Kiên quyết không để dịch bệnh nCoV lây lan trong trường học

Kiên quyết không để dịch bệnh nCoV lây lan trong trường học

Gia đình, nhà trường đều cảnh giác

Hành trang chị Lê Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) chuẩn bị cho con trước khi đến trường hôm nay, bên cạnh sách vở còn có khẩu trang và một lọ gel rửa tay. Chị Hòa cho biết, thông tin về bệnh dịch đã được giáo viên, phụ huynh thông tin cho nhau trong nhóm viber của lớp từ ngay khi có thông tin về bệnh dịch, không chờ đến ngày trẻ trở lại trường.

“Cô giáo chủ nhiệm gửi cho chúng tôi 8 cách phòng tránh vi rút corona, đó là: rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, mang theo dung dịch rửa tay sát khuẩn có cồn khi đi chơi, du lịch; đeo khẩu trang y tế 3 lớp khi đến nơi đông người như sân bay, ga tàu..;; che mũi miệng khi ho, hắt xì hơi, xì mũi,… bằng khăn giấy dùng một lần; súc họng với dung dịch sát khuẩn miệng; giữ ấm cơ thể và phòng ốc; tránh tiếp xúc với người có triệu chứng cảm cúm; nấu chín kỹ thịt, trứng; đến ngay cơ sở ý tế gần nhất nếu có tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc người đến từ vùng dịch và có dấu hiệu sốt, ho, khó thở. Bản thân tôi cũng chủ động tìm hiểu thông tin về bệnh dịch và cách phòng chống” – chị Hòa chia sẻ.

Dù còn 4 ngày nữa học sinh mới đi học lại sau nghỉ Tết, nhiều trường học tại tỉnh Trà Vinh đã gửi thông báo đến cha mẹ học sinh nhắc nhở con em hạn chế đến các nơi vui chơi công cộng. Công điện của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (nCoV) cũng được gửi đến các phụ huynh để cùng phối hợp phòng chống dịch bệnh này.

Cô Nguyễn Thị Mỹ Dung – Trường THPT Nguyễn Văn Hai, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh – cho biết luôn cập nhật thông tin về dịch bệnh và gửi tin nhắn qua nhóm zalo của lớp dặn dò học sinh hạn chế đi chơi xa, tránh đến nơi đông người. Vui xuân nhưng phải giữ gìn sức khỏe để học tốt. “Trước nghỉ Tết, tôi cũng dặn dò kỹ việc đi chúc tết người thân không được uống rượu bia, phải đảm bảo an toàn giao thông; chú ý giữ gìn vệ sinh cá nhân, sức khỏe để trở lại trường sau nghỉ Tết với tâm thế tốt nhất” – cô Dung cho hay.

Địa phương ra văn bản khẩn

Sau công điện của Bộ GD&ĐT, nhiều địa phương đã nhanh chóng có chỉ đạo đến các cơ sở giáo dục về phòng chống dịch Corona. Theo ông Bùi Quý Khiêm – Chánh văn phòng Sở GD&ĐT Đồng Tháp, Sở GD&ĐT đã có văn bản khẩn yêu cầu trưởng phòng các phòng GD&ĐT và thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Sở chủ động phối hợp với các sở y tế và cơ quan có liên quan của địa phương triển khai một số công việc để ngăn chặn sự xâm nhập và lây lan của dịch bệnh, chủ động ứng phó có hiệu quả nhất trong trường học.

Trong đó lưu ý phối hợp chặt chẽ với cơ quan y tế địa phương chủ động triển khai thực hiện các công việc nhằm đảm bảo sức khỏe và thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho các cơ sở giáo dục. Theo dõi và quản lý tốt sức khỏe học sinh, giáo viên, cán bộ, nhân viên nhà trường, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh; khi có hiện tượng bất thường hoặc dịch bệnh xảy ra cần thông báo ngay cho cơ quan y tế để được khám, điều trị kịp thời, kiên quyết không để dịch lây lan trong trường học.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cho học sinh, giáo viên, cán bộ, nhân viên nhà trường về nguyên nhân, hậu quả và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona và dịch bệnh mùa đông xuân (thông tin phải lấy từ các nguồn chính thống). Giáo dục học sinh làm tốt nhiệm vụ là cầu nối tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh cho gia đình và cộng đồng.

Hướng dẫn học sinh, giáo viên, cán bộ, nhân viên nhà trường hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh viêm đường hô hấp cấp tính; khi cần thiết phải tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế đúng cách và giữ khoảng cách khi tiếp xúc; giữ ấm cơ thể, vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc họng bằng nước sát khuẩn miệng để phòng bệnh viêm phổi; cần che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn tay để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp.

“Sở GD&ĐT Đồng Tháp cũng lưu ý triển khai mạnh mẽ các hoạt động vệ sinh phòng bệnh tại các cơ sở giáo dục, các trường học; chủ động phối hợp với ngành y tế tổ chức tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; đảm bảo an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, cung cấp đủ nước uống, nước sạch cho trẻ em, học sinh, sinh viên, giáo viên, giảng viên, cán bộ, nhân viên nhà trường, thường xuyên làm vệ sinh môi trường, vệ sinh khử khuẩn lớp học.

Lưu ý học sinh, giáo viên, cán bộ, nhân viên nhà trường thận trọng khi thông tin về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona, không chia sẻ thông tin có liên quan trên mạng xã hội khi chưa được kiểm chứng. Chỉ thông tin những nội dung chính thống từ cơ quan chức năng. Báo cáo kịp thời về UBND địa phương, Sở GD&ĐT khi có diễn biến phức tạp tại đơn vị, địa phương về diễn biến của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona” – ông Bùi Quý Khiêm cho hay.

Một số địa phương khác như Hà Nội, Bến Tre, Phú Yên… cũng đã có văn bản gửi các đơn vị lưu ý nội dung này. Trong văn bản khẩn của Sở GD&ĐT Bến Tre có yêu cầu triển khai, quán triệt trong toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và học sinh trên địa bàn Công điện số 43/CĐ-BGDĐT ngày 28/1/2020 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Tập trung triển khai, hướng dẫn các hoạt động vệ sinh phòng bệnh, nâng cao nhận thức về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; đảm bảo an toàn thực phẩm, cung cấp đủ nước uống, nước sạch đồng thời chủ động, thường xuyên làm vệ sinh môi trường, vệ sinh khử khuẩn lớp học tại tất cả các cơ sở giáo dục, trường học…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Quảng bá di sản

GD&TĐ - Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, đã được hơn 10 năm (6/12/2012).