Kinh hãi chuyện quả báo sau khi đào trộm nhà mồ Tây Nguyên

Từ ngày đào trộm mồ mả đến nay, anh Rơ Châm Roi liên tục gặp phải sự ám ảnh kinh hoàng, đêm đến nằm ngủ lại mơ có người đánh vào bụng....

Những ngôi nhà mồ may mắn được bảo vệ khỏi nạn đào trộm.
Những ngôi nhà mồ may mắn được bảo vệ khỏi nạn đào trộm.

Theo quan niệm của đồng bào, người chết không mất đi mà biến thành “con ma”, về thế giới bên kia. “Con ma” này lại tiếp tục lao động sản xuất, đón nhận cuộc sống mới giống như ở trần gian với cộng đồng thổ dân và tình cảm nguyên thủy. Bởi thế, theo quan niệm, người sống dám phá hại mồ mả của người chết thì sẽ bị quả báo…

Hai đêm lật tung 28 ngôi mộ

Từ xưa cho tới nay, ở Tây Nguyên, câu chuyện về những cổ vật là đồ tùy táng luôn được bao trùm bởi những lời đồn thổi nhuốm màu ma mị tâm linh. Người nào lấy trộm hoặc có được những thứ không phải của mình sẽ bị quả báo. 

Nhưng dù rùng rợn ma quái đến đâu, dù cho những “lời nguyền quả báo” có ám ảnh thế nào đi chăng nữa thì những món đồ cổ có giá vẫn luôn có sức hút đối với những kẻ chuyên đi trộm cổ vật. 

Và, câu chuyện về 9 thanh niên ở làng Mrông Jô 1 (thuộc xã Ia Ka, Chư Păh, Gia Lai) đi đào mồ trộm cổ vật vào năm 2002 là một điển hình.

Chúng tôi tìm đến làng Mrông Jô 1 trong một ngày nắng oi bức. Hỏi thăm tin tức vài ba lần, cuối cùng chúng tôi cũng gặp được già Rơ Châm Xanh (70 tuổi), người biết tường tận thông tin chuyện năm xưa có đám trai làng đi đào mồ để săn lùng cổ vật. 

Trò chuyện với chúng tôi, già Xanh bảo: “Câu chuyện về 9 thanh niên ở làng đi đào mồ trộm cổ vật là chuyện rùng rợn nhất ở địa phương mà già từng biết. Không hiểu sao tụi nó lại đi làm cái chuyện thất đức đó nữa. 

Trong số những ngôi mộ đó có ngôi mộ là gia đình của tụi nó chứ đâu phải người ngoài. Thôi để già dẫn đi gặp một thằng trong đám thanh niên năm xưa đào mồ, có gì nó kể tường tận chuyện cho nghe”.

Nói rồi, già Xanh dẫn chúng tôi đến nhà anh Rơ Châm Roi (36 tuổi). Lúc này, anh Roi chuẩn bị đi làm nhưng thấy chúng tôi đến nên nán lại trò chuyện. 

Sau một hồi được già Xanh khuyên bảo, cuối cùng anh cởi mở kể lại chuyện năm xưa mình cùng đám bạn đi đào mồ trộm cổ vật. Theo đó, vào một đêm giữa tháng 6/2002, Roi cùng 8 thanh niên khác trong làng đi bẫy chim rồi về làm thịt uống rượu.

Đang ngồi lai rai, một người trong nhóm bảo nếu cứ quanh quẩn với nương rẫy ở làng thì suốt đời vẫn mang cái nghèo. Thế là cả nhóm ngồi bàn chuyện làm giàu, đổi đời. 

Rất nhiều ý kiến đưa ra nhưng cách nào cũng xa vời, cũng cần có tiền, trong khi tất cả mọi người ở đây đều tay trắng. Rồi một người tên Rơ Châm Choi (39 tuổi) đưa ra ý kiến đi đào mồ người chết để lấy cổ vật bán kiếm tiền, chỉ có cách đó mới làm giàu nhanh mà không bỏ tiền làm vốn trước.

Kinh hãi chuyện quả báo sau khi đào trộm nhà mồ Tây Nguyên - Ảnh 2

Anh Rơ Châm Roi vẫn còn ám ảnh chuyện đào trộm mồ mả.

