(GD&TĐ)-Tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT, kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ 2012 và hoạt động thanh, kiểm tra các trường ĐH, CĐ của Bộ GD&ĐT trong thời gian qua là những vấn đề được báo giới quan tâm nhất tại cuộc họp báo thường kỳ quý II Bộ GD&ĐT tổ chức chiều nay (4/5) dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa: Kiểm tra để chấn chỉnh, để uốn nắn, bên cạnh đó cũng có hướng dẫn giúp đỡ các trường chứ không phải kiểm tra để xử phạt. Ảnh: gdtd.vn |
Thanh tra không phải chỉ nhằm để xử lý, để dừng tuyển sinh
Năm 2012, Bộ GD&ĐT đã tổ chức kiểm tra tại 38 trường ĐH, CĐ. Trong đợt này, Bộ đã đình chỉ tuyển sinh năm 2012 đối với 5 ngành của 5 trường; giảm 20% chỉ tiêu so với năm 2011 đối với trường CĐ Kỹ thuật – Công nghiệp Quảng Ngãi; đồng thời ban hành văn bản cảnh báo, yêu cầu với một số trường.
Bộ GD&ĐT cũng tổ chức thanh tra, xử lý sau thanh tra đối với hoạt động liên kết đào tạo tại trường ĐH Y Hải Phòng; hoạt động liên kết đào tạo của trường TC Y dược Văn Hiến (tỉnh Thanh Hóa), trường CĐ Y tế Ninh Bình, trường TC Y dược Thăng Long (tỉnh Bắc Ninh) với trường ĐH Y Hải Phòng. Đồng thời, xây dựng kế hoạch thanh tra và thanh tra hoạt động đào tạo có yếu tố nước ngoài tại 7 đơn vị là trường Kinh doanh Melior, trường quản trị tài chính (IFA), trường công nghệ thông tin và quản trị kinh doanh (Sibme), trường Đào tạo quản lý doanh nghiệp (CBAM), Trung tâm đào tạo FTMS, trường ĐH Hoa Sen và Viện ĐH Mở Hà Nội.
Chánh thanh tra Bộ GD&ĐT Nguyễn Huy Bằng cho hay, dấu hiệu ban đầu cho thấy, 7 đơn vị đào tạo có yếu tố nước ngoài đều có dấu hiệu vi phạm quy định điều 8, điều 11 của Nghị định 49, tương tự 1 một số cơ sở có yếu tố nước ngoài Bộ GD&ĐT đã kiểm tra năm 2011. Hoạt động liên kết đào tạo tại ĐH Y Hải Phòng cũng phát hiện những vi phạm.
Trước băn khoăn về một loạt các hoạt động thanh, kiểm tra; việc dừng tuyển sinh với một số trường và ngành học năm 2012 liệu có ảnh hưởng đến thí sinh, ông Nguyễn Huy Bằng cho rằng, việc dừng tuyển sinh sẽ gây ra một số xáo động đối với một bộ phận thí sinh ở một số trường. Điều này Bộ cũng đã tính đến song để bảo đảm nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục của cả hệ thống, đồng thời giữ nghiêm kỷ cương trong quản lý theo yêu cầu Nghị quyết của Quốc hội và Chỉ thị của Thủ tướng, Bộ đã quyết định dừng tuyển sinh như đã nêu trên.
“Bộ sẽ chủ động tháo gỡ, không phải thanh tra chỉ nhằm xử lý, chỉ nhằm để dừng, dường như vô cảm” – ông Nguyễn Huy Bằng nhấn mạnh.
Trước vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa cũng khẳng định đảm bảo quyền lợi cho thí sinh, không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh. Thực tế, ngay sau khi có quyết định dừng tuyển sinh đối với Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Hà Nội và 5 ngành của 5 trường (ĐH Phú Xuân, ĐH Yersin Đà Lạt, ĐH Thành Tây, CĐ Kỹ thuật - Công nghiệp Quảng Ngãi, CĐ Bách nghệ Tây Hà), Bộ GD&ĐT đã có công văn gửi các sở GD&ĐT, các ĐH, học viện, các trường ĐH, CĐ yêu cầu hướng dẫn và tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh đã nộp hồ sơ ĐKDT vào ngành bị đình chỉ tuyển sinh được đăng kí lại hồ sơ ĐKDT. Thí sinh đăng kí lại hồ sơ ĐKDT không phải nộp thêm bất cứ khoản lệ phí nào.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa, thực hiện kiểm tra, thanh tra là việc làm thường xuyên của Bộ GD&ĐT. Năm 2011, Bộ đã tiến hành kiểm tra 24 trường và đã công bố kết quả. Qua kiểm tra đợt này, các trường có nhiều nỗ lực cố gắng trong việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, tuyển dụng đội ngũ giáo viên. Tuy nhiên, bên cạnh những trường làm tốt, vẫn có nhiều trường làm chưa tốt. Nhiều trường hiện nay vẫn chưa đủ số lượng giảng viên có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ để đào tạo ĐH, CĐ,chưa đáp ứng yêu cầu về đất đai, điều kiện cơ sở vật chất.
