Kiên quyết nói không với linh vật ngoại lai

GD&TĐ - Theo báo cáo của Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, tại buổi làm việc chuẩn bị cho Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Công văn số 2662/BVHTTDL-MTNATL, hiện tượng cung tiến tượng sư tử đá ngoại lai vào các di tích đã chấm dứt. 

Kiên quyết nói không  với linh vật ngoại lai

Tuy lộ trình còn dài và còn nhiều khó khăn, song chủ trương Bộ VH-TT&DL bước đầu đã tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của người dân, tạo sự đồng thuận trong dư luận xã hội.

Ngăn chặn sự xâm lấn của linh vật ngoại lai

Sau những ý kiến cho rằng những linh vật sư tử đá mang “cốt cách văn hóa ngoại lai” đặt tại các cổng đình chùa, công sở là không phù hợp với văn hóa Việt, ngày 8/8/2014 Bộ VH-TT&DL đã có Công văn số 2662/BVHTTDL-MTNATL gửi các ban, bộ, ngành, Sở VH-TT&DL các tỉnh/thành, các cơ quan đơn vị yêu cầu không sử dụng biểu tượng, sản phẩm linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam.

Sau 3 năm thực hiện, với những hoạt động tích cực của Bộ VH-TT&DL, những linh vật ngoại lai, không phù hợp với thuần phong mỹ tục của người Việt đang dần được thay thế và loại bỏ. Nhiều đơn vị, cá nhân đã tích cực tham gia công tác sưu tầm, nghiên cứu, tạo các sản phẩm, biểu tượng, linh vật mang bản sắc văn hóa Việt Nam.

Tại các làng nghề, người thợ đã có ý thức trong việc tìm hiểu văn hóa truyền thống. Nhiều cơ sở chế tác đã tìm tòi, sáng tạo ra những sản phẩm có thẩm mỹ cao, phù hợp với truyền thống Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Đặng Thị Bích Liên cho rằng, sau 3 năm thực hiện Công văn 2662 đã đạt được nhiều thành quả quan trọng, tuy nhiên, thời gian gần đây, việc tuyên truyền về linh vật Việt, nói không với linh vật ngoại lai chưa mạnh mẽ. Vì vậy, Thứ trưởng yêu cầu, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan, các cơ quan báo chí đẩy mạnh việc tuyên truyền về tinh thần của Công văn 2662.

Cần sự chung tay

Có thể nói, lộ trình để đưa hết linh vật ngoại lai ra khỏi di tích, khỏi đời sống người dân còn dài dài. Sư tử, tỳ hưu mới xuất hiện gần đây do một số nhân vật cung tiến cho các di tích văn hóa, cũng do không am hiểu nên mới sử dụng linh vật ngoại lai, dẫn đến việc không phù hợp với tín ngưỡng của người Việt Nam.

GS Trần Lâm Biền cho biết, mặc dù Luật Di sản Văn hóa đã có những quy định rõ về việc đưa những hiện vật mới vào di tích, nhưng chúng ta chưa bao giờ có một thiết chế cụ thể để giám sát việc cung tiến.

Đưa những linh vật không đúng vào di tích, là do không hiểu biết nên những người làm văn hóa phải giải thích ý nghĩa biểu tượng, người dân sẽ hiểu và tự nguyện di dời, tránh được sự âm ỉ và có lúc trỗi dậy.

Chính vì vậy, việc nhận thức về linh vật ngoại lai là rất quan trọng đối với người dân cũng như chính quyền sở tại để có những biện pháp kiên quyết trong bảo vệ di tích quốc gia.

GS Trần Lâm Biền cho rằng, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để tạo sự đồng thuận, sự thống nhất trong nhận thức về nét đẹp của linh vật Việt, về cái đúng, cái chưa đúng của linh vật ngoại lai và từ đó, các bộ, ngành, các cơ quan, công sở cũng cần vào cuộc, chứ không chỉ là ở các điểm di tích.

Thực tế, trong một khoảng thời gian ngắn, nhờ truyền thông rộng khắp, Công văn 2662 của Bộ VH-TT&DL đã phát huy hiệu quả tích cực.

Sắp tới, Bộ VH-TT&DL cũng sẽ tăng cường tuyên truyền các hoạt động trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản, công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động xây mới, bày, đặt tại di tích, sẽ tiếp tục yêu cầu các địa phương thực hiện việc không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong, mỹ tục Việt Nam.

Đến tháng 12 Âm lịch, Bộ VH-TT&DL sẽ đồng loạt ra quân rà soát, kiên quyết di dời những hiện vật lạ, linh vật ngoại lai này ra khỏi các di tích. Mục tiêu đặt ra là đến Tết Nguyên đán, các nơi thờ tự thể hiện đầy đủ giá trị của văn hóa thuần Việt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