Thấy ý kiến này khả quan nhất trong những ý kiến đưa ra, cả nhóm thanh niên bàn đi bàn lại rồi đồng ý làm theo cách này. Đêm hôm đó, cả nhóm lên kế hoạch, phân công từng người chuẩn bị dụng cụ để đào mồ. Sau đó, ai về nhà người ấy ngủ. 

Trong ngày hôm sau, 9 thanh niên âm thầm chuẩn bị dụng cụ để đào mồ. Đến đêm, cả nhóm tập hợp ở cuối làng rồi cùng nhau thực hiện kế hoạch làm giàu. 

Anh Roi cho biết: “8 giờ đêm thì cả nhóm tập hợp đông đủ. Chúng tôi chia làm 2 nhóm, đào từng ngôi mộ lên xem có cổ vật không rồi lấp lại. Cả đêm hôm đó đào được 20 ngôi mộ nhưng không phát hiện được gì. Khi trời sắp sáng, cả nhóm sợ có người biết nên ra về”.

Ngày hôm sau, 9 thanh niên này không nghe người dân bàn tán chuyện những ngôi mộ bị đào bới nên yên tâm là sự việc không bị phát hiện. 

Tuy vậy, chưa dừng lại ở đó, một người trong nhóm bảo vẫn còn một số mộ chưa đào nên phải tranh thủ đào cho hết, biết đâu cổ vật, vàng bạc nằm ở những ngôi mộ đó. 

Thế rồi ngay trong đêm, 9 thanh niên này lại tiếp tục đi đào bới mộ với hy vọng làm giàu. Tuy nhiên, lần này không may mắn cho lần trước, khi đào đến khoảng 9 giờ đêm, nhóm người này bị dân làng phát hiện và vây bắt.

Già Rơ Châm Xanh cho biết: “Tụi thanh niên đó không nghĩ gì đến chuyện tâm linh rồi sẽ bị quả báo gì hết, mà đào đến 28 ngôi mộ trong tổng số 40 ngôi mộ ở khu vực đó chỉ trong vòng chưa đầy 2 đêm. Nếu hôm đó dân làng không phát hiện thì tụi nó đã đào sạch hết lên rồi. Rùng rợn hơn, trong số những ngôi mộ bị đào, có những ngôi mộ là người thân của những kẻ đi đào. Không biết tụi nó nghĩ như thế nào mà lại đi làm cái chuyện như vậy”.

“Án phạt” nặng nề

Kinh hãi chuyện quả báo sau khi đào trộm nhà mồ Tây Nguyên - Ảnh 3

Bà Rơ Châm Sinh kể lại chuyện con mình bị quả báo.

Kể lại sự việc vây bắt đám thanh niên đào mồ, già Xanh cho biết: “Chiều hôm đó, tôi đi làm nương ngang qua khu nhà mồ thì thấy đất ở những ngôi mộ ven đường có điều gì lạ. 

Lại gần lấy chân đạp mạnh thì thấy đất ở đây bị đào bới lên. Nghĩ có kẻ đào mồ để lấy trộm cổ vật nên tôi kiểm tra từng ngôi mộ thì phát hiện 20 ngôi mộ bị đào bới. 

Quá tức giận, tôi về kể lại chuyện cho các già ở gần nhà nghe. Không biết linh tính như thế nào mà sau khi nghe xong, các già bảo phải tập hợp dân làng để tối đi bắt bọn đào trộm mồ. Tuy nhiên, khi tập hợp xong dân làng thì cũng hơn 8 giờ, lúc này bọn chúng đã đào thêm 8 ngôi mộ nữa”.

Hỏi Roi về việc tại sao chiều hôm đó dân làng rỉ tai nhau chuyện tối đi bắt kẻ đào mồ mả mà mình không biết, Roi bảo: “Buổi trưa hôm đó, sau khi ăn cơm ở nhà xong, cả nhóm tập hợp ở rừng để mài lại cuốc, rựa, rồi bàn kế hoạch làm sao đào cho nhanh để không bị phát hiện. 

Còn bàn cả việc nếu trúng cổ vật thì giấu như thế nào, sau khi bán thì phân chia như thế nào nên không nghe người làng bàn tán chuyện bắt những người đào mộ. Nào ngờ… ”.

