Kinh hãi vấn nạn tự sát ở Nhật Bản

Khu rừng Aokigahara ở Nhật Bản (ảnh) nổi tiếng vì hai lý do chính: Có khung cảnh tuyệt đẹp nhìn ra núi Fuji và là nơi người ta tìm tới để tự sát.

Kinh hãi vấn nạn tự sát ở Nhật Bản
Kinh hãi vấn nạn tự sát ở Nhật Bản ảnh 1

Hình ảnh cho thấy một người đang nhảy ra trước đầu tàu để tự sát ở nhà ga Yokohama, Nhật Bản.

Khu rừng chết chóc

Còn được gọi là Biển Cây, rừng Aokigahara từng được đánh giá là địa điểm lý tưởng dành cho những người tuyệt vọng, muốn tới đây và biến mất. Họ không bao giờ trở ra nữa, sau khi đã đi sâu vào trong cánh rừng rậm rạp này.

Taro, một người đàn ông 46 tuổi bị sa thải khỏi một công ty sản xuất thép, cũng đã muốn biến mất như thế. “Tôi hoàn toàn mất động lực sống tiếp” - Taro chia sẻ về cú sốc của mình - “Đó là lý do tôi tìm tới khu rừng”.

Taro, người không muốn nêu danh tính đầy đủ vì xấu hổ, đã ngập trong nợ nần và bị đuổi khỏi căn hộ mà công ty cho ông ở tạm, sau khi mất việc. Không còn khả năng kiếm tiền, nền tảng cần thiết để có cuộc sống ổn định, ông cũng từ bỏ luôn ý định tiếp tục sống.

Di vật của các nạn nhân tự sát nằm lại trong rừng Aokigahara ở Nhật Bản.

Di vật của các nạn nhân tự sát nằm lại trong rừng Aokigahara ở Nhật Bản.

“Anh cần tiền để phục vụ cuộc đời mình. Nếu có bạn gái, anh phải có tiền để đưa cô ấy đi chơi. Nếu muốn kết hôn, anh cũng phải có tiền để tạo dựng cuộc sống mới. Tiền luôn là điều thiết yếu nhất” - Taro chia sẻ.

Vậy là Taro mua vé một chiều tới rừng Aokigahara, nằm ở phía Tây Nhật Bản. Đến nơi, Taro cắt động mạch ở cả hai cổ tay để tự sát, dù vết cắt không đủ lớn để giết chết ông thật nhanh. Sau đó, ông bắt đầu lang thang trong rừng. Chỉ qua vài hôm, Taro đã ngã gục, nằm bất động trong các bụi cây, suýt nữa chết vì mất nước, đói và bỏng lạnh.

Sau này Taro mất nhiều ngón chân ở bàn chân phải vì bỏng lạnh. Nhưng may mắn thay, ông không mất mạng, bởi một người khám phá khu rừng đã vô tình nhìn thấy ông trong tình trạng sắp chết và đã báo với nhà chức trách.

Câu chuyện của Taro chỉ là một trong hàng trăm câu chuyện tương tự được ghi nhận tại Aokigahara mỗi năm. Không phải vô cớ mà Aokigahara còn được gọi là “cánh rừng tự sát”, bởi nơi đây xảy ra nhiều vụ tự tử nhất ở Nhật Bản.

Có nhiều lý do để người tự sát “mê” rừng Aokigahara. Người ta đồn rằng hoạt động tự sát tại đây bắt đầu sau khi nhà văn Seicho Matsumoto xuất bản một cuốn sách với tên Kuroi Kaiju (Biển cây đen ngòm) vào năm 1960. Trong truyện, hai nhân vật là những người yêu nhau, đã tìm tới cánh rừng để tự sát. Tuy nhiên lịch sử đen tối của khu rừng thực ra đã xuất hiện trước khi cuốn sách ra đời.

Một số đổ lỗi cho nhà văn Wataru Tsurumui, người viết cuốn sách rất ăn khách và gây tranh cãi mang tên The Complete Suicide Manual (Cẩm nang tự sát hoàn chỉnh). Cuốn sách này mô tả nhiều điểm tự sát lý tưởng và thậm chí còn gọi Aokigahara là “nơi tuyệt vời để chết”. Không lạ khi cuốn sách được tìm thấy nhiều trong rừng, cách không xa thi thể các nạn nhân.

Những kẻ mê tín thậm chí còn dẫn nguồn truyền thuyết, nói rằng các gia đình Nhật thời xa xưa thường bỏ lại một thành viên tại rừng Aokigahara vào thời kỳ diễn ra nạn đói, đơn giản bởi họ không có đủ thực phẩm để nuôi cả nhà. Kẻ bị bỏ rơi chắc chắn sẽ nhận một cái chết khủng khiếp, kéo dài. Bởi lý do ấy, Aokigahara còn được cho là nơi chịu sự ám ảnh của các hồn ma.

Một tấm bảng với nội dung ngăn tự sát được dựng lên tại rừng Aokigahara.
Một tấm bảng với nội dung ngăn tự sát được dựng lên tại rừng Aokigahara.

