Chiều 21/11, ông Hà Hữu Tuế, Trưởng phòng quản lý bay Quân chủng phòng không không quân, cho biết việc trực thăng Mi 172/423 cất cánh ngày 29/10 tại sân bay Tân Sơn Nhất nằm trong kế hoạch bay huấn luyện của Quân chủng phòng không không quân đã có từ trước. Đơn vị đã có thông báo cụ thể tới cơ quan kiểm soát không lưu.
Trước việc Mi 172/423 được cho là cắt mũi Airbus A321 số hiệu HVN 1367 của Vietnam Airlines (VNA) khởi hành từ TP HCM đi Huế ngày 29/10, Quân chủng đang điều tra công tác điều hành bay của trực thăng này.
Báo cáo ban đầu của Tổng công ty quản lý bay Việt Nam cho rằng lỗi thuộc về Chỉ huy quân sự điều hành bay, song theo ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Hàng không Việt Nam, thông tin đó chưa có cơ sở. Cục hàng không đã lập tổ điều tra để xác định nguyên nhân và làm rõ trách nhiệm của người liên quan. Hiện nay, có một kiểm soát viên không lưu trực hiệp đồng thuộc ACC HCM đã nhận trách nhiệm không thực hiện tốt công tác trong kíp trực. Tuy nhiên, việc xử lý vẫn phải chờ kết luận điều tra chính thức.
Mỗi ngày có 1.500 chuyến bay dân dụng trong vùng trời Việt Nam, ngoài ra có hoạt động quân sự và huấn luyện. "Công tác hiệp đồng nhịp nhàng song vừa qua có chủ quan hay khiếm khuyết của người điều hành bay. Chúng tôi sẽ kiểm tra sự cố có sai sót ở chỗ nào", ông Đoàn Hữu Ga, Phó tổng giám đốc Tổng công ty quản lý bay, thông tin thêm.
Ngày 21/11, Cục Hàng không cùng một số đơn vị trong ngành và Quân chủng phòng không đã họp bàn về các giải pháp phối hợp điều hành giữa hàng không dân dụng và quân sự trước mắt và lâu dài vì tất cả sân bay ở Việt Nam đều là dùng chung dân dụng và quân sự. Trước mắt rà soát lại quy chế phối hợp điều hành dân dụng và quân sự tại các sân bay và việc thực hiện quy chế phối hợp tuân thủ đúng quy trình hay chưa.
Trước đó, ngày 29/10 chiếc máy bay Airbus A321 được cấp lệnh cất cánh thì 9 giây sau đó, Chỉ huy bay quân sự cũng cho phép máy bay trực thăng Mi 172/423 xuất phát.
Vừa rời mặt đất thì tổ lái HVN 1376 thấy một chiếc trực thăng cắt ngang phía trước. Theo nhận định ban đầu, thời điểm đó hai máy bay cách nhau khoảng 60 m. Tình huống phát sinh đã khiến tổ lái của VNA phải giảm tốc độ và góc bay ở độ cao 152 m.