Kiến nghị điều tra Trung tá công an nhận hối lộ

Để tránh bỏ lọt tội phạm, TAND huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk) đã kiến nghị Cục Điều tra VKSND Tối cao điều tra về hành vi nhận hối lộ và làm sai lệch hồ sơ vụ án của một nguyên Đội trưởng Đội Kinh tế công an huyện này…

Bị cáo Phạm Văn Vượng (bìa phải) bức xúc về băng ghi âm nghe rất rõ nhưng giám định lại không ra. Ảnh: NLĐ
Bị cáo Phạm Văn Vượng (bìa phải) bức xúc về băng ghi âm nghe rất rõ nhưng giám định lại không ra. Ảnh: NLĐ

Mới đây, TAND huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk) đã xử sơ thẩm lần hai vụ phá rừng của Phạm Văn Vượng và đồng phạm.

Vụ án gây chú ý ở chỗ tại phiên tòa sơ thẩm lần đầu hồi tháng 4/2015, Vượng đã cung cấp băng ghi âm tố cáo Trung tá Trương Văn Thêm - Nguyên Đội trưởng Đội Kinh tế công an huyện - nhận hối lộ của ông Nguyễn Quang Đức - Nguyên Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại-Du lịch Bản Đôn. Trung tá Thêm đã hướng dẫn Vượng khai sai sự thật nhằm bao che cho ông Đức - người mà theo Vượng là chủ mưu phá rừng.

Về hưu sau khi bị tố cáo

Theo hồ sơ, tháng 5/2013, Vượng được ông Đức thuê thu gom, dọn dẹp vệ sinh cây rừng cho Công ty Bản Đôn. Theo Cơ quan CSĐT Công an huyện Buôn Đôn, lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo của công ty, Vượng đã thuê Nguyễn Thành Lam, Lê Minh Tiến, Nguyễn Hùng Danh, Đàm Thanh Cưu vừa thu gom vừa khai thác trái phép 37 m 3 gỗ rừng do công ty quản lý.

Vì vậy, Vượng và bốn đồng phạm bị khởi tố, truy tố về tội vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng theo khoản 1 Điều 175 BLHS (phạt tiền từ 5 triệu đến 50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm).

Tháng 4/2015, TAND huyện Buôn Đôn đã đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm lần đầu. Tại phiên tòa này, Vượng khai ông Đức đã chỉ đạo Vượng khai thác gỗ rừng trái phép nhưng CQĐT không khởi tố ông này là bỏ lọt người phạm tội.

Điều này dẫn đến việc Vượng bị quy kết là giữ vai trò chủ mưu trong vụ án. Để chứng minh, Vượng đã mở băng ghi âm ngay tại tòa có nội dung là ông Đức và Trung tá Thêm đã hướng dẫn Vượng khai sai sự thật để bao che cho ông Đức. Trước diễn biến bất ngờ này, TAND huyện Buôn Đôn đã trả hồ sơ để điều tra bổ sung nhằm tránh lọt người, lọt tội.

Sau đó, cả ông Đức lẫn Trung tá Thêm đều không bị xử lý gì.

Cụ thể, về ông Đức, trả lời báo Pháp Luật TPHCM, Đại úy Nguyễn Lưu Nguyên - Đội trưởng Đội Điều tra tổng hợp Công an huyện Buôn Đôn - cho biết:

“Chúng tôi ba lần vào TPHCM, trong đó có hai lần đi cùng Viện KSND huyện để tìm nơi ở của ông Đức nhưng cũng chỉ xác minh được nơi đăng ký hộ khẩu thường trú và ông ấy không có ở nhà.

Cho tới giờ này chưa chứng minh ông Đức có dấu hiệu phạm tội nên chưa thể khởi tố. Sau khi khởi tố bị can mới áp dụng được biện pháp ngăn chặn, nếu bỏ trốn tụi tôi sẽ truy nã.

Nếu người làm chứng mà mời họ không đến thì tụi tôi áp giải. Còn ông Đức không thuộc hai trường hợp trên và cũng không biết ông này đang ở đâu. Chúng tôi bí rồi!”.

Còn về Trung tá Thêm, Viện KSND huyện Buôn Đôn cho biết sau khi tòa trả hồ sơ, VKS huyện đã làm việc với Trung tá Thêm. Ông này thừa nhận có ngồi cà phê với Vượng nhưng chỉ để động viên Vượng nhận tội (?!). Hiện nay ông Thêm bị tai biến nên đã về hưu.

“Chẳng lẽ trốn đi là xong”?

Tại phiên tòa lần này, Vượng khai vụ án kéo dài đã 3 năm, Vượng đã gửi đơn tố cáo hành vi đưa, nhận hối lộ của ông Đức và Trung tá Thêm nhưng chưa cơ quan nào trả lời thỏa đáng.

“Chẳng lẽ ông Đức trốn đi là xong sao? Bị cáo đã gửi băng ghi âm để đi giám định. Băng ghi âm này nghe bình thường rất rõ, không hiểu sao cơ quan giám định lại nói tạp âm không nghe được.

Thử hỏi như vậy có đáng tin hay không? Bị cáo đề nghị khi nào có người chủ mưu phá rừng là ông Đức thì đưa bị cáo ra xét xử, tội bị cáo tới đâu bị cáo nhận tới đó” - Vượng nói.

Đại diện VKS nói CQĐT huyện Buôn Đôn đã triệu tập ông Đức nhiều lần nhưng ông Đức không có mặt và cũng không biết ông Đức đang ở đâu.

Việc Vượng tố cáo ông Thêm có hành vi nhận hối lộ thì hiện VKS huyện đã chuyển hồ sơ tới CQĐT của Viện KSND Tối cao để điều tra, xác minh. Từ đó đại diện VKS đề nghị Vượng và Lam 15-18 tháng tù, các bị cáo còn lại 9-12 tháng tù.

Cuối cùng, Hội đồng Xét xử đã phạt Vượng một năm sáu tháng tù, Lam hai năm tù, Tiến, Danh và Cưu mỗi người chín tháng tù. HĐXX cũng kiến nghị Cục Điều tra VKSND Tối cao điều tra về hành vi nhận hối lộ và làm sai lệch hồ sơ vụ án của Trung tá Thêm. Ngoài ra, HĐXX còn kiến nghị CQĐT, VKS huyện xem xét vai trò đồng phạm của ông Đức, người bị tình nghi chủ mưu phá rừng.

Băng ghi âm nghe rõ, giám định vẫn bó tay?

Khi vụ án đang trong giai đoạn điều tra, Vượng (được tại ngoại) cùng ông Đức và Trung tá Thêm đã ngồi uống cà phê với nhau. Cuộc nói chuyện tại quán cà phê đã được Vượng ghi âm lại toàn bộ.

Khi mở băng ghi âm này, PV nghe khá rõ nội dung mà Vượng cho rằng Trung tá Thêm hướng dẫn Vượng khai sai sự thật nhằm bao che cho ông Đức:

“Làm sao đó thì làm, tao chỉ gợi ý vậy thôi. Gợi ý cho mày nữa, có lợi cho công ty. Mày có khai ra thì mày kéo ông ấy vào thì mày cũng chừng đó tội… Đừng có một tư tưởng không vững vàng, không được để lộ ông Đức. Nói như vậy, anh cũng gợi ý như vậy, làm cho nó tuyệt đối”...

Theo PLO

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