Kiếp tằm và những sợi tơ nghệ thuật

Kiếp tằm và những sợi tơ nghệ thuật

(GD&TĐ) - Mặc dù đã bước vào cái tuổi xưa nay hiếm nhưng đạo diễn, NSND Phạm Thị Thành vẫn đam mê công việc. Bà thường tham gia nhiều buổi hội thảo về sân khấu hoặc làm cố vấn cho những vở diễn mới của các nhà hát trong thành phố. Ở vai trò nào cũng vậy, bà luôn hết mình với nghề. Điều bà quan tâm là làm thế nào để sân khấu luôn có vở mới, vở hay, các rạp luôn đỏ đèn, còn mọi giông bão cuộc đời từ lâu đã không còn làm cho bà phải bận tâm nữa. 

Tuổi thơ đắm mình trong dân ca

Hà Nội mùa này mưa, nắng thất thường nên cuộc hẹn của tôi và bà cũng phải chiều theo thời tiết. Gạt những hạt mưa còn vương trên tóc, bà chầm chậm kể cho tôi nghe về cuộc đời đầy sóng gió của mình.

Bà kể rằng, cha bà quê ở Đức Thọ (Hà Tĩnh), còn mẹ là con cháu dòng tôn thất ở Huế. Phải chăng cuộc nhân duyên của vị Đổng lý ngự tiền văn phòng Phạm Khắc Hòe cùng cô Tôn Nữ Diệu Phẩm, cháu nội vua Minh Mạng, được bắt đầu từ văn chương nghệ thuật, đã là sợi dây nối cho cô con gái út Phạm Thị Thành theo nghiệp “cầm ca” sau này?

Bà đã từng có một tuổi thơ thấm đẫm những câu ca Huế, khi chiều chiều dạo chơi bên dòng sông Hương. Những điệu hò mái đẩy, mái nhì của những cô lái đò đã theo bà cho đến tận bây giờ. Mẹ bà xuất thân hoàng tộc nhưng lại đam mê nghệ thuật nên mỗi tối, thường hát cho các con nghe những điệu ca Huế. Những hạt giống nghệ thuật đó đã gieo vào tâm hồn cô bé Thành những say mê, để sau này cô đến với nó như một thứ duyên tiền định.

NSND Phạm Thị Thành
NSND Phạm Thị Thành

Cuộc kháng chiến chống Pháp nổ ra, gia đình bà dắt díu nhau về Hà Tĩnh sống với bà nội. Bảy năm sống ở quê cha, một lần nữa tuổi thơ của bà lại được tắm trong những làn điệu dân ca mà bà nội truyền dạy. Cuộc đời của bà bắt đầu thay đổi khi theo cha lên chiến khu Việt Bắc. Ông “cựu Đổng lý” trở thành chánh văn phòng Bộ Nội vụ VN đóng ở Tuyên Quang. Cô bé Thành nghịch ngợm năm xưa dần bộc lộ năng khiếu nghệ thuật. Ở tuổi 14, Phạm Thị Thành khởi nghiệp diễn viên với các vai trẻ con, múa hát, diễn chèo, kịch. Chính những tháng ngày ở chiến khu, bà đã gặp gỡ và yêu tha thiết người đàn ông trung niên từng qua hai đời vợ, NSND Đào Mộng Long. Một chuyện tình nổi tiếng trong giới nghệ sĩ lúc bấy giờ. 

Chuyện tình yêu như tiểu thuyết

Mối tình giữa cô tiểu thư cành vàng lá ngọc 16 tuổi và người đàn ông đã qua tuổi tứ tuần bị gia đình bà phản đối kịch liệt. Tổ chức, cơ quan buộc phải can thiệp và điều động Phạm Thị Thành lên làm văn thư ở Vụ Nghệ thuật, nhằm ngăn cách đôi uyên ương đang độ say nồng lửa tình. Tuy nhiên, xa mặt nhưng không cách lòng, tình yêu càng cố dập tắt lại càng bùng cháy. Bà vẫn một lòng, một dạ với người mình yêu, bất chấp sự ngăn cấm từ nhiều phía. Cuối cùng, sự cuồng nhiệt và say đắm đã giúp họ kết hợp lại với nhau và làm nên một cuộc hôn nhân “lịch sử” trong chính cuộc đời của họ. Với NSND Đào Mộng Long, đó là cuộc tình muộn màng nhất và là cuộc hôn nhân duy nhất đơm hoa kết trái (vì cả hai người vợ trước đó đều không có con với ông). Còn với Phạm Thị Thành, thì đây là mối tình đầu tiên và là cuộc hôn nhân duy nhất trong cuộc đời người phụ nữ bé nhỏ đã góp phần làm thay đổi diện mạo sân khấu VN. Họ đã có với nhau hai người con: một trai, một gái nay đều thành đạt. 