Theo già Xanh, đêm hôm đó dân làng chỉ bắt được 5 tên đào mồ, 4 tên còn lại đã chạy thoát thân. Tuy nhiên, qua lời khai của những tên bị bắt, dân làng biết 4 tên còn lại là ai và quyết bắt cho được bọn chúng để phạt tội. Tuy nhiên, đến sáng hôm thứ hai bị truy bắt, cả 4 tên đều tự nguyện đến nhà sinh hoạt của làng nhận tội, trong đó có cả anh Roi.

“Hôm đó chúng tôi sợ bị làng phạt nặng nên cố chạy thoát thân. Chạy mỗi đứa mỗi hướng nhưng đến trưa hôm sau thì cả nhóm lại gặp nhau ở rừng. 

Ngay hôm đó đói bụng nên 4 đứa đi hái rau rừng ăn, đêm thì hái lá lót dưới đất rồi phủ lên trên ngủ. Sáng ngày hôm sau, 4 đứa bàn với nhau phải về đầu thú nhận tội với làng mới may có cơ hội được làng tha thứ, chứ bỏ đi mãi thì có ngày cũng chết, lại còn làm xấu hổ bố mẹ ở nhà nữa”, Roi cho biết.

Theo tìm hiểu, trong số những người đi vây bắt thủ phạm đêm hôm ấy có cả bố mẹ, anh chị em của những kẻ đào mộ. Khi phát hiện người thân mình là thủ phạm gây nên sự việc tày đình, đụng chạm đến người cõi âm, nhiều người đã ngất lịm. 

Già Xanh cho biết: “Bà Rơ Châm Sinh (60 tuổi) bật khóc rồi ngất lịm khi thấy con trai là Rơ Châm Mê (27 tuổi) đi đào chính mộ người thân của gia đình mình. 

Dù vậy, khi dân làng xử phạt, bà ấy tỉnh dậy và bảo dân làng hãy phạt nặng con bà để làm gương cho người khác. Bà cũng khó lòng tha thứ cho đứa con tội lỗi của mình”.

Theo già Xanh, sau khi bắt được tất cả 9 tên đào mồ mả, dân làng tổ chức buổi xử phạt những kẻ phá hoại mồ mả theo tục lệ của làng. Sau khi luận tội những tên thủ phạm, già làng phạt bọn chúng phải nộp 9 con heo, 9 ghè rượu cần (mỗi người 1 con heo, 1 ghè rượu cần) cùng với 2 con bò để làm giết thịt đãi cả làng.

“Vì heo và bò nộp phạt quá nhiều nên dân làng bàn với nhau chia thành 2 đợt ăn phạt. Đợt đầu giết 1 con bò, 5 con heo cùng với 5 ghè rượu cần để dân làng ăn uống no say. 15 ngày sau bọn chúng tiếp tục tổ chức tiệc phạt vạ cho dân làng với bằng 1 con bò, 4 con heo và 4 ghè rượu cần” - Già Xanh cho biết.

Mất mạng vì… báo ứng?

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong số 9 người đào trộm mộ năm 2002, đến nay đã có 2 người chết bất đắc kỳ tử, 2 người bỏ làng đi biệt xứ, 1 người phát điên suốt ngày chỉ nói lảm nhảm, 4 người còn lại có cuộc sống bình thường nhưng vẫn bị ám ảnh chuyện đào trộm mộ năm đó. Nhiều người dân đồn rằng, có hậu quả như ngày hôm nay là bọn họ bị “quả báo”, bị “người cõi âm” trừng phạt?

Người đầu tiên chết thảm đó là anh Rơ Châm Choi. Sau lần đào trộm mồ mả bị dân làng phát hiện và phạt vạ, người đàn ông này ít nói hẳn, rồi bỗng dưng đổ bệnh, nửa năm sau thì chết. 

Anh Roi cho biết: “Anh Choi trước đây là người hoạt bát, hay nói cười vui vẻ và thường giúp đỡ người khác. Nhưng không hiểu sao sau sự việc ấy, anh trầm tính hẳn. 

Mỗi lần tôi qua nhà ảnh chơi, ảnh cứ im ỉm không nói không rằng gì cả. Tôi cũng khuyên ảnh, dân làng đã bỏ qua cho mình rồi thì mình cũng đừng nên suy nghĩ nhiều, mà lo làm ăn để nuôi vợ con, nhưng ảnh bảo với tôi ảnh thấy có lỗi khi bày ra chuyện đi đào mộ lấy cổ vật”.

