Kinh hoàng chợ... thịt ươn

Kinh hoàng chợ... thịt ươn
Người mua kẻ bán tấp nập
Người mua kẻ bán tấp nập

(GD&TĐ) - Bên cạnh con đường đang làm dang dở, xe cộ chạy bụi mù mịt ở xã Đại Mạch (huyện Đông Anh, Hà Nội)  ai cũng có thể thấy trên mặt đất bày la liệt những miếng thịt lợn, thịt gà, thịt bò… ngả màu thâm tím, trắng bệch tại khu chợ tạm xã này với tên gọi “chợ ế” hay “chợ thừa”.

Tại đây, cảnh mua  bán nhộn nhịp của khách hàng với các tiểu thương không khác gì những phiên chợ sầm uất lúc bình minh tại các cửa ngõ thành phố, nó đối lập hoàn toàn với tên gọi “chợ ế”. Mà các thực khách đến với những phiên chợ này chủ yếu là lao động thu nhập thấp và sinh viên ở trọ.

Thủ thuật bán hàng ế

Như thường lệ, các khu chợ trong nội thành họp vào buổi sáng sớm của mỗi ngày với số lượng thực phẩm lớn và tươi ngon. Đến 10h trưa, khi mà chợ bắt đầu vãn cũng là thời điểm các tiểu thương buôn bán thịt lợn, thịt gà, thịt bò… lại rủ nhau đi tẩu tán nốt số “thịt ế” với mong muốn vớt vát được đồng nào hay đồng ấy.

Mới nghe qua thì ai cũng thấy vô lý nhưng có nghe họ giải thích mới thấy được “thủ thuật” buôn bán hàng ế. Anh Nguyễn Văn Đông, bán thịt tại chợ Dịch Vọng đang giao hàng trong chợ ế bật mí: “Như loại thịt này bán buổi sáng là 90.000 – 100.000 nghìn đồng/1kg, đến tầm trưa trưa người ta chỉ trả 80.000 – 85.000 nghìn đồng/ 1kg.

Thịt lúc này đã không còn tươi ngon, bán với giá đó cũng là phải chăng, nhưng họ mua với giá đó rồi thì hôm sau họ lại trả như thế.

Vì thế chúng tôi mang số thực phẩm này đến các chợ tạm cạnh các khu công nghiệp bán với giá rẻ để thu hồi vốn mà vẫn giữ được giá cao cho buổi sáng hôm sau. Thường thì sẽ đem đến chợ tạm khu công nghiệp Bắc Thăng Long (xã Kim Chung, huyện Đông Anh), khu đường tàu (Ba La, Hà Đông), chợ Vồ (Hà Đông)…”.

Giờ “hoàng đạo” đi săn hàng ôi

11 - 13h trưa là thời điểm ở đây diễn ra hoạt động buôn bán tấp nập nhất. Khách hàng thì mong muốn mua được thực phẩm giá rẻ để trang bị cho bữa cơm có đầy đủ chất dinh dưỡng trong thời buổi kinh tế khó khăn, tiểu thương với mục đích thu hồi vốn mà bán với giá “siêu rẻ”. Điều dễ nhận thấy là họ đều có lợi, nhưng đối với khách hàng lại là “lợi bất cập hại”.

Số thực phẩm ế không được bảo quản khi đưa tới nơi đây, màu sắc đã có sự thay đổi nên chất lượng cũng không được đảm bảo. Nhưng đánh vào tâm lý “hám rẻ” của người dân mà các thực phẩm “chất lượng” vẫn bán đắt như tôm tươi. Giá cả thay đổi theo thời gian.

Từ 11 - 13h trưa, giá trung bình các loại thịt như sau: Thịt lợn 60.000 nghìn đồng/1kg, thịt gà 40.000 – 45.000 nghìn đồng/1kg, thịt bò 70.000 nghìn đồng/ 1kg…13 - 14h giá cả lại giảm chóng mặt, ai trả thế nào, bán thế đấy, 30.000 nghìn/ 1kg thịt bò cũng bán. 

“Từ 11h30 - 12h30 thì bán hàng không kịp, khoảng thời gian đấy bán cũng vừa giá nhưng quá 13h mà người ta trả giá rẻ mấy cũng bán, thịt ôi như thế rồi thì mang về cũng bỏ đi, nhưng thường thường thì 13h là gần hết, hôm nào ế lắm thì tôi dọn hàng về lúc 14h30 ” -  chị Hoa bật mí.

Vừa đuổi ruồi vừa mời khách

1h30 khi bất cứ ai bước chân vào chợ thực phẩm “tồn” đều nhận được những lời chào mời từ những chủ hàng một cách đon đả: “Em ơi, mua thịt lợn đi, chị bán rẻ cho, em ăn loại nào, thăn, sấn, ba chỉ hay vai, giờ chị lấy 30.000 nghìn/ 1kg thôi”.

Đóng vai khách hàng, tôi ngồi nhìn vào phản thịt đã bốc mùi, chị bán hàng vồn vã hỏi như muốn bắt quen: “Em học trường nào thế, sinh viên và các công nhân toàn bộ khu này hay ra đây mua hàng lắm, giá bình dân mà em”. Thịt đã bắt đầu có tình trạng chảy nước, ruồi nhặng vo ve bấu vào xung quanh, chị bán hàng vừa mời khách, vừa phe phẩy cái que ở đầu buộc sơ sài túm túi ni lông đuổi ruồi.

Vẫn biết thịt không đảm bảo chất lượng nhưng những khách hàng tới nơi đây vẫn  nhắm mắt mua bởi giá siêu rẻ. Chị Lê Thị Vân, một công nhân làm tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long tâm sự: “Thịt ở đây rẻ hơn một nửa so với trong nội thành, tuy không còn tươi và có khi còn có mùi hôi thối nhưng  về trần qua nước nóng, tẩm ướp gia vị là lại có món ăn giàu chất dinh dưỡng”.

Vô tình tôi nghe được cuộc giao dịch của một chủ cửa hàng cơm với một tiểu thương nơi đây: “Lúc nào chợ tan mà còn hàng, em thu hết lại mang tới quán cơm cho chị. Chị thương chúng mày nên mới mua cho thôi, không thì bỏ đi à, chị lấy về làm đồ ăn bán cơm bình dân buổi tối, thế nên giá cả mềm mềm chút 15.000 nghìn thôi…”.

Vâng, quả thật số lượng khách hàng thật lớn, từ những người dân sống xung quanh cho đến sinh viên, công nhân, người đi đường và cả chủ quán cơm thấy cũng vào mua. Hầu như ai cũng biết chất lượng các loại thực phẩm bày bán như thế này sẽ không đảm bảo nhưng vì cuộc sống mưu sinh khó khăn nên họ “chặc lưỡi” mặc kệ.

Hiện nay trên địa bàn Hà Nội còn rất nhiều địa điểm được các tiểu thương biến thành “chợ” để bày bán thịt ôi thối, độc hại nhưng cơ quan chức năng vẫn thờ ơ trước sự tồn tại của những mô hình chợ này. Phải chăng vì vậy mà việc siết chặt an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn là một vấn đề nhức nhối ở Thủ đô.

Thanh Tâm

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.