Những người hành nghề tướng số, thầy pháp ở Nhật nói rằng những người tự sát trong Aokigahara đã khiến đất rừng thêm màu mỡ, đồng thời làm tăng các hiện tượng bất thường, khiến nhiều người tiến vào rừng không thể trở
ra nữa.

Cho dù là với lý do gì, người ta không thể phủ nhận một điều rằng các nạn nhân đã thi nhau tìm tới cánh rừng để tự kết liễu mạng sống của họ.

Cô đơn dẫn tới trầm cảm và tự sát

Có thể nói không ngoa rằng Aokigahara là đốm sáng lớn nhất trong bức tranh tự sát đầy tăm tối của Nhật Bản. Giai đoạn trước đây, có tới hơn 30.000 người Nhật Bản tìm tới cái chết mỗi năm. Trong năm ngoái, con số giảm xuống còn hơn 25.000 người, theo số liệu thống kê do hãng tin BBC cung cấp. Con số này tương đương 70 người tự sát mỗi ngày, với hơn nửa những người tìm tới cái chết là đàn ông
đứng tuổi.

Nhiều cái chết thực sự rất bi thảm, như vụ tự thiêu diễn ra vào thứ Ba tuần trước của một người đàn ông 71 tuổi trên tàu cao tốc ở Nhật Bản. Các nhân chứng nói rằng người đàn ông này đã tự dội xăng lên người, xua các hành khách tránh xa ông để khỏi gặp nguy hiểm, trước khi châm lửa tự thiêu.

Một số nhân chứng nói đôi mắt người đàn ông đó ngấn nước, khi ông tự sát. Sau khi ông qua đời, công chúng mới tìm hiểu kỹ hơn và biết rằng ông sống một mình, không có việc làm và phải đi nhặt vỏ lon nhôm bán phế liệu để có tiền sinh nhai.

Hàng xóm hiếm khi thấy người đàn ông này ra ngoài, dù vẫn có tiếng TV vọng ra từ căn hộ của ông. Nghèo khổ, già cả và cô đơn đã trở thành những yếu tố xuất hiện quá thường xuyên trong những bi kịch như thế của người cao tuổi ở Nhật. “Cô đơn dễ dẫn tới trầm cảm, rồi tự sát” - Wataru Nishida - một nhà tâm lý tại Đại học Temple ở Tokyo, đánh giá.

Nhật Bản hiện không dẫn đầu về tỷ lệ tự sát trong các nước phát triển, với “ngai vàng” thuộc về Hàn Quốc. Tuy nhiên, con số hơn 25.000 người tự tử kể trên vẫn khiến Nhật Bản nằm cao chót vót trong danh sách, bám đuổi rất sát Hàn Quốc.

Có những quan điểm cho rằng tự sát diễn ra nhiều ở Nhật Bản bởi người Nhật có thái độ khoan dung với hoạt động này, không xem nó là tội lỗi. Họ chỉ vào các yếu tố văn hóa đặc trưng của Nhật Bản, như truyền thống “tự sát trong danh dự” rất được ca ngợi. Theo họ, đó là lý do để các samurai tiến hành seppuku (tự mổ bụng để bảo toàn danh dự), các phi công kamikaze sẵn sàng lao máy bay vào tàu địch trong thời Thế chiến II.

Thực tế thì người Nhật không xếp các hoạt động kể trên vào chung nhóm với tự sát thông thường. Như với các phi công kamikaze, người Nhật xem họ là các anh hùng thay vì những kẻ loạn trí, đã dũng cảm dâng hiến thân mình để hoàn thành trách nhiệm với tổ quốc.

Nhưng đã có những lý do về kinh tế và xã hội khiến cho tự sát trở thành vấn nạn lớn ở Nhật Bản. Cụ thể, giai đoạn kinh tế Nhật phát triển mạnh và tinh thần lạc quan đang ngự trị, nước này thường xuyên có tỷ lệ tự sát thấp trong nhóm các quốc gia phát triển.

Song từ giai đoạn khủng hoảng tài chính của năm 1997 và 1998, tỷ lệ tự sát ở Nhật Bản đã tăng vọt tới 35%. Các vấn đề về việc làm và kinh tế rõ ràng đã gây ảnh hưởng tới hoạt
động này.

Trước kia, người Nhật thường làm việc cả đời trong một công ty. Nhưng thống kê gần đây cho thấy gần 40% thanh niên Nhật Bản đã không thể tìm được công việc lâu dài, ổn định như các bậc cha chú. Thu nhập bấp bênh khiến họ khó đảm bảo cuộc sống, dẫn tới việc cái nhìn của họ vào tương lai cũng tối tăm, bi quan hơn.

Chính quyền Nhật Bản hiển nhiên là nhận ra các vấn đề trên và đã tiến hành nhiều biện pháp ngăn chặn, như nâng cao nhận thức về tự sát trong trường học và nơi làm việc.

Theo laodong

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