Khi tình yêu với Phạm Thị Thành đang ở giai đoạn thắm thiết mặn nồng , Đào Mộng Long đã cho ra đời vở kịch nổi tiếng Hận Tương Giao, mượn câu chuyện tình của chàng Trương Chi nói lên nỗi lòng của mình với cô tiểu thư con quan. Vở kịch đã để lại trong lòng bà những ấn tượng sâu sắc mà đến bây giờ mỗi lần nhắc lại, bà đều khẳng định có chút gì đó chua cay, buồn tủi bắt nguồn từ câu chuyện của hai người được ông “biến hóa” vào nhân vật. Chỉ một vở Hận Tương Giao cho hơn chục năm yêu thương gắn bó nhưng với bà, đó là những tháng ngày hạnh phúc nhất của cuộc đời.

Họ chia tay nhau sau 10 năm hạnh phúc. Không phải lửa tình trong họ đã tắt mà chính tuổi tác đã khiến họ nhận ra những khoảng cách hun hút mà trước đó họ không nhận ra. Khoảng cách đó càng sâu, hơn khi bà đi học ngành sân khấu ở Liên Xô (cũ) trở về. Tổ ấm của họ bắt đầu lung lay bởi những tư duy cũ và mới cùng tồn tại và hai người như hai đường thẳng song song không có điểm chung. 

NSND Phạm Thị Thành (bìa trái) cùng nghệ sĩ Đức Trung trong buổi tập cùng các diễn viên nhà hát Tuổi Trẻ năm 1993
NSND Phạm Thị Thành (bìa trái) cùng nghệ sĩ Đức Trung trong buổi tập cùng các diễn viên nhà hát Tuổi Trẻ năm 1993

Bà kể rằng : “Sự tan vỡ của cuộc hôn nhân này là lẽ đương nhiên. Anh Long hơn mình nhiều tuổi, đến một lúc, tự cuộc sống của hai người không thể nào khớp với nhau được nữa. Đến lúc mình đã trưởng thành, đã chín, mình mới bắt đầu bị những sự khập khiễng ấy giày vò. Anh Đào Mộng Long là người đàn ông lịch lãm và cao thượng. Chính anh ấy đã đề nghị ly hôn và ủng hộ con đường nghệ thuật của mình”.  

Người nghệ sĩ như kiếp con tằm

Bà say sưa kể cho tôi nghe những năm tháng chập chững bước vào con đường nghệ thuật. Những ngày tháng làm diễn viên của đoàn ca múa Việt Bắc lúc bà mới 15 tuổi. Tuy là thành viên nhỏ tuổi nhưng ngoài hát múa đến diễn kịch, bà đều làm được hết. Bà đến với sân khấu cũng một phần chịu ảnh hưởng của NSND Đào Mộng Long. Trở về nước sau 5 năm học ở nước ngoài, mọi thứ với bà đều chỉ là con số 0. Gia đình tan vỡ, con cái còn nhỏ dại. Bà nén lòng lại để theo đuổi đam mê. Bởi lúc đó đất nước còn nghèo, cuộc sống của người nghệ sĩ không khá hơn với những người công nhân là mấy, nếu không muốn nói là có phần khổ sở hơn. Nhưng bằng nghị lực và lòng yêu nghề, bà cùng với lớp nghệ sĩ thế hệ mình đã làm nên rất nhiều điều kỳ diệu cho sân khấu miền Bắc thời kỳ đổi mới. Bà cũng bày tỏ rất thật rằng trong những thành công của những ngày đầu đó, luôn có hình bóng của NSND Đào Mộng Long. Năm 1977, bà cùng một số nghệ sĩ lập nên Nhà hát Tuổi Trẻ. Bà nhớ lại: “Tạm rời sàn diễn, năm 1971 tôi sang Nga học Khoa Đạo diễn tại trường Sân khấu quốc gia Mátxcơva. Tôi đã học hỏi được rất nhiều điều và ấp ủ ý tưởng muốn thay đổi phần nào diện mạo nghệ thuật sân khấu nước nhà. Và rồi cùng với đồng nghiệp là chị Hà Nhân, chúng tôi đã đưa ra đề án xây dựng Nhà hát Tuổi trẻ theo một phong cách riêng”.