“Chúng tôi xác định là kiểm tra để chấn chỉnh, để uốn nắn, bên cạnh đó cũng có hướng dẫn giúp đỡ các trường chứ không phải kiểm tra để xử phạt. Sau khi cân nhắc các mức độ vi phạm, chúng tôi đã quyết định tạm dừng tuyển sinh với một trường và đình chỉ 5 ngành của 5 trường. Các trường khác vẫn có thiếu sót nhưng mức độ nhẹ hơn, chúng tôi có công văn cảnh báo yêu cầu các trường phải khắc phục. Nếu đến thời điểm được yêu cầu mà không khắc phục được sẽ có kiểm tra lại và xử lý theo quy định. Với trường bị tạm dừng tuyển sinh, cũng chỉ trong 1 năm, nếu sau đó khắc phục được các nguyên nhân bị đình chỉ sẽ cho tuyển sinh trở lại. Năm trước, một số trường bị đình chỉ tuyển sinh có giải pháp khắc phục tích cực, chúng tôi cũng đã cho tuyển sinh trở lại” – Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa cho biết.
Ông Vũ Đình Chuẩn - Vụ trưởng Vụ GD Trung học: Bộ GD&ĐT đã triển khai nhiều biện pháp tạo sự ổn định cho công tác tuyển sinh đầu cấp. Ảnh: gdtd.vn |
Thi tốt nghiệp THPT: Tăng cường thanh tra trước, trong kỳ thi và chấm thi
Một điểm mới cơ bản của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay là tăng cường tính trách nhiệm, tính tự chủ cho các đơn vị, các địa phương. Trong đó có việc các trường THPT nếu đủ điều kiện có thể tự tổ chức thành hội đồng thi riêng; không tổ chức các đoàn thanh tra của Bộ ủy quyền tại các sở GD&ĐT…
Trước những băn khoăn cho rằng điều này có thể làm tăng các hiện tượng tiêu cực trong kỳ thi, ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh thanh tra Bộ GD&ĐT cho biết, dưới góc độ thanh tra, Bộ GD&ĐT đã có văn bản hướng dẫn và các sở GD&ĐT cũng đã tổ chức tập huấn nghiêm túc. Năm nay, không tổ chức các đoàn thanh tra Bộ ủy quyền tại các sở GD&ĐT nhưng sẽ tăng cường thanh tra trước, trong kỳ thi và thanh tra chấm thi. Cụ thể, sẽ tăng số đoàn thanh tra lưu động, tổ chức các nhóm thanh tra làm việc trực tiếp, thường xuyên tại một tỉnh. Và đặc biệt, Bộ cũng đề nghị các sở tập huấn rất kỹ lưỡng, lựa chọn lực lượng thanh tra tinh nhuệ, có sự phân định trách nhiệm rất rạch ròi giữa thanh tra từng hội đồng thi, thanh tra của sở và thanh tra của Bộ cũng như cơ chế thông tin, phối hợp với các cơ quan liên quan…
Khẳng định thêm vấn đề này, theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa, trong quý II, Bộ GD&ĐT tập trung vào công tác chỉ đạo về ôn tập và thi tốt nghiệp THPT theo hướng tăng cường tính trách nhiệm, tính tự chủ cho các đơn vị, các địa phương. Tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm không phải là buông lỏng mà Bộ cũng sẽ tăng cường chỉ đạo, tăng cường thanh tra, kiểm tra; tăng cường hơn nữa lực lượng thanh tra ngay tại địa phương để đảm bảo tính nghiêm minh, kỷ luật và kỷ cương của kỳ thi.
Liên quan đến những vấn đề “nóng” trong mỗi đợt tuyển sinh đầu cấp, ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ GD Trung học cho hay, Bộ GD&ĐT đã triển khai hàng loạt các giải pháp nhằm tạo ra sự đồng đều về chất lượng các trường, phân bố quy hoạch các trường cho phù hợp với các địa bàn dân cư khác nhau để các học sinh không phải đi học xa. Bên cạnh đó là các giải pháp quản lý khác như tư vấn chọn trường tại các trường tiểu học, THCS… Tất cả nhằm ngày càng tạo ra sự ổn định cho công tác tuyển sinh đầu cấp. “Trong quá trình chỉ đạo, chúng tôi cũng thường xuyên kiểm tra để phát hiện ra những chỗ chưa hợp lý để có chấn chỉnh kịp thời” – ông Chuẩn nhấn mạnh.
Hiếu Nguyễn