(GD&TD)-Ngày 13/2, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã ban hành Chỉ thị số 01 yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm một số giải pháp điều hành chính sách tiền tệ năm 2012. Trong đó, yêu cầu kiểm soát tỷ trọng dư nợ cho vay đối với các lĩnh vực không khuyến khích so với tổng dư nợ cho vay của tổ chức tín dụng trong suốt cả năm 2012 tối đa là 16%.
Cho vay để đầu tư, kinh doanh bất động sản tiếp tục bị Ngân hàng Nhà nước xếp vào nhóm không khuyến khích (ảnh MH) |
Cụ thể nhóm các lĩnh vực không khuyến khích cho vay gồm: Dư nợ cho vay để đầu tư và kinh doanh chứng khoán, trong đó loại trừ dư nợ cho vay đối với người lao động của công ty nhà nước để mua cổ phần phát hành lần đầu khi chuyển công ty nhà nước này thành công ty cổ phần. Cùng đó là dư nợ cho vay đối với nhu cầu vốn để phục vụ đời sống, cho vay thông qua dịch vụ phát hành và sử dụng thẻ tín dụng (cho vay tiêu dùng); trong đó loại trừ dư nợ cho vay đối với nhu cầu vốn để xây dựng, sửa chữa nhà và mua nhà để ở mà nguồn trả nợ bằng tiền lương, tiền công của khách hàng vay.
Dư nợ cho vay đối với lĩnh vực đầu tư, kinh doanh bất động sản cũng thuộc nhóm này. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước chấp thuận loại trừ các khoản dư nợ cho vay đối với một số nhu cầu vốn như: xây dựng nhà để bán, cho thuê phục vụ người thu nhập thấp, công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế; xây dựng nhà ở cho công nhân khu công nghiệp nhưng không thu tiền thuê nhà hoặc thu tiền thuê nhà với giá thuê không vượt quá mức giá thuê nhà ở do Ủy ban Nhân dân địa phương ban hành mà chi phí xây dựng nhà ở hoặc chi phí tiền thuê nhà ở được tính là chi phí hợp lý trong giá thành sản xuất khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp; xây dựng các công trình, dự án phát triển nhà ở sắp hoàn thiện và sẽ được bàn giao hoặc đưa vào sử dụng năm 2012.
Trường hợp tổ chức tín dụng có mức tăng trưởng tín dụng và/hoặc tỷ trọng dư nợ cho vay đối với lĩnh vực không khuyến khích vượt mức quy định, Ngân hàng Nhà nước sẽ áp dụng tỷ lệ dự trữ bắt buộc gấp hai lần tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam và các biện pháp hạn chế phạm vi hoạt động kinh doanh
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2012 cho 4 nhóm tổ chức tín dụng. Cụ thể, Nhóm 1 chỉ được tăng trưởng tối đa 17%, tỷ lệ này với Nhóm 2 là 15%, Nhóm 3 tối đa 8% và nhóm 4 không được tăng trưởng.
Sau 6 tháng thực hiện, Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với các tổ chức tín dụng phù hợp với diễn biến tiền tệ, tín dụng, hoạt động ngân hàng, đảm bảo đạt được mục tiêu chính sách tiền tệ.
Theo yêu cầu của Thống đốc, các tổ chức tín dụng phải xây dựng kế hoạch và thực hiện nghiêm túc việc kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng trong suốt cả năm 2012 (bao gồm cả yếu tố điều chỉnh tỷ giá) trên cơ sở chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thông báo cho từng tổ chức tín dụng.
Báo cáo của HSBC cho thấy, tăng trưởng trong quý I/2012 của Việt Nam đã giảm còn 4,1% so với cùng kỳ năm ngoái - mức tăng trưởng thấp nhất trong 3 năm qua. Sự sụt giảm này thấp hơn so với dự kiến, phản ánh tình trạng nền kinh tế quá phụ thuộc vào tăng trưởng tín dụng.
Theo bản báo cáo chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) của HSBC, hoạt động sản xuất tại Việt Nam tiếp tục giảm trong tháng 5. Điều này dự báo tốc độ tăng trưởng trong quý II/2012 khó vượt mức 5%.
Nguyên do của tốc độ tăng trưởng chậm lại, HSBC đánh giá là do các biện pháp thắt chặt được áp dụng trong năm 2011 để kiềm chế lạm phát cao. Kết quả là, tín dụng trong năm 2011 và đầu năm 2012 đã sụt giảm do lãi suất cho vay cao, doanh nghiệp (DN) thiếu tài sản bảo đảm để tiếp cận nguồn vốn vay và nhu cầu tiêu dùng thấp.
Chính phủ đã thắt chặt tăng trưởng tín dụng thông qua việc tăng lãi suất và áp dụng nhiều biện pháp quản lý khác. Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đưa ra nhiều chính sách để quy định việc kinh doanh vàng cũng như đồng ngoại tệ. Những biện pháp đó đã kiềm chế thành công lạm phát bằng việc kéo giảm nhu cầu nội địa cũng như nhu cầu về vàng và đô la Mỹ.
Tuy nhiên, tình hình tín dụng thắt chặt như hiện nay đã buộc nhiều DN và cá nhân thu gọn quy mô và tập trung vào những hoạt động có hiệu quả hơn.
Trước diễn biến tình hình hiện nay, HSBC đưa ra dự báo, tín dụng sẽ tăng trưởng với tốc độ khiêm tốn 13% (mức trần tăng trưởng tín dụng mà Chính phủ áp dụng cho các tổ chức tài chính là 17% tùy thuộc vào tình trạng tài chính của từng tổ chức, và là 15% cho cả hệ thống).
Cũng theo báo cáo của HSBC, do sụt giảm về tăng trưởng nên vấn đề nợ xấu hiện là tâm điểm chú ý khiến Chính phủ phải kiên quyết thực hiện các giải pháp nhằm tăng cường tính minh bạch. NHNN đã công bố tỷ lệ nợ xấu trong hệ thống NH tăng từ 2,2% năm 2010 lên 3,6% năm 2011. Nguy cơ này sẽ có xu hướng tăng cao hơn trong năm nay.
HSBC nhận định, việc ưu tiên ổn định nền kinh tế vĩ mô và cải thiện chất lượng tăng trưởng là bước đi mới nhất của Chính phủ theo đúng định hướng trong thời điểm này để hóa giải nút thắt cổ chai của nền kinh tế, như cải thiện kỹ năng của lực lượng lao động, xóa bỏ các thủ tục hành chính rườm rà và tăng cường sản xuất thực phẩm và năng lượng.
Hải Minh-Xuân Thành