn toàn khác đang diễn ra…

Kinh ngạc với loại đá có khả năng tự “lớn”

Ngôi làng kỳ lạ

Được xem là một ngôi làng kỳ lạ ở Rumani, nhưng thực sự làng Costesti cũng giống như hầu hết những ngôi làng truyền thống khác tại Rumani, chỉ duy nhất có một điều làm nên sự độc đáo ở nơi đây, đó là tại đây tồn tại một loại đá kỳ lạ, gọi là đá Trovants. Trovants là loại đá bí ẩn nhất thế giới, khiến các nhà khoa học hết sức quan tâm. Điều kinh ngạc là trong và sau mỗi trận mưa, đá Trovants ở làng Costesti mọc lên như… nấm.

Những hòn đá cứ thể lớn lên, phình to một cách kỳ lạ. Các nhà khoa học đã đặt camera tự động và nhận thấy chúng như một cơ thể sống, đang lớn lên từ đất. Trong tiếng Rumani, Trovants có nghĩa là xi măng cát. Tuy nhiên, không có nghĩa nó được làm từ hỗn hợp xi măng và cát trong xây dựng.

Loại đá này đã được hình thành từ cả chục triệu năm trước theo cách thức mà các nhà khoa học còn đang tranh cãi. Phần đông ý kiến cho rằng, những vụ động đất đã tạo ra loại đá này và từ kiến tạo địa chất, chúng trồi lên mặt đất cũng đã cả triệu năm nay. Điều mà cư dân trong làng đều biết, đó là đá Trovants chỉ lớn lên khi có mưa. Petrescu, một người dân sống trong làng cho biết, “điều kỳ lạ này đã diễn ra từ rất lâu và đến giờ nó vẫn đang tiếp diễn.

Tất cả đều như một trò đùa của tạo hóa vậy, những hòn đá thoạt trông ban đầu đều hết sức bình thường, thế nhưng chỉ khi những cơn mưa tới, chúng lại tự phát triển to lên như một màn ảo thuật chứa đựng nhiều điều bất ngờ”.

Cũng giống như nhận định của Petrescu, không ít người dân tại ngôi làng Costesti đều khẳng định rằng, “những hòn đá cứ thể lớn lên, phình to một cách kỳ lạ. Đá Trovants chỉ mọc khi có nước mưa. Bình thường chúng chỉ có kích thước 6 đến 9 mm nhưng khi có nước vào chúng phình to lên đến 6 tới 10 mét.

Vài hòn đá thậm chí biết chuyển động. Cắt đôi hòn đá ra thì thấy có những vòng gân bên trong như một thân cây”. Rất nhiều người, thậm chí là người dân địa phương, cảm thấy vô cùng thích thú trước hiện tượng kỳ lạ này. Đặc biệt là sau các cơn mưa to, các khối đá bắt đầu "sống dậy".

Người ta gọi chúng là "những phiến đá đang lớn". Nguồn gốc và khả năng phát triển kỳ lạ của loại đá này hiện vẫn là điều bí ẩn đối với nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới. Khu bảo tồn đá Trovant đi vào hoạt động năm 2004 và được bảo vệ bởi UNESCO. Cũng kể từ thời điểm này Costesti trở thành một ngôi làng không chỉ nổi tiếng tại Rumani mà còn khắp cả châu Âu, hàng ngày nơi đây tiếp hàng trăm lượt khách du lịch mỗi ngày.

“Những du khách tới đây để được chứng kiến cảnh tượng đá Trovants tự phình to lên, hầu hết họ đều chọn những ngày mưa để được chứng kiến cảnh tượng này. Nếu không có được may mắn đó thì họ bằng mọi cách để được chụp hình bên cạnh những hòn đá kỳ dị”, bà Oleg, một thành viên trong ban quản lý khu bảo tồn tại Costesti cho biết.

Cũng theo bà Oleg thì đã có không ít đoàn khoa học tới đây nghiên cứu, thời gian người dân địa phương rất đồng thuận thậm chí họ vui vẻ để người ta mang những hòn đá Trovants đi để nghiên cứu rồi không bao giờ thấy trả lại.

Anh Petrescu cho rằng, những người dân tại Costesti sau khi phát hiện ra rằng những hòn đá Trovants mất tích đang được rao bán trên các diễn đàn đá quý với mức giá không hề rẻ thì ai cũng phẫn nộ và họ cùng nhau đứng lên bảo vệ điều đặc biệt mà chúa trời ban cho ngôi làng này, để rồi tới năm 2004, khi đá Trovants chính thức được UNESCO tuyên bố cần phải bảo tồn thì mọi chuyện mới đi vào ổn định hơn trước.