Theo anh Roi, liên tiếp những tuần không nói không rằng, anh Choi đổ bệnh rồi nằm liệt một chỗ, vợ con anh bán hết mời thấy cúng về cúng nhưng vẫn không được. Đến nửa năm sau thì anh Choi không qua khỏi. 

“Anh Choi chết bỏ lại vợ và 2 đứa con nhỏ. Khoảng một năm sau thì vợ ảnh dẫn 2 đứa con đi biệt xứ đến nay không về. Tôi nghe dân làng bảo, chị ấy dẫn con về nhà mẹ đẻ ở xã bên rồi có chồng luôn bên đó. Tôi thấy thương cho anh Choi lắm!” - Anh Roi cho biết.

Cách đây 4 năm, anh Rơ Châm Sun (37 tuổi) cũng chết trong lúc ngủ. Cũng như anh Choi, dân làng đồn rằng anh Sun chết cũng là bị “quả báo” chuyện tham gia nhóm đào mồ. 

Già Xanh cho biết: “Thằng Sun nó đi làm nương rẫy về, sau khi ăn cơm xong, nó lên giường ngủ. Sáng hôm sau, vợ nó phát hiện nó đã chết cứng”.

Chưa dừng lại ở việc chết chóc, 2 trong số 9 người đào trộm mộ năm xưa không hiểu sao lại bỏ làng đi biệt xứ chỉ sau một đêm. Đó là anh Rơ Châm Tin (38 tuổi) và Rơ Châm An (40 tuổi). 

Theo lời già Xanh, không hiểu vì lý do gì, vào một buổi tối tháng 7/2008, hai người đàn ông trên đến nhà già uống rượu rồi nhắc lại chuyện năm xưa, bảo rằng mình bị ám ảnh bởi những việc làm sai trái. 

Sáng hôm sau, người dân thấy họ dắt vợ con đi, ai hỏi họ cũng bảo không ở được nên phải đi. Đến nay không ai biết họ sống chết ra sao.

Rồi cách đây 5 năm, anh Rơ Châm Mê trở nên ngớ ngẩn, miệng liên tục bảo: “Yàng (ông Trời - PV) đừng bắt con. Con biết tội rồi”. Cũng từ đó, người đàn ông này trở nên khờ khạo, miệng lúc nào cũng lảm nhảm chuyện chết chóc, gia đình nhiều lần mời thầy về cúng giải hạn vẫn không khỏi nên đành bỏ mặc. 

Nhiều người dân bảo rằng, lâu lâu lại thấy anh Mê một mình đi ra khu nhà mồ khóc lóc xin tha tội nên đồn rằng anh bị… “người cõi âm ám”.

Bà Rơ Châm Sinh, mẹ của anh Mê, cho biết: “Thằng Mê nó không vợ không con, bây giờ nó điên điên khùng khùng nên gia đình tôi khổ với nó lắm. Người ta bảo nó bị quả báo vì đào mồ mả người chết. 

Tôi cũng đã mời thầy cúng giải hạn cho nó, rồi ra khu nhà mồ để cúng nhưng nó vẫn không khỏi. Nó làm chuyện thất đức nên nó bị phạt nặng. 

Tôi không trách ai cả, nó gây ra họa thì bây giờ nó phải gánh chịu thôi. Bây giờ tôi chỉ biết lo cho nó ngày nào được thì lo, chứ chẳng biết làm cách nào hết”.

Ám ảnh không dứt

Từ ngày đào trộm mồ mả đến nay, anh Rơ Châm Roi liên tục gặp phải sự ám ảnh kinh hoàng. Từ sau lần bị bắt quả tang ấy, anh Roi mỗi lần lên rừng lên rẫy làm ăn, khi đi ngủ ở nhà bạn không sao, cứ về nhà là lại nằm mơ có người đánh vào bụng. Sáng nào ngủ dậy, bụng anh cũng đau, đi khám thì không tìm ra nguyên nhân.

Lúc đầu, anh Roi nghĩ chỉ bị dọa qua loa thế thôi nhưng khi biết 3 người còn lại trong nhóm đào trộm mộ đều có những triệu chứng tương tự thì thực sự hoảng hốt. 

“Hồi bị bắt quả tang đào trộm mộ, tôi và nhóm người đi đã chịu phạt và làm lễ tạ lỗi với dân làng, với người nhà có mồ bị mình đào. Nhưng tôi vẫn bị ám, bị hành đến tận bây giờ. Không chỉ tôi, mà còn có cả những người đào mộ cùng cũng bị thế. Sợ lắm!” - Anh Roi kể lại.

