Theo đó, một trong các nhiệm vụ trọng tâm là tiếp tục kiện toàn tổ chức và biên chế, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng công tác pháp chế nhằm nâng cao chất lượng và chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế tại địa phương.
Các sở GD&ĐT chưa thành lập phòng pháp chế căn cứ vào nhu cầu công tác pháp chế, phối hợp với sở nội vụ, trình UBND tỉnh thành lập phòng pháp chế, hoàn thiện tổ chức pháp chế theo quy định;
Bố trí cán bộ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm thực hiện công tác pháp chế tại các phòng giáo dục và đào tạo, các cơ sở giáo dục tại địa phương.
Về hoạt động, tổ chức pháp chế của các Sở GD&ĐT, những công việc cần tập trung gồm:
Công tác xây dựng pháp luật; kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật; phổ biến, giáo dục pháp luật; theo dõi tình hình thi hành pháp luật và kiểm tra việc thực hiện pháp luật; công tác bồi thường của Nhà nước; công tác thi đua, khen thưởng; cải cách thủ tục hành chính; hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và công tác tham mưu về các vấn đề pháp lý và tham gia tố tụng.
Với nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ GD&ĐT yêu cầu các Sở GD&ĐT phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng phổ biến, giáo dục pháp luật cho đội ngũ giáo viên môn pháp luật, môn giáo dục công dân, báo cáo viên và cán bộ phụ trách công tác phổ biến, giáo dục pháp luật;
Chỉ đạo đổi mới phương pháp nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy các kiến thức pháp luật trong chương trình chính khóa; tăng cường nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật trong các chương trình ngoại khóa và các hoạt động ngoài giờ lên lớp.
Chỉ đạo tổ chức hội thi học sinh giỏi, giáo viên giỏi môn giáo dục công dân; báo cáo viên pháp luật giỏi cấp trường; tổ chức “Ngày pháp luật” và các cuộc thi tìm hiểu pháp luật; hưởng ứng cuộc thi viết “Tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” sau khi Ban tổ chức cuộc thi ở Trung ương ban hành kế hoạch và thể lệ dự thi…