“Thậm chí ở đây hiện tượng trộm đá mang đi bán cũng đã xảy ra, những hòn đá nhỏ thì họ có thể di chuyển dễ dàng, còn những viên đá có kích thước lớn hơn thì họ vẫn chuyển vào ban đêm, khi công tác canh chừng được xem là có nhiều hạn chế vào thời điểm này”, anh Petrescu cho biết thêm.

Trên thực tế các nhà chức trách địa phương đã phải thành lập những tổ bảo vệ tại Costesti để bảo đảm rằng số lượng đá tại đây không mất đi, “những hòn đá đặc biệt này dù có khả năng tự lớn lên nhưng chúng đâu có khả năng “sinh sản” vì thế giá trị của những hòn đá Trovants ngày càng cao hơn khi mà số lượng đá được đánh cắp không còn nhiều như trước đây và công tác bảo vệ được thiết lập ngày càng chặt chẽ hơn”, đại diện quản lý khu bảo tồn tại Costesti nói.

Đã từng có quy định về việc khi các du khách tới đây không được chạm tay lên những hòn đá Trovants để chụp ảnh, thế nhưng quy định này sau đó đã vấp phải sự phản đối của nhiều người. “Những du khách tới đây ai cũng mong muốn được một lần được chạm tay vào Trovants, nếu quy định này được áp dụng thì rõ ràng sẽ không có nhiều người muốn tới ngôi làng của chúng tôi.

Có nhiều cách để bảo vệ Trovants khỏi những người có ý đồ xấu, và cần có cách làm hiệu quả để bảo đảm rằng Trovants không biến mất khỏi Costesti và những du khách thập phương thì vẫn muốn tới Costesti”, anh Petrescu chia sẻ.

Những hòn đá Trovants tại ngôi làng Costesti.

Vì đâu đá tự lớn?

Tại ngôi làng Costesti này, các khối đá với đủ các hình thù khắp vùng đua nhau lớn lên. Người ta còn gọi đó là lúc đá "dậy thì". Trước hiện tượng lạ này, các nhà địa chất đã nghiên cứu khá kỹ về loại đá này và đã công bố các công trình nghiên cứu.

Có giả thuyết tin rằng, đá Trovants thực sự không phải là đá mà là một loại hợp chất có độ giãn nở cao như xi măng vì thế khi ngấm nước thì sẽ co giãn, cũng có quan điểm cho rằng, đây là một loại thiên thạch đặc biệt nên mới có những công năng không giống như những loại đá bình thường trên trái đất.

Lại có quan điểm cho rằng sự đặc biệt của đá Trovants phần nhiều là sản phẩm của một chiến dịch quảng bá du lịch có hiệu quả tại ngôi làng Costesti, bởi sau khi câu chuyện này xảy ra làng Costesti đã có những sự thay da đổi thịt bất ngờ, nguồn thu từ ngành công nghiệp không khói là du lịch đã giúp người dân tại Costesti có cuộc sống giàu sang hơn, “giờ đây người dân tại Costesti chỉ ngồi làm du lịch cũng bảo đảm được cuộc sống ổn định”, anh Hellmut một du khách đến từ nước Đức chia sẻ.

Đá Trovants xù xì nổi những cục u tự lớn sau mỗi cơn mưa.

Dù có không ít giả thuyết đã được đưa ra nhưng có một giả thuyết được nhiều nhà khoa học ủng hộ nhất. Đó là nghiên cứu cho rằng, bên trong những tảng đá Trovants là lõi đá cứng, nhưng vỏ lại do cát cấu tạo nên.

Bởi thế nên khi các nhà nghiên cứu tiến hành cắt đôi hòn đá ra, có những vòng gân bên trong như một thân cây. Cũng theo các nhà khoa học thì đây là kết quả của quá trình thấm các-bon xảy ra cách nay hàng triệu năm. Cụ thể hơn là vào đầu giai đoạn hình thành đá trầm tích.

Trong quá trình kết hạch sa thạch đã tạo ra những hòn đá với hình thù kỳ quái, là bởi sự tiết xi măng không đồng đều. Sở dĩ chúng lớn được, là bởi chúng thấm một lượng nước vô cùng lớn. Người ta đã đo được độ lớn kinh ngạc của chúng sau khi trời ngừng mưa một thời gian.

Có những tảng đã đã lớn gấp đôi so với kích cỡ ban đầu. Những tảng đá lớn có thể phình thêm chu vi cả mét. Hiện các nhà khoa học đang nghiên cứu về sự hình thành của đá Trovants nhờ những mẫu vật đặc biệt sẵn có.

Theo phapluatxahoi

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