Theo tìm hiểu, trước đây anh Roi là người hay nhậu nhẹt, nóng tính quậy phá nhưng nay đã thay đổi nhiều. Từ một kẻ nóng tính, anh trở thành người hiền lành đến độ khờ khạo. 

Như báo ứng, hay nghiệp đòi trả, trong buôn làng ai cần giúp cái gì anh cũng đến làm rất trách nhiệm. Xong việc, ai muốn cho đồng nào thì cho, chẳng cho thì anh cũng không đòi hỏi, như một cách để tạ lỗi với dân làng, với thần linh mà anh đã trót phạm tội. 

Anh Roi cho biết: “Bây giờ tôi chỉ muốn làm nhiều việc tốt cho người làng, với mong muốn gội rửa bớt đi tội lỗi của mình. Tôi cũng chẳng ham làm giàu cái gì nữa, một lần mơ mộng là tôi khổ lắm rồi. Bây giờ tôi chỉ muốn sống cuộc sống bình thường như bao người khác ở đây thôi”.

Không chỉ anh Roi, anh Rơ Châm Kinh (38 tuổi) cũng trở thành người ốm yếu, bệnh tật liên miên. Từ một thanh niên trai tráng khỏe mạnh, giờ anh Kinh ốm yếu chẳng khác gì một ông lão, mặc dù chưa qua tuổi 40. Nghĩ mình bị thần linh quở phạt nên ốm lay lắt, ngày nào anh Kinh cũng cầu khấn Yàng cho tai qua nạn khỏi. 

“Từ đó đến nay tôi không dám đụng chạm đến mồ mả nữa. Tôi đau bệnh thế này là vì tôi làm việc xấu nên Yàng bắt tội tôi. Tôi hối hận lắm, đã làm lễ tạ tội với dân làng rồi nhưng vẫn bị quở phạt như thế này”.

Bài học cảnh tỉnh

Theo già Rơ Châm Xanh, sự việc những thanh niên trong làng Mrông Jô 1 bị ám, bị chết, bỏ làng đi vì dám đào trộm nhà mồ, xâm phạm đến chốn linh thiêng của làng đã thành chủ đề nóng được mọi người bàn tán suốt mấy năm qua. 

Và, hễ những người trong nhóm đào mồ trên gặp rủi ro gì trong cuộc sống là mọi người lại cho rằng họ bị thần linh, người chết báo oán, trả thù? Ngay cả già Xanh cũng ít nhiều tin vào chuyện báo ứng ấy. 

“Đừng nghĩ người chết không biết gì! Họ biết nhiều hơn người sống, chỉ cần thoáng có ý nghĩ thôi họ đã biết hết rồi. Làm việc xấu xa như vậy thì phải gánh quả báo cho cả đời sau phải trả nợ thôi”, già Xanh cho biết.

Ông Nguyễn Công Sơn - Chủ tịch UBND xã Ia Ka - cho biết: “Những câu chuyện báo oán rùng rợn vì dám xâm phạm mồ mả người chết là do quan niệm của người làng. 

Người làng còn cho rằng những con ma rừng đã theo những người này báo oán, theo quy luật cuộc đời rằng cái ác sẽ luôn bị trừng phạt. 

Song thực tế là do họ đã từng làm những việc kiêng kị mà tập quán không cho phép nên chính họ bị day dứt lương tâm, dằn vặt nên lúc nào cũng bị ám ảnh sợ bị trả giá. 

Còn những người chết đó là do bệnh tật chứ không phải ma quỷ nào ám họ cả. Nói ma ám là do người dân đồn đại thôi. Song dù sao đây cũng là những bài học cho những ai đang rắp tâm xâm hại đến mồ mả, chốn linh thiêng trong đời sống của đồng bào dân tộc”.

Theo nguoiduatin.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sa mạc ngập vì mưa bất thường

GD&TĐ - Hầu hết các nhà khoa học đều có chung nhận định, biến đổi khí hậu có thể 'tiếp tay' gây ra tình trạng thời tiết cực đoan ở UAE.
Ảnh minh họa ITN.

Nên hay không?

GD&TĐ - Trong xu thế tự chủ đại học, nhiều cơ sở đào tạo đã chủ động xét tuyển sớm.