Với bà, cuộc sống và công việc những năm tháng sau khi từ Nga về mới là khoảng thời gian lưu giữ nhiều kỷ niệm nhất. Nghĩ lại, bà cũng không hiểu vì sao mình có thể sung sức đến vậy! Bà có thể đi khắp mọi nơi, ở mọi thời điểm, không kể nắng mưa, gió bão. Qua những chuyến đi đó, bà học hỏi được thêm rất nhiều kinh nghiệm sống và nhất là vốn kiến thức văn hóa các vùng miền thêm dày lên. Những vở diễn của bà sau này luôn mang hơi hướng văn hóa của các vùng miền bà đã đi qua. Bà nhớ lại: “Sức trẻ và lòng yêu nghề đã kéo tôi đến Cà Mau, địa đầu của Tổ quốc. Cứ mỗi lần có chương trình sân khấu, hay buổi lễ mang tính nghệ thuật nào được mời làm đạo diễn là tôi lại hồ hởi lên đường. Có những chương trình đòi hỏi phải tìm hiểu cho thật kỹ những đặc trưng văn hoá của vùng đất đó, những tập tục cũng như lối sống, sinh hoạt của bà con để làm cho chương trình phong phú, mới mẻ hơn, tránh bị trùng lặp với những lần trước đó. Không ngại đến tận vùng cao nguyên Ban Mê Thuột, không nề hà lên tận Phú Thọ để làm chương trình lễ hội Đền Hùng suốt từ năm 2005 - 2008, rồi lại ngược về Quảng Ninh làm lễ hội văn hoá cho bà con nơi đây thưởng thức… Đến mỗi vùng đất, tôi lại có thêm những người bạn mới, những kinh nghiệm cho những lần tiếp theo”.

 NSND Phạm Thị Thành phát biểu tại Đại hội sân khấu toàn quốc lần thứ 3
NSND Phạm Thị Thành phát biểu tại Đại hội sân khấu toàn quốc lần thứ 3

Những tấm ảnh trong album của bà đã minh chứng về những chuyến đi và những mảnh đất đã ghi dấu bước chân của bà… Có người hỏi bà sao lại dấn thân vào con đường đạo diễn vốn thường dành cho đàn ông này? Bà chỉ cười và nói rằng: Không có con đường nào chỉ dành riêng cho đàn ông, tôi đam mê và tôi quyết làm cho bằng được. Thẳng thắn và quyết đoán, bà đến với nghệ thuật với tất cả tình yêu mà mình có. Nó được thể hiện, được hòa nhập và nghiền ngẫm qua hàng trăm vở diễn do bà đạo diễn hay đồng đạo diễn - đã thành kinh điển như: Vũ Như Tô, Rừng Trúc, Sống Mãi tuổi 17, Romeo và Juliet, Othello…. Trong đó đặc biệt nhất có lẽ là vở Vũ Như Tô. Nhắc lại vở diễn này khiến bà lại nhớ đến nhà viết kịch tài hoa của những năm 1980, Lưu Quang Vũ. Bà nói như tự sự rằng: “Vở đó như sự đồng điệu đầy cơ duyên giữa tôi và Lưu Quang Vũ, dường như luôn có sự hòa hợp về tâm hồn nghệ thuật mà không phải biên kịch và đạo diễn nào cũng có được”. Có những vở đã diễn đi diễn lại 200 suất như vở Cuộc đời tôi. Kỷ lục ấy, chính bà cũng khó có thể lặp lại một lần trong đời, chứ chưa nói đến sẽ là một thách thức với các đạo diễn thế hệ sau này, bởi cái tâm với nghề của nghệ sĩ và sự say mê của khán giả đương đại cũng chừng mực hơn rất nhiều…

Những ngày này, ngoài lúc làm cố vấn hay đi dự hội thảo, cuộc sống của bà chậm hơn, bình yên hơn. Bà chơi thể thao, tham gia vào các câu lạc bộ hưu trí. Một năm hai lần, bà về Huế thắp hương cho ông bà tổ tiên. Bà bảo mỗi khi về cố đô, bà nhớ da diết tuổi thơ và những hào quang của một thời đã xa, nhưng tuyệt nhiên không nuối tiếc. Đơn giản, cuộc đời của bà đã trải qua quá nhiều đắng cay, mật ngọt và những trải nghiệm qua tột đỉnh của mọi cung bậc cảm xúc mới là thứ quan trọng trong đời người. Nếu như bà mãi an phận là một tiểu thư khuê các sống trong lầu vàng, gác bạc, thì chắc gì đã có một Phạm Thị Thành được thỏa sức sống với đam mê, như con chim nhỏ hồn nhiên và say mê hót trong một khoảng trời rộng lớn.

Bà kể rằng, bà dự định viết một cuốn hồi ký mà mọi thứ cứ ngổn ngang, không biết bắt đầu như thế nào trong mênh mông sự kiện đời mình, không biết chọn ai chấp bút. Nói đến đó, bà quay nhìn ra ngoài cửa sổ với một cái nhìn xa xăm, vô định.

Chia tay bà khi ngoài kia trời đã sập tối, cơn mưa chiều đã tạnh, bà lúi húi trân trọng cất quyển album vào túi. Tôi dõi theo bóng bà bước qua những vũng nước đọng lại trên mặt đường. Bên tai còn văng vẳng câu nói của bà: “Người nghệ sỹ như kiếp con tằm, mà tằm thì phải nhả tơ. Những sợi tơ mỏng manh óng ả ấy vương vít bao nhiêu là tình, bao nhiêu là tâm tư gửi gắm. Khi đã sống hết mình thì chẳng có gì phải nuối tiếc”.

Nguyễn An

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